Vì đồng Euro rớt giá nên Chanel lại tăng giá?
Trong những tháng gần đây, lạm phát tăng cao tại các quốc gia phát triển thuộc châu Âu đã vô hình gây áp lực lên ngành thời trang cao cấp. Song, đối với người Mỹ, đây lại là cơ hội để họ đi du lịch khắp châu Âu và mua sắm thỏa thích…
Đồng Euro chạm mức thấp nhất trong hai thập kỷ và gần bằng với đồng đô la trùng hợp với thời điểm du lịch quốc tế có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Trong khi các khách hàng tiềm năng nhất của xa xỉ phẩm vẫn đang trong cảnh phong toả tại Trung Quốc, thì người Mỹ lại lựa chọn châu Âu như một điểm đến nghỉ dưỡng và dường như quan tâm đến các thương hiệu cao cấp hơn bao giờ hết.
Theo WSJ, nhiều khách du lịch Mỹ đã mạnh tay chi tiền để mua các mặt hàng xa xỉ, rượu vang đắt tiền và thuê phòng nghỉ cao cấp ở châu Âu. Một số chia sẻ rằng họ đang lên kế hoạch tiếp tục du lịch nước ngoài với khoản tiền tiết kiệm từ trước. Du lịch đến châu Âu với sự chênh lệch tỷ giá giữa USD và đồng Euro cũng giúp người Mỹ có cơ hội mua một chiếc túi xách xa xỉ mà họ đã "để mắt" từ lâu.
Lấy ví dụ cùng một mẫu túi Chanel Classic Flap cỡ đại. Ở Mỹ, thiết kế này được bán lẻ với giá 9.500 đô la (khoảng hơn 220 triệu đồng). Thuế suất trung bình ở Florida là 7%, nghĩa là hơn 15 triệu đồng tiền thuế, dẫn đến giá bán đến tay khách hàng là khoảng 238 triệu đồng. Còn ở châu Âu, chiếc túi tương tự được bán với giá chưa tới 215 triệu đồng. Trong khi đó, khoản hoàn thuế VAT là 12%, dẫn tới việc giá bán lẻ túi chỉ còn hơn 189 triệu đồng. Chênh lệch giá cả là gần 50 triệu đồng chỉ với cùng một thiết kế túi.
Bên cạnh đó, châu Âu luôn thu hút khách du lịch như một thiên đường mua sắm, đặc biệt là thời trang hàng hiệu, nhờ quy trình hoàn thuế để tiết kiệm tiền. Cụ thể, trước khi mua, du khách có thể kiểm tra xem cửa hàng có hoàn thuế hay không, sau đó là hỏi mức mua sắm tối thiểu để được hưởng dịch vụ này. Số tiền để được hoàn thuế ở mỗi quốc gia là khác nhau.
Nhiều du khách Mỹ thừa nhận, việc đồng Euro giảm mạnh khiến họ có cảm giác như đang mua sắm tại quê nhà và khiến họ dễ dàng mở hầu bao hơn thường lệ. Các nhà phân tích của Ngân hàng Thụy Sỹ UBS nhận định, sự tăng giá của đồng USD đã thúc đẩy việc mua sắm của du khách tại châu Âu tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước đó, và du khách Mỹ đóng vai trò lớn trong sự gia tăng này.
Trước tình hình này, các chuyên gia lo ngại sự chênh lệch lớn của giá bán xa xỉ phẩm có thể dẫn tới khả năng hình thành một thị trường hàng xách tay trốn thuế tại Mỹ. Điều này sẽ làm vô hiệu hóa những nỗ lực trong việc xây dựng mối liên kết trực tiếp giữa nhãn hàng và người tiêu dùng ở Mỹ, điều mà các thương hiệu vẫn luôn cố gắng sau sự xuất hiện của một làn sóng mới các khách hàng tiềm năng hậu Covid-19.
Do đó, cùng với vấn đề lạm phát, chi phí nhân công cũng như năng lượng vẫn tiếp tục tăng cao, việc các nhà mốt cao cấp cân nhắc việc tăng giá sản phẩm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những đợt tăng giá sắp tới được dự đoán là “khiêm tốn” so với biến động trong suốt hai năm dịch bệnh.
Trang Purse Blog mới đây thông tin, Chanel sẽ tiếp tục là thương hiệu tiên phong trong cuộc chiến duy trì tính độc quyền xa xỉ, và giá túi Chanel ở châu Âu sẽ lại tăng đến 10% ngay trong tuần này.
Chanel và các thương hiệu lớn khác, đã lấy lý do rằng đây là một động thái nhằm cân đối giá cả, do chênh lệch ngày càng lớn về giá của một chiếc túi cao cấp ở Mỹ so với ở châu Âu. Họ không muốn các khách hàng ở Mỹ phàn nàn vì sự chênh lệch quá lớn này. Đây là lần thứ 5 Chanel điều chỉnh giá túi xách trong vòng 2 năm qua. Vào tháng 1/2021, giá của chiếc túi Medium Classic Flap có giá 160 triệu đồng. Nửa năm sau, nó tăng vọt lên 181 triệu đồng và cho tới tháng 6/2022, giá của chiếc túi là 205 triệu đồng, gần ngang với giá của những chiếc túi Hermès Birkin.
Hồi tháng 3 năm nay, Chanel cũng đã thay đổi giá của 4 mẫu túi xách và bộ sưu tập quần áo ready-to-wear Xuân - Hè thêm 6% ở châu Âu, trong các sản phẩm ở Mỹ vẫn giữ nguyên giá. Theo phát ngôn viên của Chanel, việc tăng giá này là do thay đổi các chi phí sản xuất, biến động tỷ giá hối đoái cũng như để cân bằng giá túi xách trên toàn cầu. Còn theo các nhà phân tích và giám đốc điều hành lĩnh vực xa xỉ, đây là chiến lược để Chanel nâng giá trị thương hiệu lên ngang bằng những nhà mốt thượng cấp như Hermès, thay vì ngồi "chung mâm" với Dior hay Versace.
Hiện Pháp là quốc gia châu Âu hưởng lợi nhiều nhất từ chi tiêu của khách du lịch. Các nhà phân tích tại UBS cho biết, trong tháng 6, doanh số bán hàng cho khách du lịch ở Pháp tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch Mỹ đã đến Đại lộ Montaigne của Paris trong tuần này, và tấp nập mua sắm tại các cửa hàng xa xỉ bao gồm Louis Vuitton, Chanel và Gucci.
Tuy nhiên, Monica Arora, người sáng lập trang thông tin về thị trường hàng xa xỉ Walletebop.com cho biết, sau Chanel, các thương hiệu xa xỉ khác cũng sẽ dần điều chỉnh giá để đối phó với biến động tiền tệ và lạm phát. Khi đó, sức mua của du khách có khả năng sẽ hạ nhiệt khi sự phấn khích vì tỷ giá qua đi.