Vì sao Nhật Bản vẫn phủ bóng ngành chip dù mờ nhạt trên đường đua toàn cầu?
Nhật Bản không phải là ‘cha đẻ’ của những con chip tiên tiến nhất vài năm gần đây, nhưng lại cung cấp những thành phần không thể thiếu…

Nhật Bản đã đánh mất lợi thế trong ngành chip từ nhiều thập kỷ trước vào tay các nhà thiết kế chip ở Mỹ và các nhà sản xuất tại Đài Loan và Hàn Quốc. Kể từ những năm 1990, khoảng cách này ngày càng nới rộng.
Những con chip silicon tiên tiến nhất thế giới, cung cấp sức mạnh cho trí tuệ nhân tạo, không được sản xuất tại Nhật Bản. Thế nhưng, cổ phiếu của các công ty Nhật Bản liên quan đến ngành chip vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Những gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu biến động gây ra nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất chip ở Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ lại chỉ tác động nhẹ nhàng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Cổ phiếu của Advantest và Resonac (trước đây là Showa Denko) đã tăng hơn 1/3 so với mức thấp nhất của năm ngoái, ít bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu chung của ngành chip. Cổ phiếu JX Advanced Metals – thương vụ niêm yết lớn nhất tại Nhật Bản trong gần bảy năm – cũng đã ghi nhận tăng trưởng.
Việc lắp ráp hàng tỷ linh kiện bán dẫn trên một tấm bán dẫn silicon nhỏ bé có thể xem là một thành tựu kỹ thuật. Thế nhưng, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, ngành sản xuất này còn phụ thuộc rất nhiều vào hóa chất khi quy trình đòi hỏi một loạt vật liệu siêu tinh khiết.
Nhật Bản không sản xuất những con chip tiên tiến nhất, nhưng nước này lại cung cấp nhiều vật liệu, hóa chất và thiết bị kiểm tra quan trọng. Dù không hào nhoáng, những sản phẩm này lại mang lại lợi nhuận cao.
Mọi con chip đều bắt đầu từ một tấm bán dẫn silicon và 50% thị phần toàn cầu của tấm nền này nằm trong tay hai công ty Nhật Bản – Shin-Etsu Chemical và Sumco.
Trong quá trình khắc các mẫu vi mạch lên chip, chất cản quang (photoresist), một loại vật liệu nhạy sáng được sử dụng trong quang khắc cực tím (EUV) là thành phần không thể thiếu. JSR Corporation, Tokyo Ohka Kogyo và Shin-Etsu Chemical là những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này.
Ngoài hóa chất, các công ty Nhật Bản còn hoạt động mạnh trong lĩnh vực kiểm tra và đo lường chip. Thiết bị kiểm tra tự động, dùng để đánh giá hiệu suất và phát hiện lỗi trên chip, được cung cấp bởi các công ty như Advantest.
Dù không hoàn toàn miễn nhiễm với những chu kỳ suy thoái của ngành, các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị bán dẫn của Nhật Bản ít chịu biến động hơn so với các công ty trực tiếp sản xuất chip. Không giống như các nhà máy chế tạo, vốn phải đối mặt với chu kỳ bùng nổ rồi suy thoái, các nhà cung cấp wafer, hóa chất và kim loại chuyên dụng hưởng lợi từ các hợp đồng dài hạn và nhu cầu ổn định.
Hơn nữa, việc sản xuất những vật liệu và hóa chất này đòi hỏi hàng chục năm kinh nghiệm cùng với sự đầu tư lớn vào hạ tầng. Ít quốc gia có đủ khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này, giúp các nhà cung cấp chủ chốt của Nhật Bản duy trì lợi thế về giá cả và sự ổn định trên thị trường.
Nhật Bản có thể không bao giờ giành lại vị thế thống trị trong sản xuất chip như thời hoàng kim những năm 1980. Nhưng những gì còn sót lại từ giai đoạn đó vẫn mang đến cho nước này một lợi thế khác, không kém phần giá trị đối với các nhà đầu tư đặt cược vào ngành chip: chuyên môn và sự ổn định.