Vốn đầu tư mạo hiểm của Đông Nam Á nửa đầu năm 2023 giảm 65%
Theo Công ty phân tích dữ liệu Preqin, tính đến ngày 31/5/2023, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (VC) ở Đông Nam Á chỉ đạt 4 tỷ USD, đánh dấu mức giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 2022…

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang đối mặt với hàng loạt thách thức, nhất là vấn đề huy động vốn. Thế nhưng, “mùa đông tài trợ” đã và đang thúc đẩy các công ty khởi nghiệp khu vực phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo để tồn tại.
ĐIỀU HƯỚNG MÙA ĐÔNG TÀI TRỢ TẠI ĐÔNG NAM Á
Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO Venture Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào một số công ty công nghệ lớn nhất khu vực, lưu ý rằng hiệu suất chậm chạp của các công ty dẫn đầu ngành đang ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của các công ty khởi nghiệp chưa được niêm yết, do đó làm giảm tiềm năng của họ.
Kể từ khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong vòng 18 tháng qua, định giá của những gã khổng lồ công nghệ như Grab và GoTo giảm lần lượt hơn 70% và gần 68%. Theo Tech Collective, các nhà đầu tư mạo hiểm có thể sẽ sớm rút lui, khi đó mức định giá sẽ còn giảm xuống đáng kể.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã chuyển trọng tâm từ tìm kiếm đầu tư các dự án kinh doanh mới sang tập trung quản lý danh mục đầu tư hiện có. Sự thay đổi này đặc biệt phổ biến trong giới các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ, những người đã tích cực thâm nhập vào nhiều khu vực nước ngoài trong thời kỳ đại dịch. Lãi suất cao hơn đã hạn chế con đường tài chính của các công ty khởi nghiệp. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đang cắt giảm chi phí, hạn chế mở rộng quy mô phát triển. Điều này khiến tốc độ phát triển của các doanh nghiệp chậm lại, dẫn đến định giá thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Vì vậy, các nhà đầu tư càng thận trọng hơn.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nhân David Rabie, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tovala (Chicago), một startup về công nghệ thực phẩm đã có những quyết định táo bạo trong điều hành công ty. Ông cho biết, ngay từ khi mới thành lập, vì tiềm lực tài chính còn yếu, nên Tovala vẫn luôn thận trọng trước mỗi lời đề nghị đầu tư.
Chính vì vậy, mặc dù trong thời điểm các startup đều đang khát vốn, David Rabie đã nhấn mạnh một quan điểm khác “Không phải mọi cơ hội đầu tư đều đáng để theo đuổi”. Ngay cả trong đợt bùng nổ đầu tư mạo hiểm vào năm 2020, David Rabie đã từ chối một lời đề nghị đầu tư không phù hợp với lợi ích của công ty ông. Đến nay, Tovala đã huy động được tổng cộng 68 triệu USD.

Một số công ty khởi nghiệp sẵn sàng từ chối đề nghị đầu tư
CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP TẠI ĐÔNG NAM Á NÊN CHUẨN BỊ GÌ CHO MÙA TÀI TRỢ TIẾP THEO?
Trước hết, các startup cần xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng nhằm đảm bảo đạt được lợi nhuận và tăng trưởng bền vững trong bất kỳ kịch bản nào. Trong thời gian tới, nền kinh tế dự kiến sẽ chưa thể phục hồi, các công ty nên chuyển trọng tâm từ việc mở rộng nhanh chóng sang đạt cân bằng giữa hoạt động mở rộng quy mô và tạo ra doanh thu. Bằng cách khẳng định một mô hình kinh doanh vững chắc và giá trị doanh nghiệp mạnh mẽ, các công ty khởi nghiệp có thể thu hút các nhà đầu tư ngay cả trong thời điểm đầy thách thức.
Còn với các công ty khởi nghiệp đã thành công huy động vốn trong năm nay, điều tối quan trọng là phải đi sâu vào các chiến lược lâu dài giúp mở rộng đường băng của các nguồn tiền mặt sẵn có. Điều này không chỉ đòi hỏi các công ty phải hoãn lại các cam kết vốn mà còn đòi hỏi các công ty phải đánh giá lại toàn diện các điều khoản trả nợ. Ngoài các biện pháp tức thời, các công ty khởi nghiệp cũng nên xem xét thận trọng vấn đề chi tiêu, loại bỏ các khoản chi không thiết yếu và tái phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng và tạo doanh thu.
Mùa đông tài trợ đã phủ bóng đen lên các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Những thay đổi trong xu hướng đầu tư mạo hiểm cũng như chiến lược tài trợ mặc dù ban đầu đặt ra thách thức cho các công ty nhưng cuối cùng điều này đã dẫn đến một làn sóng đổi mới và thích ứng cho các startup.
Cuối cùng, theo Tech Collective, các công ty khởi nghiệp trong khu vực đã thể hiện khả năng phục hồi khá tốt, bằng cách đa dạng hóa nguồn thu nhập và thay đổi linh hoạt cách tiếp cận. Khi bối cảnh tài trợ phát triển, các bài học rút ra trong giai đoạn này đã tạo nên một hệ sinh thái mạnh mẽ và năng động hơn, chắc chắn sẽ góp phần vào sự tăng trưởng và thành công liên tục của các nỗ lực khởi nghiệp trong khu vực.