VPBank chính thức chốt chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 80%
VPBank công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về triển khai phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu...
Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) vừa mới có Nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 80%), trong đó phát hành để trả cổ tức là 1,53 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 62,15%) và còn lại là phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (17,85%).
Nguồn vốn phát hành là từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với tổng giá trị là hơn 19.757 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua và đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật. Số cổ phiếu được phát hành thêm không hạn chế chuyển nhượng.
VPBank hiện có gần 2,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và 60,2 triệu cổ phiếu quỹ. Như vậy, nếu việc tăng vốn diễn ra thuận lợi, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 25.300 tỷ đồng lên mức 45.057,6 tỷ đồng.
Trước thông báo trên, vào ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 6355/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý củaFE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Dự kiến, trong quý 3 này, VPBank cũng sẽ ghi nhận khoản thu nhập bất thường gần 30.000 tỷ đồng từ thương vụ bán 49% vốn của FE Credit cho đối tác ngoại.
Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 7.218 tỷ đồng, tăng 37% so với nửa đầu năm 2020. Tại ngày 30/6/2021, quy mô tổng tài sản đạt 451.767 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 310.852 tỷ đồng, tăng 6,89% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 233.591 tỷ đồng.
Được biết, tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo VPBank chia sẻ, đến năm 2022, ngân hàng sẽ tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 25.300 tỷ đồng hiện nay lên 75.000 tỷ đồng từ 3 nguồn chính. Thứ nhất, thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% tại FE Credit cho đối tác Nhật (SMBC). Thứ hai, phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu giá trị gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư cổ phần (tương ứng tỷ lệ tổng cộng 80%). Thứ ba, phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài.