WHO: Omicron lây nhanh, thế giới không nên chủ quan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/12 cảnh báo biến chủng mới Omicron của Covid-19 đang lây nhanh hơn bất kỳ biến chủng nào đã được phát hiện trước, và có thể đã có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới...
“Omicron đang lây với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến chủng nào trước đây”, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO phát biểu trong một cuộc họp báo cập nhật tình hình Covid tại Geneva, Thuỵ Sỹ. “77 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đã báo cáo có ca nhiễm Omicron. Và sự thật là Omicron có lẽ đã có mặt ở hầu hết các quốc gia, cho dù chưa được phát hiện”.
Ông Tedros cho biết WHO lo ngại các quốc gia chủ quan cho rằng Omicron chỉ là một biến chủng nhẹ. Dù có tốc độ lây nhanh, hiện các nhà khoa học chưa kết luận biến chủng này chỉ gây bệnh nhẹ hay nặng hơn so với các biến chủng trước.
“Đến hiện tại, chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta đã đánh giá thấp về virus này”, ông Tedros nói. “Cho dù Omicron có gây bệnh nhẹ hơn, thì số ca nhiễm lớn vẫn có thể khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải một lần nữa vì thiếu sự chuẩn bị sẵn sàng”.
Vị Tổng giám đốc WHO cảnh báo chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để bảo vệ các quốc gia khỏi biến chủng Omicron, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
“Không phải đã tiêm vaccine là không cần đeo khẩu trang. Không phải đã tiêm vaccine là không cần giãn cách. Không phải đã tiêm vaccine là không cần thoáng khí hay sát khuẩn tay. Hãy làm tất cả các việc đó, làm thường xuyên và làm tốt”, ông Tedros kêu gọi.
Theo dữ liệu ban đầu từ phòng thí nghiệm công bố vào tuần trước, biến chủng Omicron làm giảm đáng kể sự bảo vệ của 2 mũi tiêm Pfizer/BioNTech trong việc trong lại lây nhiễm. Ngày thứ Hai, các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford cũng công bố phát hiện rằng vaccine Pfizer và AstraZeneca giảm hiệu quả trước biến chủng mới này.
Tuy nhiên, việc tiêm liệu trình 2 mũi các vaccine này vẫn có thể chống lại nguy cơ nhiễm bệnh nặng. Pfizer và BioNTech cũng phát hiện rằng việc tiêm mũi tăng cường làm tăng mạnh mức độ bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm biến chủng Omicron.
Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc phụ trách chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ không ngăn hoàn toàn sự lây nhiễm của virus, nhưng sẽ giúp giảm sức ép lên hệ thống y tế trên khắp thế giới.
“Nếu tất cả cùng áp dụng các biện pháp này, chúng ta vẫn sẽ không ngăn được sự lây nhiễm của Omicron hay Delta, rất khó để làm được việc đó”, ông Ryan nói trong cuộc họp báo cùng với ông Tedros. “Nhưng điều chúng ta sẽ làm được làm giảm đáng kể sức ép lây nhiễm, giảm bớt làn sóng lây nhiễm, và nhờ đó có thể vượt qua được làn sóng này mà không gây đứt gãy hay sụp đổ hệ thống y tế”.
Ông Ryan nói các chính phủ trên thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng cho một làn sóng lây nhiễm mới bằng cách đảm bảo rằng các bệnh viện có đủ y bác sỹ, phòng bệnh, và khí oxy y tế. Ông cũng nói các chính phủ cần tiếp tục kêu gọi những người còn chưa tiêm vaccine đi tiêm.
“Trên thực tế, hệ thống y tế hiện nay yếu hơn so với cách đây một năm”, ông Ryan nói. “Đôi khi, bạn có thể gượng dậy sau cú đấm thứ nhất, nhưng sau cú đấm thứ hai thì khó hơn. Đó chính là khó khăn. Chúng ta đang dựa vào một hệ thống y tế đã suy yếu”.
Ông Tedros nói WHO lo ngại rằng việc các nước giàu tiêm mũi nhắc lại cho toàn bộ dân số trưởng thành sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vaccine trên toàn thế giới. Ông nói rõ rằng WHO không phản đối việc tiêm tăng cường cho những người có nguy cơ mắc Covid thể nặng, nhưng ưu tiên chính vẫn nên là tiêm cho những người chưa được tiêm.
Theo số liệu của WHO, hiện có 41 quốc gia chưa đạt được tỷ lệ tiêm đủ vaccine cho 10% dân số, và 98 quốc gia chưa đạt tới mức 40%.
“Chúng ta cũng chứng kiến sự bất bình đẳng vaccine nghiêm trọng giữa các nhóm dân số trong cùng một quốc gia”, ông Tedros nói. “Chùng nào sự bất bình đẳng đó còn tiếp tục, thì đại dịch còn tiếp tục”.