Xuất khẩu gỗ đạt 12 tỷ USD năm 2020
Ngành gỗ Việt đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi thực thi Hiệp định VPA/FLEGT
Tổng cục Lâm nghiệp vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến "Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ Việt Nam".
Với hai đòn bẩy là Luật Lâm nghiệp và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam - EU, ngành lâm nghiệp sẽ có những bước phát triển mới.
Đạt 7,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018
Ông Phạm Văn Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013-2016, năm 2017 đạt mức tăng trưởng 5,27%, và ước tính năm 2018 đạt 6%.
Tài nguyên rừng phục hồi nhanh: tỷ lệ che phủ rừng rơi xuống đáy 28% vào năm 1995, nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 41,45% và dự kiến năm 2018 đạt 41,65%. Thương mại gỗ, đồ gỗ tăng trưởng mạnh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đồ gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU...
Năm 2017, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 8,032 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016; tỷ lệ xuất siêu trên 70%, giá trị gia tăng trên 40%; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ, đồ gỗ chế biến đạt 5,7 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2018, xuất khẩu lâm sản tiếp tục tăng trên 16%, ước đạt 7,6 tỷ USD, xuất siêu lâm sản chính 5,72 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sẽ chạm mốc 9 tỷ USD.
Theo ông Điền, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Đặc biệt, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT vào ngày 19/10/2018. Hành lang pháp lý ngành lâm nghiệp ngày càng được hoàn thiện với việc ban hành Luật Lâm nghiệp 2017 thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực cùng với những nghị định hướng dẫn, sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển rừng bền vững và gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2025, đề ra mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên 12-13 tỷ USD vào năm 2020, và đến năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD.
"Chúng tôi cũng lập kế hoạch mở rộng thị trường, để tránh bị áp thuế bán phá giá. Nếu bán cho một nước truyền thống có mức tăng trưởng 3 năm liền ở hai con số thì sẽ bị điều tra về việc bán phá giá và áp thuế lên tới 25%, vì vậy, chúng ta phải mở rộng thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với các thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn độ, châu Phi và Nam Mỹ. Tiếp đó là triển khai kế hoạch phát triển thương mại gỗ, chú ý đến gỗ cao su và gỗ vườn nhà (có thể lên 3 triệu m3/năm) gắn với chế biến để phục vụ xuất khẩu trong nhiều năm tới", ông Điền nói.
Ông Hà Sỹ Đồng- Ủy viên Tài chính ngân sách Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đạt được mục tiêu 12-13 tỷ USD thì chúng ta cũng cần thấy rõ những thách thức, cơ hội khi tham gia hội nhập với ngành lâm nghiệp thế giới. Thời gian tới, mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cụ thể hóa hơn nữa chính sách giao đất, khoán rừng với chủ hộ. Đồng thời, giúp các chủ rừng sớm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững rừng (FSC) để làm tốt hơn nữa việc quản lý, nâng cao việc khai thác và sản xuất từ rừng.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để ngành lâm nghiệp có được liên kết "4 nhà" từ khâu trồng rừng đến tiêu thụ chế biến, trong đó đặc biệt quan tâm đến trồng rừng gỗ lớn, bởi lâu nay chúng ta khai thác rừng non nhiều, xuất khẩu gỗ dăm nhiều nên ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nguyên liệu.
Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ
Luật Lâm nghiệp lần này có nhiều đổi mới, phù hợp với xu thế hội nhập trong bối cảnh Việt Nam đã ký Hiệp định VPA/FLEGT với EU. Tham gia hiệp định này, chúng ta phải cam kết mọi nguyên liệu gỗ sản xuất phải có nguồn gốc hợp pháp, từ sản xuất, chế biến, đặc biệt là những khu rừng tuân thủ FSC thì thực hiện hiệp định này càng dễ hơn.
Ông Triệu Đăng Khoa - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho hay, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao, đứng thứ 2 cả nước khi độ che phủ rừng chiếm tới 64,8%. Mỗi năm tỉnh Tuyên Quang khai thác khoảng 1 triệu m3 gỗ, phần lớn là phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.
Từ lâu, tỉnh xác định sản xuất lâm nghiệp là một trong những hướng đi đột phá của tỉnh, do đó tỉnh đã hỗ trợ tích cực việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý FSC. Đến nay, Tuyên Quang đã cấp chứng chỉ FSC cho 19.700 ha rừng, xếp chỉ sau tỉnh Quảng Trị; trong đó, 100% sản lượng gỗ từ diện tích này đã được chế biến xuất khẩu đi EU, giá trị kinh tế tăng thêm từ diện tích gỗ này là 20 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Tường Vân - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, Hiệp định VPA/FLEGT được xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, có những nội dung cam kết mới đòi hỏi Việt Nam cần quy định bổ sung để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ như về quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu; về phân loại mức độ rủi do doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung của hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS)...