Telegram có thể đi vào vết xe đổ của TikTok
Trong tuyên bố gần đây, nhiều quan chức châu u tại khẳng định ứng dụng cần bị cấm giống như cách Uỷ ban cấm TikTok trong phạm vi tổ chức…
Vào cuối ngày 28/8 theo giờ địa phương, chính quyền Pháp đã trình bày báo cáo sơ bộ đối với vụ bắt giữ ông Pavel Durov. Vị CEO được thả sau bốn ngày thẩm vấn, nhưng bị cấm rời khỏi Pháp cho đến khi cuộc điều tra tiếp theo diễn ra.
Trước đó, Euronews đưa tin nhà đồng sáng lập ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng Telegram bị bắt giữ vào ngày 24/8 vừa qua tại sân bay Le Bourget thuộc vùng ngoại ô Paris như một phần cuộc điều tra toàn diện về các hoạt động tội phạm được thực hiện trên môi trường internet.
Các thẩm phán đệ trình cáo buộc sơ bộ vụ việc, ra lệnh cho ông Durov nộp 5 triệu euro (5,5 triệu USD) tiền bảo lãnh và phải đến đồn cảnh sát hai lần một tuần.
Những cáo buộc xoay quanh CEO Durov, doanh nhân công nghệ sinh ra tại Nga và hiện tại mang quốc tịch Pháp, bao gồm việc nền tảng của ông thường xuyên được sử dụng nhằm truyền bá nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, gian lận đầu tư, buôn bán ma túy, khủng bố và phạm tội có tổ chức. Telegram cũng nhiều lần từ chối chia sẻ thông tin hoặc tài liệu với các nhà điều tra khi được yêu cầu hợp tác.
Văn phòng công tố cho biết cáo buộc sơ bộ nhận định ông Durov là "đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến nhằm cho phép các nhóm tội phạm có tổ chức giao dịch bất hợp pháp", tội danh này có thể dẫn đến mức án lên tới 10 năm tù và khoản tiền phạt 500.000 euro (hơn 550.000 USD).
LÀN SÓNG PHẪN NỘ TẠI NGA
Vụ việc CEO Durov bị bắt tại Pháp gây ra làn sóng phẫn nộ ở Nga, khi một số quan chức chính phủ nhận định đây là động cơ chính trị và là bằng chứng cho thấy tiêu chuẩn kép của phương Tây về quyền tự do ngôn luận.
Được biết, vào năm 2018, chính quyền Nga đã cố gắng chặn ứng dụng Telegram nhưng không thành công, sau đó phải gỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2020.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào đầu tuần này đã tuyên bố rằng vụ bắt giữ Giám đốc Điều hành Telegram không phải động thái chính trị mà là một phần của cuộc điều tra độc lập.
Tổng thống Macron chia sẻ trên X rằng nước Pháp "cam kết sâu sắc" về quyền tự do ngôn luận nhưng "quyền tự do phải được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực, nhằm bảo vệ lợi ích của công dân và tôn trọng quyền cơ bản của công dân".
Trong tuyên bố được đăng tải trên nền tảng ngay sau vụ bắt giữ, Telegram nhấn mạnh công ty luôn tuân thủ luật pháp của Liên minh Châu Âu (EU), quy trình kiểm duyệt "nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện".
Ngoài Nga và Pháp, ông Durov còn sở hữu quốc tịch tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và quốc đảo St. Kitts & Nevis thuộc vùng Caribe.
PHẢN ỨNG CỦA EU
Sau nhiều động thái trấn áp Telegram đến từ Nga và Pháp, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết sẽ không hạn chế các quan chức truy cập ứng dụng này.
"Nền tảng duy nhất bị cấm trên toàn bộ thiết bị tại EC là TikTok", đại diện phát ngôn của tổ chức xác nhận với Euronews.
Ứng dụng nhắn tin Telegram thành lập vào năm 2013 với trụ sở chính đặt tại Dubai, được nhiều chính trị gia sử dụng, bao gồm cả Tổng thống Pháp Macron.
Nghị sĩ châu Âu người Hà Lan Bart Groothuis, cựu Giám đốc An ninh mạng tại Bộ Quốc phòng Hà Lan đồng thời là thành viên Ủy ban Công nghiệp và Thương mại thuộc Nghị viện châu Âu, nhận định việc ngày càng nhiều người sử dụng ứng dụng Telegram rất đáng lo ngại vì người dùng dễ bị chi phối thông qua hình thức nhắn tin mã hoá đầu cuối.
Ông Groothuis nói thêm rằng “sẽ không khôn ngoan nếu các quan chức, bộ trưởng hoặc chính trị gia cấp cao cài những ứng dụng tương tự trên điện thoại cá nhân”.
Một quan chức khác của Hội đồng EU cho biết "không có hạn chế đặc biệt nào đối với việc sử dụng Telegram trên các thiết bị làm việc đối với nhân viên trong Hội đồng".
Trong số các quốc gia áp dụng lệnh hạn chế có Thụy Sĩ, nơi quân đội bị cấm sử dụng ứng dụng này, và Hà Lan, nơi toàn bộ quan chức chính quyền thành phố Amsterdam không được phép truy cập Telegram do mối lo ngại về lan truyền thông tin sai lệch, đe dọa an ninh mạng và tình trạng buôn bán ma túy gia tăng.
VẾT XE ĐỔ TƯƠNG TỰ TIKTOK
Kể từ tháng 2/2023, các quan chức Ủy ban EU bị cấm sử dụng TikTok, nền tảng mạng xã hội thuộc công ty mẹ Bytedance đến từ Trung Quốc, trên điện thoại phục vụ công việc và toàn bộ thiết bị cá nhân đã đăng ký dịch vụ di động của tổ chức vì lý do an ninh mạng.
“Biện pháp nhằm bảo vệ Ủy ban khỏi các mối đe dọa an ninh mạng và một số hành động lợi dụng để tấn công vào môi trường doanh nghiệp của Ủy ban”, Giám đốc Điều hành EU khẳng định trong báo cáo công bố vào thời điểm đó, đồng thời nói thêm rằng diễn biến về an ninh tại một số nền tảng truyền thông xã hội khác cũng sẽ được xem xét liên tục.
Nghị sĩ Groothuis cho biết Telegram là một mạng xã hội hoạt động vô cùng bí ẩn và khó đoán: “Chúng ta không hề biết công ty này đang nắm giữ đòn bẩy gì hay liệu có tồn tại mối đe dọa an ninh mạng nào đó hay không. Vì vậy, tôi cho rằng, ứng dụng cần phải bị cấm giống như cách Uỷ ban Châu Âu cấm TikTok trong phạm vi tổ chức”.