14:34 09/09/2024

Thách thức của startup edtech Việt trước mong muốn “doanh thu trăm triệu USD” của nhà đầu tư

Bảo Bình

Không ít startup gọi vốn thành công, nhưng sau khi có nhà đầu tư mới, doanh nghiệp thường phải chia sẻ quyền điều hành và một số quyền kiểm soát khác. Điều này có thể dẫn đến những kết quả khác nhau, bao gồm cả thành công và thất bại…

Một trong những mục tiêu quan trọng mà các nhà đầu tư đặt ra là “mốc doanh thu khoảng 100 triệu USD”. Đây là mục tiêu cực kỳ thách thức, đặc biệt đối với các công ty edtech với chỉ một sản phẩm. Ảnh minh họa.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà các nhà đầu tư đặt ra là “mốc doanh thu khoảng 100 triệu USD”. Đây là mục tiêu cực kỳ thách thức, đặc biệt đối với các công ty edtech với chỉ một sản phẩm. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Công ty Edtech Agency, cho biết hiện nay nhiều startup Việt trong lĩnh vực EdTech đang gặp khó khăn về tài chính và có xu hướng tìm kiếm cơ hội để bán lại hoặc hợp tác với các đối tác lớn hơn.

Mặc dù thị trường gặp khó, vẫn có một số tín hiệu tích cực từ sự gia tăng hoạt động của các nhà đầu tư và công ty quốc tế tại Việt Nam. Việc các công ty quốc tế thâm nhập vào thị trường Việt Nam và tìm cách mua lại các đội ngũ hoặc công ty địa phương có thể tạo ra cơ hội cho các startup trong lĩnh vực EdTech.

ÁP LỰC VỀ KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Tuy nhiên, theo bà Đào Lan Hương, Giám đốc điều hành Teky, startup thường đối mặt với những thay đổi, cả tích cực lẫn tiêu cực, khi có sự tham gia của các đối tác hoặc nhà đầu tư bên ngoài. Doanh nghiệp thường phải chia sẻ quyền điều hành và một số quyền kiểm soát khác. Điều này có thể dẫn đến những kết quả khác nhau, bao gồm cả thành công và thất bại.

Chẳng hạn, có những trường hợp, công ty đã gọi vốn thành công, nhưng sau khi có nhà đầu tư mới, công ty lại thất bại. “Điều này chứng tỏ gọi vốn không phải là đích đến cuối cùng, mà nó có thể mở ra những con đường khác nhau cho doanh nghiệp”, bà Đào Lan Hương nói. Ngược lại, cũng có những câu chuyện thành công khi nhà đầu tư giúp công ty tăng tốc phát triển rất nhanh.

Theo chuyên gia, gọi vốn thành công vẫn có thể dẫn đến thất bại nếu không kiểm soát tốt. Áp lực từ các nhà đầu tư có thể tạo ra những kỳ vọng cao về tăng trưởng và phát triển, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Nếu doanh nghiệp không kiểm soát được sự phát triển nóng và hiệu quả giữa doanh thu và chi phí, và nếu dòng tiền bị đứt gãy trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp có thể đứng trước những rủi ro lớn.

Việc có sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài có thể tạo ra rủi ro về mặt đồng thuận trong chiến lược của doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được vấn đề đồng thuận và mối quan hệ giữa các bên, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong chiến lược đi lên và phát triển.

Thực tế, nhiều quỹ đầu tư, đặc biệt là ở các vòng Series sau, sẽ tham gia sâu hơn vào công tác quản trị và điều hành, không chỉ đóng vai trò là bệ phóng như ở giai đoạn khởi nghiệp. Mối quan hệ giữa đội ngũ sáng lập và các cá nhân được quỹ đưa vào quản lý cần phải được quản trị tốt. Nếu không, có thể dẫn đến mâu thuẫn và làm giảm hiệu quả điều hành của doanh nghiệp.

Do đó, xây dựng và quản lý mối quan hệ với nhà đầu tư một cách hiệu quả là điều rất cần thiết. Nhà đầu tư đóng góp vai trò quan trọng và đội ngũ sáng lập cần phải chú ý đến việc duy trì mối quan hệ tích cực và hợp tác với họ để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

NHÀ ĐẦU TƯ SERIES B VÀ SERIES C THƯỜNG ĐẶT MỤC TIÊU “DOANH THU 100 TRIỆU USD”

Sân chơi EdTech Việt đã có sự xuất hiện của nhiều sản phẩm EdTech nước ngoài. Trong năm 2023, các sản phẩm EdTech nước ngoài đã gia nhập thị trường Việt Nam có thể kể đến như Ielts Science, Global Exam… Ngoài ra, sản phẩm phần cứng và IoT phục vụ cho việc phát triển mô hình trường học thông minh cũng được cung cấp bởi nhiều công ty nước ngoài nổi tiếng như SamSung, ViewSonic,...

Trao đổi về xu hướng đầu tư và tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực edtech Việt Nam, ông Phạm Tuấn Hiệp, hiện là Giám đốc ươm tạo tại BK Holdings, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng “có nhiều thách thức”. 

Những năm gần đây, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư quốc tế trong các trường đại học và cao đẳng liên kết với thương hiệu nước ngoài ngày càng cao, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc thành công trong các thương vụ M&A đối với các trường và tổ chức giáo dục tại Việt Nam thường gặp phải nhiều rào cản, bao gồm vấn đề pháp lý và sự khác biệt về văn hóa, khiến cho việc triển khai các mô hình giáo dục mới trở nên khó khăn hơn.

Một mặt, thị trường giáo dục truyền thống tại Việt Nam đang đối mặt với sự bất bình đẳng giữa giáo dục công và tư. Dù đã có những cải cách để thu hẹp khoảng cách này song sức cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn giáo dục trong nước đang tạo ra áp lực lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Thêm vào đó, sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa và tập quán giáo dục địa phương của các nhà đầu tư quốc tế cũng làm giảm khả năng thành công trong việc triển khai các mô hình EdTech. Vì vậy, trong tương lai gần, thị trường M&A từ các nhà đầu tư nước ngoài có thể không trở thành động lực tăng trưởng lớn cho ngành giáo dục và EdTech tại Việt Nam. Các nhà đầu tư quốc tế cần có chiến lược phù hợp và vượt qua những khó khăn này để thành công trong một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh.

Theo ông Vương Nhật Anh, Giám đốc Quỹ Đầu tư Do Venture, khi chuẩn bị cho các vòng gọi vốn lớn hơn, một trong những mục tiêu quan trọng mà các nhà đầu tư Series B và Series C thường đặt ra là “mốc doanh thu khoảng 100 triệu USD”.

“Đây là một mục tiêu cực kỳ thách thức, đặc biệt đối với các công ty edtech với chỉ một sản phẩm. Dù thị trường có lớn đến đâu, việc đạt được con số này chỉ với một sản phẩm là rất khó khăn”, ông Vương Nhật Anh nói.

Trong ngành edtech, hiện tại chưa có công ty nào đạt được quy mô doanh thu này. Để trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực edtech, các công ty cần phải xem xét việc mở rộng sản phẩm, thị trường, hoặc thậm chí là mô hình kinh doanh của mình để đáp ứng được yêu cầu doanh thu cao như vậy.