Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 1
Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 2

Xin chúc mừng Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được dư luận trong và ngoài tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông có thể nói rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của sự kiện này đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương?

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn nhận thức sâu sắc rằng công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên, giúp cho tỉnh có đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, ngay sau khi Luật Quy hoạch ra đời và có hiệu lực thi hành, Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, trong quá trình lập quy hoạch, các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ, các tỉnh lân cận và các tỉnh là cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch, làm cơ sở trình Hội đồng thẩm định quy hoạch trung ương thông qua.

Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 3

Trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, vùng kinh tế và của cả quốc gia, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.

Trước hết, đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm: quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, phát triển không gian lãnh thổ, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thứ hai, các quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh đã thống nhất, đồng bộ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời, đã kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước, một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Vì vậy, quy hoạch này không chỉ có ý nghĩa riêng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, mà còn có ý nghĩa với khu vực và cả nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.

Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 4

Có thể khẳng định, tầm quan trọng nhất của Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt chính là đã tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển. Trong đó, đâu là những tư duy mang tính đột phá, tầm nhìn chiến lược, thưa ông?

Trong khâu tổ chức lập quy hoạch, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cấp, mỗi ngành có trách nhiệm hoạch định, cụ thể hóa phương hướng phát triển của ngành, lĩnh vực mình trên cơ sở các quan điểm, chủ trương phát triển đã được xác định theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn mới của tỉnh, của đất nước và quốc tế. Với phạm vi, đối tượng quy hoạch rộng, để bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, chỉ những nội dung thực sự cần thiết, bảo đảm cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh mới được tích hợp vào quy hoạch, các nội dung khác sẽ được vận hành theo quy luật kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Do đó, quy hoạch tỉnh được phê duyệt lần này đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ nhưng vẫn có sự linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Tính đột phá, tầm nhìn chiến lược của Quy hoạch tỉnh còn được thể hiện trong từng nội dung của quy hoạch, đó là việc mạnh dạn xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thì mới thực hiện được.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và cơ hội nổi trội, khác biệt, Quy hoạch tỉnh đã xác định 3 ngành quan trọng và 3 khâu đột phá chiến lược. 3 ngàng quan trọng bao gồm:

Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 5

Việc được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh mới chỉ là điều kiện cần cho hành trình trở thành một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ từng căn dặn khi về thăm quê hương Thanh Hóa. Vậy, tới đây Thanh Hóa cần tiến hành những công việc tiếp theo như thế nào để hiện thực hóa quá trình này?

Việc Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách “đặc thù”, được Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch mới chỉ là kết quả của những nỗ lực ban đầu để chúng ta tạo đột phá trong thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp và có hiệu quả hơn trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là cần phải biến các cơ chế, chính sách “đặc thù” thành các cơ chế, chính sách “vượt trội”, trước hết là trong xây dựng môi trường thể chế và quản trị địa phương - tức là tạo ra sự khác biệt và lợi thế nhờ đạt tới một “đẳng cấp” trong phát triển cao hơn.

Từ một nền kinh tế nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, không khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có, thì nay Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực 16 tỉnh thành miền Trung. Trong bước phát triển mang tính đột phá đó, có vai trò đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Thanh Hóa coi thành công của nhà đầu tư, của cộng đồng doanh nghiệp là thước đo cho sự thành công của công tác quản lý, điều hành của tỉnh.

Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến mấy mà một bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc không chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên. UBND tỉnh và chính quyền các địa phương cần phải đồng hành với doanh nghiệp, nhất là trong trao đổi về những phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút đầu tư. Tư duy mới cần đi kèm với cách làm mới và đồng bộ để “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, với phương châm “Trung ương mở đường, Địa phương thúc đẩy, Doanh nghiệp đồng hành, Người dân tham gia” để xây dựng một môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, sớm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch tỉnh, công việc đầu tiên cần thực hiện là tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố và quán triệt các nội dung chính, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh đến tất cả các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố.

Sau hội nghị công bố Quy hoạch, tỉnh sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để bảo đảm sự triển khai đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành. Kế hoạch phải xác định rõ nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể gắn với từng sản phẩm cụ thể, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Cùng với đó, để Quy hoạch tỉnh thực sự trở thành một động lực phát triển, tỉnh sẽ sớm cụ thể hóa các quy hoạch có tính chất chuyên ngành tập trung đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, ưu tiên các nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển để huy động hiệu quả các nguồn lực.

Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 6

Bên cạnh những vấn đề phát triển kinh tế, Quy hoạch cũng đề cập đến các vấn đề an sinh xã hội. Xin ông cho biết Thanh Hóa có những chủ trương, hành động cụ thể như thế nào để không một người dân nào bị bỏ lại sau lưng?

Năm 2022 vừa qua, Thanh Hóa thu ngân sách đạt 51.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,8%, quy mô nền kinh tế xấp xỉ 250.000 tỷ đồng. Đây đều là những con số ấn tượng, nằm trong TOP 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

Bên cạnh những con số ấn tượng về phát triển kinh tế, Thanh Hóa đang thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội lớn, với mục tiêu không để người dân nào tụt lại phía sau. Trong đó, tiêu biểu nhất là kế hoạch đưa người dân vạn chài nhiều đời sống lênh đênh trên sông nước lên bờ định cư, an cư lạc nghiệp.

Chủ trương đưa người dân sống trên sông lên bờ được tỉnh Thanh Hóa triển khai bài bản, quyết liệt, đồng bộ với mục đích đưa tất cả các hộ dân sống trên sông lên bờ. Việc đưa người dân sống trên sông lên bờ an cư, ổn định cuộc sống là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống lá lành đùm lá rách, không một ai bị bỏ lại phía sau.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, tất cả các hộ dân vạn chài sống lênh đênh sông nước sẽ được hỗ trợ định cư lâu dài trên bờ. Bên cạnh đó, Thanh Hóa rất quan tâm việc người dân sau khi lên bờ có công ăn việc làm ổn định, bền vững. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát những hộ có người trong độ tuổi lao động để phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện cho họ được làm việc trong các doanh nghiệp, rà soát trình độ văn hóa nhằm bổ cập kiến thức để người dân biết phương thức làm ăn, áp dụng được khoa học - kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh để có sinh kế lâu dài.

Song song với chương trình đưa dân vạn chài lên bờ, Thanh Hóa đang quyết liệt triển khai kế hoạch xây dựng các bản làng định cư mới cho hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao.

Trăn trở trước đời sống còn vô vàn khó khăn, khắc nghiệt của đồng bào các dân tộc miền thượng du, để công tác an cư cho người dân khu vực miền núi được quan tâm, huy động tối đa nguồn lực, triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Với quyết tâm không để bi kịch Sa Ná thứ 2 xảy ra, cả hệ thống chính trị địa phương đang vào cuộc để sớm giúp người dân an cư, kết hợp với xây dựng sinh kế lâu dài cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Hóa và hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”  - Ảnh 7

VnEconomy 06/03/2023 06:00