Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 1
Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 2

“Như chúng ta đã biết, Nga, Ấn Độ và một số quốc gia khác đang ngừng xuất khẩu gạo. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam thực hiện mục tiêu xuất khẩu gạo, và cũng là cơ hội cho người trồng lúa nâng cao lợi nhuận, đặc biệt trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến năm nay, chúng ta sẽ xuất khẩu từ 7,5-7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,1 tỷ USD.

Trong bao năm qua, Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước, khu vực và thế giới. Với việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vừa bảo đảm sự tăng trưởng, vừa nâng cao giá trị, vừa chia sẻ với cộng đồng, với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi họp về kinh tế đối ngoại, chị Bùi Thị Thanh Tâm là Tổng Giám đốc Tổng công ty lương thực miền Bắc có nêu vấn đề mà tôi thấy rất chí lý, đó là lúc khó khăn nông dân không bán được lúa, đã có cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ; nên lúc này khi giá lúa gạo tăng cao, cần phải có sự chia sẻ nhất định từ người nông dân mới bảo đảm sự phát triển bền vững.

Như chúng ta biết, giống lúa Việt Nam đạt 85% là giống lúa mới, gạo đạt 89% chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải. Hơn nữa, vụ lúa gạo Việt Nam chỉ có 3 tháng. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những kế hoạch giám sát, quy hoạch và sử dụng chế phẩm sinh học bảo đảm thắng lợi mùa vụ cũng như mở rộng một phần diện tích.

Chúng ta có giống tốt, quy trình canh tác tiến bộ, phù hợp với từng vùng miền, chúng ta có nhiều kinh nghiệm bảo vệ đồng ruộng, có cơ chế giám sát dịch bệnh, virus, có chế phẩm sinh học…. để bảo đảm thắng lợi mùa vụ cũng như mở rộng một phần diện tích. Đây là cơ sở thực tiễn và khoa học để khẳng định ngành lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực cho 98 triệu dân, cho chế biến, dự trữ, làm giống và xuất khẩu.

Với xuất khẩu gạo, ngoài sản xuất thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thì còn vai trò của các bộ, ngành khác. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Trong Chỉ thị sẽ phân định giải pháp, trách nhiệm của các bên. Khi Chỉ thị được ban hành, chúng tôi sẽ truyền thông tới các cơ quan, các địa phương, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành để có thể phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, tận dụng được cơ hội xuất khẩu trong tình hình mới”.

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 3

“Tính đến ngày 1/8/2023, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ Đông Xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu khoảng 4,2 triệu tấn thóc. Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023. Cục Trồng trọt đã chỉ đạo thống nhất với các địa phương sẽ tăng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông lên 50.000 ha so với năm trước, để đạt diện tích gieo trồng 700.000 ha vụ Thu Đông, nhằm tăng lượng gạo phục vụ xuất khẩu.

Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi. 

Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch. Dự kiến năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha lúa (cộng dồn các vụ), sản lượng đạt 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8-2% so với năm 2022. 

Dự báo về cung cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là số liệu chính xác cho 100 triệu dân: Mỗi tháng, bình quân một người Việt tiêu thụ 7,5kg gạo. Mỗi năm, 1 người Việt tiêu thụ 90kg gạo. Số lượng giống cũng được dự đoán khá chính xác là khoảng 1 triệu tấn và 15,7 triệu tấn thóc làm thức ăn chăn nuôi.

Về an ninh lương thực tại chỗ, hiện nay ở Đồng bằng sông Hồng mỗi năm dư khoảng 3 triệu tấn thóc; vùng trung du miền núi phía Bắc dư 1,2 triệu tấn; khu vực Bắc Trung Bộ dư 2,2 triệu tấn; khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ 1,75 triệu tấn; khu vực Tây Nguyên 0,3 triệu tấn; riêng khu vực Đông Nam Bộ thì các vùng khác phải cung cấp thêm 0,56 triệu tấn. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tính toán phương án cung cầu gạo ở mức cao để chủ động trong cảnh báo sớm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do vậy, con số dự báo có 15 triệu tấn thóc để phục vụ xuất khẩu còn có thể chênh lệch tăng thêm lên 17 triệu tấn, tương đương trên 7,5 – 8,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Chúng ta hoàn toàn yên tâm là có thể đảm bảo an ninh lương thực ở mức cao nhất, bởi đã có dự trù tính toán để chủ động triển khai giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cân đối xuất khẩu, kể cả trong tình huống dịch bệnh, thiên tai có xảy ra”.

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 4

“Trong nửa đầu năm 2023, Tân Long đã xuất khẩu được 200.000 tấn gạo, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thời cơ đến, ai cũng muốn chớp lấy, tôi hy vọng giá gạo nửa cuối năm 2023 tiếp tục ở mức cao, còn mức tăng thế nào sẽ phụ thuộc vào tình hình thị trường.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu chia làm hai khối: Các doanh nghiệp nhà nước có nhiều vốn, chiếm trên 50% xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp tư nhân, nhưng thiếu vốn. Trong khi đó khối doanh nghiệp tư nhân mới là động lực và đủ năng động để đột phá về thị trường.

Để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo, cần cả hai loại vốn: ngắn hạn và dài hạn. Vốn vay trong ngắn hạn nhằm thu mua lúa gạo để xuất khẩu. Đối với dòng vốn này, lãi suất cao đang là rào cản. Vì vậy, các ngân hàng cần có chính sách kịp thời cho doanh nghiệp lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo một cách bền vững, vốn ngắn hạn chỉ là phần ngọn. Các nguồn vốn cần đầu tư từ gốc như giống, vật tư nông nghiệp đến thu hoạch chế biến, vận chuyển… Tuy nhiên, trên thực tế lãi ngân hàng cho vay trung dài hạn hiện nay chưa hợp lý. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp ngành lúa gạo vay vốn đầu tư trung dài hạn, có cơ chế chính sách hỗ trợ về lãi suất, ưu đãi môi trường đầu tư sản xuất lúa gạo. Chính phủ Việt Nam nên có một Quỹ khuyến khích xuất khẩu lúa gạo và sản phẩm nông nghiệp dựa trên thực tế doanh thu xuất khẩu.

Theo chúng tôi tìm hiểu, các doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan được hưởng nhiều hỗ trợ và ưu đãi của Chính phủ căn cứ trên kết quả xuất khẩu thực tế, qua số liệu hải quan và doanh thu ngoại tệ xuất khẩu về các ngân hàng”.

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 5

“Với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi Anh hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu.

Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD.

Năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh ghi nhận bước tăng trưởng ngoạn mục, đạt gần 3.400 tấn, trị giá hơn 3,7 triệu USD, tăng 24,5 % về lượng và 34% về giá trị so với năm 2021. Tuy vậy, Việt Nam hiện chỉ chiếm 0,6% thị trường nhập khẩu gạo của Anh, đứng thứ 14 trong các nước xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất tại Anh, chiếm tới gần 27% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Việc Ấn Độ đột ngột dừng xuất khẩu sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo tại Anh trong nửa cuối năm 2023.

Điều này cũng tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để gạo Việt Nam gia tăng thị phần tại Anh, đặc biệt khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thuế theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA).

Hơn nữa, với lệnh cấm, các nhà nhập khẩu gạo của Anh sẽ chuyển sang mua gạo Việt Nam và Thái Lan, đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong danh sách bạn hàng của các công ty nhập khẩu gạo của Anh, trước đây vốn chỉ có quan hệ đối tác lâu dài với các nhà cung cấp Ấn Độ và Thái Lan.

Nếu tiếp thị một cách chuyên nghiệp tại thị trường Anh, quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh. Trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á - chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất gạo cần tuân thủ những yêu cầu về chất lượng sản phẩm và sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững của Anh cũng như châu Âu. Đồng thời, Chính phủ, các địa phương trồng lúa cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật cũng như kinh phí để mở rộng việc áp dụng Global GAP, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý sản phẩm và quản lý rủi ro… là cơ sở để các nhà nhập khẩu, phân phối ở Anh và châu Âu tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tận dụng cơ hội xuất khẩu mới này, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân thông qua việc cấp tín dụng cho những doanh nghiệp thu mua và kiểm soát xuất khẩu gạo.

Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, nếu có thể chào ký hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo được niềm tin đối với các đối tác Anh về khả năng cung ứng gạo ổn định của Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng quan hệ bạn hàng lâu dài”.

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 6

“Diện tích sản xuất lúa của tỉnh Thái Bình hiện lớn thứ 2 tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhưng cho đến nay, sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của tỉnh Thái Bình vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Hơn nữa, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm chưa bài bản, chưa nêu được đặc trưng của sản phẩm và vùng sản xuất cho lúa, gạo Thái Bình.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động trong ngành nông nghiệp, tôi luôn trăn trở với cây lúa, hạt gạo. Vì vậy, ThaiBinh Seed đã đầu tư nguồn lực, trí lực và tâm huyết nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo Thái Bình. ThaiBinh Seed đã và đang nghiên cứu, sản xuất thử để xác định các vùng trồng lúa gạo phù hợp với từng giống và từng địa phương. Đầu tư xây dựng hệ thống chế biến lúa gạo theo công nghệ hiện đại. ThaiBinh Seed đang triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản với diện tích 10 ha tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Tỉnh Thái Bình đã xác định phát triển trồng lúa bền vững theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp… để sản xuất các sản phẩm gạo hữu cơ, an toàn, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường.

Tôi cho rằng để phát triển, tiếp cận được thị trường, xây dựng thương hiệu lúa, gạo Thái Bình, cần phải có sự đổi mới trong sản xuất và thương mại gạo tại địa phương. Chúng ta cần xây dựng chuỗi các hoạt động từ nghiên cứu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường. Để làm được điều đó đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã và hộ sản xuất.

Chúng tôi cũng đã đề nghị tỉnh Thái Bình tạo điều kiện giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất lúa hàng hóa và nguyên liệu cho nhà máy chế biến gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, kiến nghị tỉnh Thái Bình có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất ngân hàng, hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân về giống, cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cần xây dựng sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông sản Thái Bình hướng tới kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước”.

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 7

“Giá gạo đang tăng rất cao và đây là lần tăng cao nhất so với kỷ lục là năm 2008. Với lần này sự tăng bền vững hơn vì nhu cầu trên thị trường bị thiếu hụt so với nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là nguồn cung của các loại gạo cao cấp mà Việt Nam và Thái Lan đang sản xuất. Với nhu cầu này, Việt Nam một lần nữa khẳng định là có thể xuất khẩu gạo ổn định, liên tục, đạt chất lượng. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn ra được, những người mua quốc tế, những người mua những lô lớn và ổn định sẽ tìm tới Việt Nam, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sẵn sàng cùng với Việt Nam để tạo ra nguồn cung ổn định trên thế giới.

Về việc nhiều nước như Ấn Độ, Nga, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)… hạn chế xuất khẩu gạo được cho là thời cơ “vàng” cho xuất khẩu gạo Việt Nam, theo tôi thì Lộc Trời hoàn toàn không mong muốn giá xuất khẩu cao, vì lúa gạo là mặt hàng thiết yếu nên cần có giá và chất lượng ổn định. Việc giá gạo tăng cao không tạo ra được sự ổn định cho xuất khẩu hàng thiết yếu. 

Lộc Trời đương nhiên sẽ chuẩn bị cho những diễn biến trên thị trường. Lợi thế của chúng tôi là có đủ lượng hàng tồn kho và vùng nguyên liệu liên kết. Tới thời điểm này, lượng hàng tồn kho của Lộc Trời là 200.000 tấn gạo và chúng tôi đã có những hợp đồng mới sẵn sàng xuất khẩu từ bây giờ đến giữa tháng 11/2023.

 Là doanh nghiệp có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp tới những thị trường khó tính như EU, Anh, Nhật Bản… và mới đây nhất là thỏa thuận xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia với giá trị lên đến 127 triệu USD/hợp đồng cho thấy Lộc Trời được đối tác tin cậy và tìm kiếm. Tuy nhiên để đạt được điều này, chúng tôi đã nhận biết các cơ hội và thách thức từ hơn 10 năm trước. Lộc Trời đã chuẩn bị nhân lực và tài lực để không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất, để nâng giá trị gạo Việt lên tầm thế giới ở phân khúc cao cấp và đạt mục tiêu là nước xuất khẩu gạo chất lượng nhất thế giới.

Với tình hình xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm 2023, đây là cơ hội cho Lộc Trời nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng biên lợi nhuận và sức mạnh tài chính. Đồng thời, Lộc Trời luôn nỗ lực để nâng cao doanh thu; phấn đấu đạt chỉ tiêu lợi nhuận 400 tỷ (năm 2023) như đã cam kết với cổ đông”.

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 8

VnEconomy 15/08/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thời cơ “vàng” để đẩy mạnh xuất khẩu gạo - Ảnh 9