15:56 18/07/2024

TikTok thử nghiệm chương trình dịch vụ bản địa tại Đông Nam Á

Sơn Trần

Với thế mạnh thương mại điện tử, TikTok vừa triển khai thí điểm TikTok Local Services tại Đông Nam Á nhằm kết nối người dùng với doanh nghiệp địa phương, kích cầu tiêu dùng khu vực…

KrAsia cho biết nền tảng truyền thông xã hội đến từ Trung Quốc, TikTok, đang thử nghiệm dịch vụ Local Services (Các dịch vụ bản địa) dành riêng cho người dân địa phương tại thị trường nước ngoài, bắt đầu từ Đông Nam Á, với hoạt động triển khai thử nghiệm ở Indonesia và Thái Lan.

TikTok Local Services là tính năng mới được ra mắt trên TikTok nhằm kết nối người dùng với doanh nghiệp địa phương cung cấp dịch vụ. Tính năng được xem như bước tiến lớn trong việc giúp người dùng tìm kiếm và trải nghiệm dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả. 

Theo đó, thông qua Local Services, người dùng có thể tìm kiếm dịch vụ theo danh mục, vị trí hoặc tên doanh nghiệp, xem video giới thiệu doanh nghiệp, đặt lịch hẹn, thanh toán trực tiếp trên ứng dụng cũng như đánh giá xếp hạng sau trải nghiệm. 

Mặt khác, doanh nghiệp muốn tham gia chương trình chỉ cần tạo hồ sơ trên TikTok Local Services và đăng tải những thước phim quảng bá thu hút người xem. Rõ ràng, tính năng mới hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho cả người dùng và doanh nghiệp, tạo ra mạng lưới kết nối phong phú tại địa phương.

Nguồn tin thân cận tại Bộ phận thương mại điện tử (TMĐT) thuộc TikTok Indonesia tiết lộ dịch vụ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nội bộ. Chỉ một nhóm người dùng được chọn mới có thể trải nghiệm, chủ yếu thông qua hình thức phiếu giảm giá dịch vụ ăn uống, chuyến bay và khách sạn được đặt trong liên kết trên nguồn cấp dữ liệu cá nhân. 

Nắm bắt cơ hội mới, nguồn tin cho biết TikTok sẽ tiếp tục mở rộng nhiều dịch vụ thuộc hệ sinh thái Local Services, tận dụng mức độ lan tỏa của những người có tầm ảnh hưởng (influencer) trong nước và xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên dụng.

Trên TikTok, một số tài khoản influencer Thái Lan đã kêu gọi doanh nghiệp tham gia chương trình TTLS - Thailand TikTok Local Services, quảng bá đây là cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Đã có hàng chục bài đăng tuyển dụng liên quan đến Local Services trên trang web chính thức của TikTok, làm việc tại Singapore (Singapore), Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan). Các vị trí bao gồm nhân viên quản lý hệ sinh thái, phân tích chiến lược, quản lý sản phẩm, sale và phát triển kinh doanh.

Ví dụ, vị trí Trưởng nhóm Phát triển Kinh doanh tại văn phòng Jakarta sẽ đảm nhận nhiệm vụ phát triển kinh doanh các dịch vụ nhà hàng và khách sạn, xác định đối tác chiến lược cũng như đề xuất giải pháp tiếp thị tích hợp.

Từ thương mại điện tử đến Local Services, ByteDance đều thành công chứng minh được tầm nhìn xuất sắc của hãng. Năm 2023, giá trị hàng hóa gộp (GMV) mảng thương mại điện tử của Douyin đạt 2,7 nghìn tỷ RMB (hơn 371 tỷ USD). Theo LatePost, hoạt động kinh doanh Local Service của công ty cũng đạt GMV khoảng 310 tỷ RMB (hơn 42 tỷ USD) sau ba năm ra mắt.

ASEAN - KHU VỰC LÝ TƯỞNG NHẤT ĐỂ THỬ NGHIỆM

Thành công tại thị trường nước ngoài một lần nữa nhấn mạnh vị thế hàng đầu của TikTok. Theo YipitData, GMV thương mại điện tử toàn cầu của TikTok đạt 13,6 tỷ USD vào năm 2023, với hơn 90% đóng góp từ thị trường Đông Nam Á. Với sức ảnh hưởng tại địa phương của nền tảng và sự tương đồng trong thói quen người tiêu dùng, Đông Nam Á trở thành khu vực lý tưởng nhất để thử nghiệm dịch vụ TikTok Local Services.

Dữ liệu chính thức cho thấy Đông Nam Á hiện có khoảng gần 700 triệu người dân sinh sống, với hơn 50% ở độ tuổi dưới 30. Tỷ lệ sử dụng thanh toán trực tuyến cao, nền ẩm thực đa dạng được nuôi dưỡng bởi khí hậu nhiệt đới, ngành dịch vụ phát triển mạnh nhờ nguồn lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như văn hóa truyền thống độc đáo mang tới nhiều tiềm năng trong việc phát triển dịch vụ.

Tuy nhiên, số phận của dự án còn phụ thuộc phần lớn vào cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Nguồn tin nội bộ từ TikTok tiết lộ rằng nền tảng từ lâu đã có ý định mở rộng thị trường nước ngoài thông qua hệ sinh thái Local Services, nhưng chuỗi cung ứng địa phương còn quá hạn chế, do đó tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đang là ưu tiên hàng đầu.

Hệ thống vận tải và hậu cần tại Đông Nam Á vẫn còn kém phát triển, từ đó hạn chế sự mở rộng của các doanh nghiệp chuỗi. Ví dụ, vào năm 2023, tỷ lệ mở chuỗi của các cơ sở ăn uống trong khu vực chỉ bằng 1/3 so với Hoa Kỳ. Một số lượng lớn nhà hàng không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm, thiếu các sản phẩm mới được chuẩn hóa và sáng tạo cũng là một trong những rào cản cần giải quyết.