09:08 12/08/2024

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được nhúng sâu vào các sản phẩm Edtech của Việt Nam

Bảo Bình

Hiện có khoảng 60% sản phẩm EdTech ở Việt Nam áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các tổ chức giáo dục sẵn sàng chi tiền cho việc khám phá và trải nghiệm AI...

Quy mô thị trường EdTech toàn cầu đạt khoảng 144,6 tỷ USD vào năm 2023 và được dự đoán sẽ tăng lên 457,97 tỷ USD vào năm 2032
Quy mô thị trường EdTech toàn cầu đạt khoảng 144,6 tỷ USD vào năm 2023 và được dự đoán sẽ tăng lên 457,97 tỷ USD vào năm 2032

Theo Sách Trắng về Công nghệ giáo dục Việt Nam 2024, quy mô thị trường EdTech toàn cầu đạt khoảng 144,6 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường EdTech được dự đoán sẽ tăng lên 457,97 tỷ USD vào năm 2032, thể hiện tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,50% trong giai đoạn dự báo ( 2023 - 2032).

Tại Việt Nam, các sản phẩm EdTech Việt Nam phân bố trên mọi phân khúc nhưng tập trung chính vào phân khúc Ngoại ngữ và đào tạo K-12. Doanh thu thị trường giáo dục trực tuyến dự kiến sẽ đạt 364,70 triệu USD vào năm 2024.

Trong đó, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) trong thị trường giáo dục trực tuyến là khoảng 42,69 USD năm 2024. Số lượng người dùng các sản phẩm edtech dự kiến sẽ lên tới 11,8 triệu người dùng vào năm 2029. 

Các sản phẩm của thị trường EdTech bao gồm ứng dụng dành cho khối mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và các phân khúc khác. Trong đó, giáo dục đại học chiếm hơn 1/3 doanh thu thị trường.

Các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt chú trọng đến nội dung giáo dục có chất lượng cho các ngành và khóa học khác nhau.

KHOẢNG 60% SẢN PHẨM EDTECH Ở VIỆT NAM ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ AI 

Đáng chú ý, Sách Trắng Edtech Việt Nam 2024 vừa được công bố ngày 10/8 vừa qua cho biết năm 2023 được ví như năm của ChatGPT trong các sản phẩm EdTech.

Quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào công nghệ giáo dục được định giá 2,5 tỷ USD vào năm 2022 trên toàn cầu. Công nghệ này được dự đoán sẽ tăng từ 3,45 tỷ USD vào năm 2023 lên 23,82 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 38,00% trong giai đoạn dự báo từ năm 2024 đến 2030. 

Các công cụ AI hướng nghiệp có thể phân tích điểm mạnh, sở thích và xu hướng thị trường của sinh viên, hỗ trợ họ đưa ra quyết định sáng suốt về công việc, bổ sung yếu tố cá nhân hóa vào việc lập kế hoạch nghề nghiệp, giúp nhiều người có được cơ hội phù hợp với kỹ năng và tham vọng trong thị trường việc làm năng động.

AI tạo sinh chiếm lĩnh sản phẩm EdTech năm 2023 và tiếp tục phát triển trong năm 2024. Theo Statista, tại Hoa kỳ, công nghệ AI được ứng dụng cao nhất trong các sản phẩm edtech dành cho bậc đào tạo K-12, với tỉ lệ đạt 64%.

AI cũng được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm công nghệ giáo dục tại Việt Nam. Đặc biệt các sản phẩm Edtech đào tạo ngoại ngữ, các ứng dụng AI để nhận dạng giọng nói, xử lý văn bản, nhận dạng hình ảnh…. 

Trong năm 2023, thống kê của Google Trends cho thấy ChatGPT và OpenAI là 2 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Các tổ chức giáo dục sẵn sàng đầu tư tiền cho việc khám phá và trải nghiệm ChatGPT.

Các sản phẩm EdTech tại Việt Nam cũng tích hợp ChatGPT để tăng trải nghiệm của người dùng thông qua tính năng trợ lý ảo, và hỏi đáp. FQA.vn là sản phẩm được coi là đầu tiên tích hợp Chat GPT, tiếp theo là các sản phẩm khác như onluyen.vn, Prep.vn, Kidsup, v.v.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng được nhúng sâu vào các sản phẩm Edtech của Việt Nam - Ảnh 1

Nhờ AI, cá nhân hóa học tập đã trở thành xu hướng lớn trong giáo dục Việt Nam, tập trung vào nhu cầu học tập riêng biệt của từng học sinh với chi phí thấp. Hiện có khoảng 60% sản phẩm EdTech ở Việt Nam áp dụng công nghệ này.

CÁC CÔNG NGHỆ MỚI NỔI TRONG SẢN PHẨM EDTECH VIỆT NAM

Ngoài AI, công nghệ Metaverse cũng chiếm một phần trong các ứng dụng edtech. Metaverse chính thức hình thành từ 2022, không chỉ tái hiện trải nghiệm đời thực trong môi trường số mà còn tích hợp cả hai môi trường.

Trong giáo dục, Metaverse tái hiện các hoạt động học, thi, tăng cường trải nghiệm học tập và giảm sự nhàm chán. Thị trường giáo dục Metaverse dự kiến đạt 7,2 triệu USD vào năm 2024 và tăng trưởng với CAGR 49,02%, đạt 79,2 triệu USD vào năm 2030. 

Tại Việt Nam, FUNiX, với mô hình đào tạo trực tuyến, đang nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Dự án Metaverse của FUNiX sẽ tạo khuôn viên online cho hơn 20 nghìn học viên, chuyển mọi hoạt động học tập như lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp, và ngày hội việc làm lên Metaverse, làm cho các hoạt động trở nên hấp dẫn và sống động hơn.

Phòng thí nghiệm, mô phỏng ảo: Thí nghiệm ảo là các tài nguyên số đa phương tiện, mô phỏng hiện tượng vật lý, hóa học, sinh học, với tính năng tương tác cao và giao diện thân thiện.

Công nghệ này giúp mô phỏng các quá trình khó xảy ra trong tự nhiên hay phòng thí nghiệm, giảm thiểu việc học và dạy chay do thiếu điều kiện thí nghiệm, và hỗ trợ người học chủ động hơn. Các mô hình phòng thí nghiệm ảo phổ biến tại Việt Nam gồm PhET, openclassroom, BASF, Crocodile, ScholAR, v.v.

XR/AR/VR: Thực tế mở rộng (XR) là thuật ngữ tổng hợp cho các công nghệ thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), và thực tế hỗn hợp (MR). XR sẽ đóng vai trò cơ bản trong metaverse, hội tụ thế giới thực, kỹ thuật số và ảo thành những thực tế mới, truy cập qua thiết bị như tai nghe VR hoặc kính AR. Công nghệ này thường dùng trong EdTech ngoại ngữ với các sản phẩm như Flyer.vn, easyielts, prep.vn, Edmicro, v.v.

Game hóa: Cùng với Metaverse, Gamification (Game hóa) trở thành xu hướng mới trong giáo dục. Game hóa tăng cường sự tương tác của học sinh bằng cách làm cho việc học thú vị hơn, kết hợp các yếu tố trò chơi như điểm, cấp độ và phần thưởng, giúp học sinh đầu tư nhiều hơn vào trải nghiệm học tập và duy trì động lực.

Công nghệ này được đầu tư nhiều trong các sản phẩm EdTech dành cho trẻ em, điển hình là Monkey Junior, Kidsup, Kyna English Kid…

Robot giáo dục/ Steam/ Stem: Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển giáo dục STEM từ bậc phổ thông. Sau 01 năm thí điểm, từ năm học 2023-2024 giáo dục STEM là môn học bắt buộc cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm học 2023-2024, giáo dục STEM được đưa vào chương trình cấp tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Các công ty đào tạo về lập trình Stem ở Việt Nam hiện nay khá nhiều, một số công ty lớn có trụ sở ở nhiều tỉnh/thành phố tại Việt Nam Ohstem, Vinarobot, robotstem, sunbot, v.v.

Blockchain: Ở Việt Nam, các công ty về đào tạo đang tích hợp công nghệ Blockchain để cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ và bằng cấp với thông tin được bảo mật riêng tư và có thể xác thực trên nền tảng Blockchain. Funix hiện cũng là cơ sở sử dụng cấp chứng chỉ khoá học tích hợp Blockchain.