Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 1
Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 2

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của kiểm toán độc lập trong việc minh bạch tình hình tài chính doanh nghiệp trước đợt phát hành trái phiếu và rà soát tình hình sử dụng vốn trái phiếu huy động còn dư nợ theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022

Kiểm toán độc lập nói chung và kiểm toán tài chính nói riêng có vai trò quan trọng trong việc minh bạch tài chính đối với các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán như quy định và áp dụng hiện nay.

Hiện, yêu cầu kiểm toán độc lập không chỉ áp dụng đối với tổ chức trước khi phát hành mà còn áp dụng đối với sau khi phát hành, cụ thể là yêu cầu kiểm toán mục đích sử dụng vốn đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ theo quy định hiện nay.

Theo thông lệ quốc tế, việc kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu thường không phải yêu cầu bắt buộc. Thực tế trong một số giao dịch phát hành riêng lẻ lớn, các số liệu báo cáo trên phương án phát hành đó hoặc sau khi phát hành có thể được rà soát bởi đơn vị kiểm toán độc lập. Tôi nhấn mạnh là “rà soát” tương tự như việc rà soát báo cáo bán niên hiện nay đối với các công ty niêm yết chứ không phải là “kiểm toán”.

Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 3

Tại sao thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều báo cáo tài chính có sai sót trọng yếu dù đã được kiểm toán, thưa ông?

Về nguyên tắc và chuẩn mực của hoạt động kiểm toán, tất cả sai sót trọng yếu cần phải được thảo luận với doanh nghiệp và điều chỉnh vào số liệu báo cáo tài chính trước khi công bố. Đó là lý do vì sao rất nhiều doanh nghiệp công bố thông tin giữa kỳ hoặc cả năm có sự chênh lệch lớn giữa số trước và sau khi kiểm toán.

Khi có bất đồng giữa đơn vị kiểm toán và lãnh đạo doanh nghiệp về những sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên sẽ phải xem xét tính trọng yếu của những sai sót đó để có thể phản ánh vào ý kiến kiểm toán được đính kèm theo báo cáo tài chính.

Khi đó, ý kiến của kiểm toán về báo cáo tài chính sẽ không phải là “ý kiến sạch” nữa mà sẽ rơi vào các trường hợp loại trừ. Trong một số trường hợp, kiểm toán có thể đưa ra ý kiến trái ngược (tức là số liệu tài chính được phản ánh trong báo cáo tài chính không phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của công ty) và trong một số hiếm trường hợp là từ chối đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên, thực tế, ít nhà đầu tư cá nhân để ý đến những thông tin này, đôi khi là ý kiến ngoại trừ dài đến cả 3-5 trang.

Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 4

Hiện, quy định đã yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán mục đích sử dụng vốn đối với tổ chức phát hành, vậy tại sao vẫn cần thực hiện xếp hạng tín nhiệm?

Đúng là có ý kiến cho rằng nếu đã được kiểm toán độc lập thì tại sao phải cần thêm xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, thực tế hai quá trình này có mục đích và phương pháp khác nhau.

Kiểm toán chủ yếu đánh giá dữ liệu quá khứ, xem xét các giao dịch và thông tin đã xảy ra, qua đó, đưa ra ý kiến về mức độ trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính. Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm xem xét cả quá khứ và tương lai (bao gồm khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính trong tương lai), đưa ra ý kiến về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.

Thực tế, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và ý kiến kiểm toán là đầu vào quan trọng cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Các báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các đơn vị có uy tín thường được các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tin tưởng hơn và sử dụng cho việc đánh giá về chất lượng báo cáo tài chính, minh bạch tài chính cũng như làm cơ sở cho việc sử dụng dữ liệu và mô hình chấm điểm tín nhiệm để đưa ra mức điểm xếp hạng.

Xét về tiêu chí đánh giá, kiểm toán thường hướng đến việc tuân thủ quy định, chuẩn mực của hạch toán kế toán và báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán và quy định hiện hành. Xếp hạng tín nhiệm dựa trên định lượng và cả yếu tố định tính rất lớn cũng như các yếu tố đánh giá cả yếu tố tài chính và phi tài chính để đo lường rủi ro.

Để thực hiện xếp hạng tín nhiệm, phải thực hiện những điều chỉnh khác nhau rất nhiều trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhằm đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ. Đơn cử như việc hạch toán chi phí lãi vay, theo chuẩn mực kế toán thì chi phí lãi vay phục vụ các dự án đang trong giai đoạn đầu tư sẽ được vốn hóa thay vì đưa vào chi phí lãi vay trên báo cáo lãi lỗ. Do đó, khi đánh giá khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ, chúng tôi thường tính cả chi phí lãi vay mà doanh nghiệp hạch toán vào chi phí đầu tư, vốn là một khoản mục trên bảng cân đối kế toán.

Xét về đối tượng sử dụng, báo cáo kiểm toán phục vụ nhiều hơn đối với cổ đông, trong khi xếp hạng tín nhiệm tập trung vào phục vụ nhu cầu thông tin của cả cổ đông và chủ nợ hoặc người cho vay.

Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 5

Sau những sai phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, theo ông, cơ quan quản lý và thành viên thị trường phải làm gì để báo cáo tài chính cũng như mục đích sử dụng vốn được trung thực và minh bạch, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, thưa ông?

Tôi cho rằng cơ quan quản lý và thành viên thị trường cần lưu ý 3 điều nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Thứ nhất, cần tăng cường công tác sàng lọc và đánh giá danh sách các công ty kiểm toán được chấp thuận cho các doanh nghiệp nào có đủ điều kiện kiểm toán các doanh nghiệp có lợi ích đại chúng như doanh nghiệp đại chúng hoặc doanh nghiệp chưa đại chúng nhưng huy động vốn từ thị trường như trái phiếu.

Thứ hai, khi một báo cáo tài chính được công bố nếu có ý kiến kiểm toán loại trừ hoặc có dấu hiệu chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nên có sự chất vấn, trao đổi với doanh nghiệp và với đơn vị kiểm toán để hiểu rõ và có thể yêu cầu giải trình thông tin ra công chúng bổ sung nhằm đảm bảo sự minh bạch thông tin ra thị trường. Việc này cũng có thể giúp doanh nghiệp có các biện pháp cần thiết để có thể cải thiện ý kiến kiểm toán trong các giai đoạn hoặc năm tài chính tiếp theo.

Thứ ba, yêu cầu doanh nghiệp cải thiện công bố thông tin báo cáo tài chính trước khi được kiểm toán. Thực tế ở Việt Nam, số liệu trước và sau kiểm toán có tỷ lệ khác biệt khá lớn về số lượng báo cáo và quy mô của sự chênh lệch, trong khi việc giải trình khá là vắn tắt và đơn sơ. Điều này làm phát sinh nghi ngờ của nhà đầu tư và thị trường về các báo cáo tài chính quý mà không được kiểm toán hoặc rà soát trong quý 1 và quý 3 của năm.

Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 6

VnEconomy 23/10/2024 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2024 phát hành ngày 21/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán độc lập: Lăng kính soi rõ tài chính doanh nghiệp - Ảnh 7