Xu hướng chuyển đổi số và “hành trang AI” của cán bộ trẻ ngành ngân hàng
Nhân lực ngành ngân hàng ngày nay không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải biết vận dụng công nghệ. Điều này đặc biệt quan trọng khi AI là thành phần cốt lõi trong các hoạt động, từ hỗ trợ ra quyết định đến tự động hóa quy trình và cải thiện hiệu quả hoạt động ngân hàng…
Mới đây, Vietcombank và FPT Digital đã tổ chức hội thảo về Chuyển đổi số đối với cán bộ trẻ trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là một phần trong chương trình trang bị tư duy số và kỹ năng số, nhằm đảm bảo nguồn nhân sự luôn đáp ứng tốc độ chuyển đổi của ngân hàng.
Trong luồng dịch chuyển từ ngân hàng truyền thống, sang ngân hàng số và sắp tới là ngân hàng AI, xu hướng ứng dụng các công nghệ lõi như: AI, Blockchain, Fintech, Neobanking, Cybersecurity và Cloud Banking đang làm thay đổi toàn diện mô hình hoạt động và tương tác của ngân hàng.
THIẾU HỤT NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ TRÌNH ĐỘ CAO LÀ THÁCH THỨC LỚN CỦA NGÂN HÀNG
Những công nghệ này được tích hợp không chỉ trong việc tự động hóa các quy trình mà còn giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Công nghệ đang thay đổi sâu rộng cách thức vận hành và cung cấp dịch vụ trên toàn chuỗi giá trị ngành ngân hàng, từ front office tới middle và back office.
Chẳng hạn, tại front office, AI giúp tự động hóa quá trình mở tài khoản và cho vay bằng cách tự động điền mẫu biểu và phân tích dữ liệu lịch sử để đề xuất sản phẩm phù hợp. Trợ lý ảo AI có thể giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin và phân tích biểu cảm khách hàng để đánh giá mức độ tin cậy trong các quyết định cho vay.
Ở middle và back office, AI tự động hóa các chiến dịch marketing, theo dõi hành vi khách hàng, và phát hiện gian lận. Hệ thống AI cũng xử lý tài liệu, phân tích và chấm điểm hồ sơ tín dụng, giúp giảm thời gian xử lý và nâng cao độ chính xác của quyết định. AI còn hỗ trợ đào tạo nhân sự mới, giám sát tuân thủ quy định, và cảnh báo rủi ro pháp lý.
Nhờ ứng dụng AI, nhân viên có thể tập trung vào các hoạt động chiến lược và sáng tạo, cải thiện hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ, giúp ngân hàng cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh chuyển đổi số.
Theo ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Tư vấn khối Công nghệ số FPT Digital, để ứng dụng AI hiệu quả nhất, việc đào tạo cán bộ ngân hàng trở nên đặc biệt quan trọng và cần được triển khai một cách bài bản, chiến lược.
“Thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao ở các vị trí phát triển công nghệ, quản trị và phân tích dữ liệu, cũng như ứng dụng số hóa là một thách thức lớn”, ông Vương Quân Ngọc nói.
“Ngân hàng cần đội ngũ nhân sự không chỉ có kiến thức chuyên môn về công nghệ mà còn am hiểu sâu sắc về hoạt động ngân hàng, với khả năng thích ứng linh hoạt với các công nghệ mới. Điều này đặc biệt quan trọng khi AI đang trở thành công nghệ cốt lõi trong các hoạt động hàng ngày của ngân hàng, từ việc hỗ trợ ra quyết định đến tự động hóa quy trình và cải thiện hiệu quả hoạt động”.
Theo đó, trước hết ngân hàng cần đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI và công nghệ số, tập trung vào các kỹ năng "ra lệnh cho AI”.
Những kỹ năng này sẽ giúp cán bộ có thể làm việc hiệu quả với các hệ thống AI, từ thiết kế, triển khai cho đến quản lý và vận hành các ứng dụng AI trong thực tế. Chẳng hạn như nhân viên cần được đào tạo về cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để phát hiện gian lận hoặc tối ưu hóa các chiến dịch marketing dựa trên dữ liệu hành vi khách hàng.
TỐC ĐỘ ĐÀO TẠO NHÂN SỰ PHẢI THEO KỊP TỐC ĐỘ CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA NGÂN HÀNG
Ông Vương Quân Ngọc cho rằng các chương trình đào tạo cần chú trọng đến việc phát triển tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, khuyến khích nhân viên nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, từ đó phát hiện ra các cơ hội mới để ứng dụng AI một cách hiệu quả nhất.
“Cán bộ ngân hàng cần hiểu rõ rằng AI không phải là một công cụ thay thế con người, mà là công cụ giúp họ làm việc thông minh hơn, hiệu quả hơn. Việc sử dụng AI yêu cầu sự linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề, khả năng hợp tác liên phòng ban để tối ưu hóa các giải pháp, và sự nhạy bén trong việc đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu”, chuyên gia FPT Digital nói.
Ngoài ra, ngân hàng cần xây dựng một văn hóa học hỏi liên tục, nơi mà nhân viên luôn được khuyến khích nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình để đáp ứng những thay đổi không ngừng của công nghệ.
Việc đào tạo không chỉ dừng lại ở các khóa học một lần mà cần duy trì thông qua các chương trình tái đào tạo, cập nhật kiến thức mới, các khóa học trực tuyến (e-learning) và các hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, trong đó cập nhật về các công nghệ như AI. Điều này giúp cán bộ ngân hàng luôn sẵn sàng đón nhận và ứng dụng các công nghệ mới, từ đó tối ưu hóa hiệu quả công việc và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Một yếu tố không thể thiếu trong quá trình đào tạo là việc hợp tác với các đối tác công nghệ và các cơ sở đào tạo hàng đầu. Ngân hàng có thể tổ chức các cuộc thi, chương trình thực tập và các dự án hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để tuyển dụng những tài năng trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ tiếp cận những tiến bộ mới nhất.
Chẳng hạn ngân hàng có thể hợp tác với các công ty công nghệ để triển khai các giải pháp AI thực tế trong hoạt động ngân hàng, từ đó đào tạo cán bộ thông qua việc tham gia trực tiếp vào các dự án này.
Ngoài học tập, ngân hàng cũng cần xây dựng các cơ chế đo lường hiệu quả đào tạo, chẳng hạn như đánh giá khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế công việc, để có thể điều chỉnh tốc độ và nội dung đào tạo kịp thời. Nếu có một khoảng cách giữa tốc độ đào tạo và tốc độ chuyển đổi, ngân hàng phải nhanh chóng phát hiện và khắc phục bằng cách tăng cường các chương trình đào tạo bổ sung hoặc thay đổi phương pháp đào tạo.
Theo ông Vương Quân Ngọc, việc đào tạo lớp cán bộ trẻ ngân hàng không chỉ đáp ứng yêu cầu khắt khe của thời kỳ chuyển đổi số và ứng dụng AI, mà còn giúp họ trở thành những nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho ngân hàng. Tốc độ đào tạo nhân sự cũng cần phải linh hoạt, nhanh chóng và liên tục để theo kịp tốc độ chuyển đổi của ngân hàng.