12:08 11/11/2019

Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu dự án PPP phải cụ thể hơn

Nguyễn Lê

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết còn có quan điểm khác nhau trước những vấn đề mới tại dự thảo Luật PPP

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quang Phúc
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Quang Phúc

Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án luật PPP, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này sáng 11/11, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết còn có quan điểm khác nhau trước những vấn đề mới tại dự thảo.

Lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu

Theo dự thảo luật thì hình thức lựa chọn nhà đầu tư ngoài đấu thầu rộng rãi còn có đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu.

Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước hoặc cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp dự án có tính đặc thù về phương án kỹ thuật, cung cấp dịch vụ, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc tính đặc thù khác mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng cần thận trọng với việc chỉ định thầu đối với các dự án PPP. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư, nhà thầu được chỉ định có nguồn lực hạn chế, dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình, gây thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Một số ý kiến đánh giá, việc triển khai các dự án PPP thời gian qua thường chậm tiến độ, đội vốn, thất thoát, lãng phí, tiêu cực là do các quy định về điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đấu thầu, các điều khoản trong hợp đồng PPP thiếu chặt chẽ, do đó đề nghị cần có quy định khắc phục những hạn chế này.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, chẳng hạn nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật.

Làm rõ mức vốn nhà nước

Trong cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư dự án PPP, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch cũng như thuận lợi trong quá trình thanh tra, kiểm toán dự án thì cần làm rõ mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP và tách phần vốn nhà nước trong dự án PPP thành một dự án thành phần riêng biệt.

Có ý kiến cho rằng dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP đều là tài sản công, do đó các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn trong dự thảo Luật hạng mục đầu tư sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công, hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư tư nhân thì áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư thông thường, tránh việc thủ tục đầu tư dự án PPP vẫn còn nặng về thủ tục đầu tư công, như vậy sẽ khó thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như cần tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát các dự án PPP.

Kiểm soát chăt chẽ nợ công

Tán thành sự cần thiết  xây dựng cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trong dự án Luật này , song cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung ngay tại dự thảo luật một số quy định mang tính nguyên tắc. 

Như quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm (bảo đảm cân đối ngoại tệ, bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ, bảo đảm nghĩa vụ cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu…), đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP trong bối cảnh số lượng dự án PPP và tích lũy vốn PPP sẽ tăng lên đáng kể ở cả cấp Trung ương và địa phương, tránh việc bảo đảm của Chính phủ một cách tràn lan, nhằm kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu  thì có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định tại dự thảo Luật về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu việc áp dụng cơ chế này cho tất cả các dự án PPP.

Vì dự thảo chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, không áp dụng cơ chế này đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Ngoài ra, dự thảo Luật chưa làm rõ được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế này: nguồn này có được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hay trích từ quỹ tích lũy trả nợ đã được quy định tại Luật Quản lý nợ công.

Loại ý kiến thứ hai không nhất trí về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, vì cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP đã được thực hiện thông qua đấu thầu, việc kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phải tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP. Tuy nhiên, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ được điều chỉnh bởi quy định của Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư.

Do đó, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án luật, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật.