14:23 05/11/2019

Dân khổ, nhà nước mất cán bộ vì “con voi chui lọt lỗ kim” trong quản lý đất đai

Hà Vũ

Không chỉ là tội phạm giết người, buôn bán ma tuý, xâm hại trẻ em... mà tội phạm trong lĩnh vực đất đai cũng khiến đại biểu Quốc hội bức xúc

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu tại hội trường - Ảnh: Quang Phúc
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu tại hội trường - Ảnh: Quang Phúc

Không chỉ là tội phạm giết người, buôn bán ma tuý, xâm hại trẻ em... mà tội phạm trong lĩnh vực đất đai cũng khiến đại biểu Quốc hội bức xúc.

Sáng 5/11 Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng.

Nở rộ dự án ma kiểu "con voi chui lọt lỗ kim"

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định, trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, rất đáng lo ngại, khiến người dân bất an. Mà điển hình là việc hình thành băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản thông qua lĩnh vực bất động sản đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự, kinh tế và hình ảnh đất nước.

Những vụ việc được đại biểu điểm danh là vụ Công ty Alibaba với hàng ngàn người bị hại, số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khó có khả năng khắc phục. Công ty Angel Lina cũng có hành vi lừa đảo tương tự chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng mà giám đốc vừa bị bắt. Rồi vụ ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng.

Lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho lừa đảo hoành hành mạnh nhất, tiềm ẩn gây ra nợ xấu trong một số tổ chức tín dụng, đại biểu nhấn mạnh và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo thanh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ông Vượt cũng nhận định, hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu Alibabba, Công ty Angel Lina, theo đó hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi.

"Công thức" của loại tội phạm đầu được đại biểu khái quát: ban đầu thì nổ, lòe, lừa, giăng bẫy được khách hàng vào mê hồn trận rồi thì lừa lọc không từ một ai để thu tiền. Tiếp đó, dùng nhiều chiêu trò gian manh, ủy quyền hợp đồng sang nhượng, bán dự án lòng vòng trong đồng bọn và nhiều đối tượng khác. Chiêu thức này theo đại biểu là kiểu "ve sầu thoát xác" nhằm vừa chiếm đoạt tiền, vừa che giấu hành vi, xóa dấu vết hồ sơ phạm tội sau đó đổ thừa, lánh mặt, đẩy nhiều gia đình vào khốn khổ, thậm chí đến bước đường cùng tuyệt vọng.

"Nhiều cử tri đặt ra nghi vấn nhưng hoàn toàn logic, có phải tại cơ chế kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước không? Hay nguyên nhân chính là do đường dây băng nhóm công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối, vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác cùng tạo ra môi trường tù mù lùng bùng để băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng. Người bị hại kêu trời nhưng không thấu", vị đại biểu Gia Lai sốt ruột.

Ông Vượt cũng nhấn mạnh rằng, thực trạng nói trên đã và đang gây ra sự bức xúc, phẫn nộ song những băng nhóm lừa đảo, kẻ bảo kê vẫn trơ trơ, thách thức dư luận và pháp luật.

"Nhiều cử tri cho rằng, đây là mảng đen trật tự xã hội đang rất nhức nhối và bức xúc trong nhân dân. Đây cũng là môi trường hoạt động của nhiều loại tội phạm, kể cả rửa tiền, nơi kiếm chác, mặc cả, hù dọa, sách nhiễu, làm ăn của nhiều đối tượng bất lương".

Sau phản ánh trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, các cơ quan tố tụng cần tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt điều tra, truy tố, trừng trị nghiêm liên minh ma quỷ, băng nhóm tội phạm có tổ chức mới xuất hiện này, nhằm ngăn chặn không để lừa đảo lộng hành, gây đau khổ cho người dân. Đồng thời xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để dự án ma tồn tại nở rộ kiểu "con voi chui lọt lỗ kim".

Lẩn khuất bóng dáng nhóm lợi ích

Cũng vô cùng sốt ruột về tình trạng quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhận định, những sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài sản công diễn ra hầu khắp các địa phương ở nhiều cấp, kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được phát hiện và chấn chỉnh để đề ra biện pháp ngăn chặn. 

Những sai phạm này, theo đại biểu đã gây ra thiệt hại ở mức độ đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều cán bộ đã bị xử lý ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có cả những cán bộ ở cấp cao, những người một thời là những nhân tố ưu tú trong bộ máy.

Trong lĩnh vực quản lý đô thị, quản lý các dự án đầu tư xây dựng, đại biểu Sơn nêu thực tế có nhiều công trình, dự án có quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, sau những lần điều chỉnh theo kiểu "đúng quy trình" thì quy mô đã lên đến 6.000-7.000 nhân khẩu.

"Đằng sau câu chuyện điều chỉnh "đúng quy trình" đó, lẩn khuất đâu đó bóng dáng của nhóm lợi ích, có rất nhiều dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn hơn rất nhiều và để lại những hậu quả nặng nề", ông Sơn nhấn mạnh.

Nhưng điều đáng nói, theo đại biểu là trước những dự án làm biến dạng hình hài đô thị, tăng áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội, môi trường sống xuống cấp trầm trọng, chính quyền thì luôn khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhà nước thì mất cán bộ, chủ đầu tư thì vô can. Song các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững, đầy thách thức.

 "Xử lý nghiêm và triệt để đối với loại vi phạm kiểu này, tôi e rằng đó là điều không thể", vị đại biểu Đà Nẵng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Sơn thì công trình nhà 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình và "ngờ rằng" tiếp theo sẽ là dự án khu đô thị HH Linh Đàm.

Phải chăng phương thức quản lý đô thị hiện tại đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển chung của các đô thị trong giai đoạn mới đến mức chính nó đang tạo ra những hậu quả nặng nề cho đô thị, ông Sơn đặt vấn đề.