07:13 14/05/2017

“Hy vọng vào cơ hội dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu”

Minh Đức

Một quan điểm hướng về kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về xử lý nợ xấu tại kỳ họp tới

Ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Ngày 22/5 tới, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 14. Giới ngân hàng chờ đợi, tại kỳ họp này, nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được ban hành và nhanh chóng có hiệu lực từ 1/7/2017.

Trước thềm kỳ họp, theo định hướng của Chính phủ, dự thảo nghị quyết trên đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến các ban ngành liên quan để hoàn thiện, báo cáo và trình Quốc hội xem xét.

Xoay quanh dự thảo trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, có những vấn đề thực sự, mức độ thực chất liên quan cần đặt thẳng ra, nhìn thẳng để hướng đến xử lý nhanh và thực chất nợ xấu.

Không dưới 10%

Thưa ông, những vấn đề thực sự, mức độ thực chất đó là gì?

Đó là hiện nay chúng ta vẫn chưa nói với nhau, với công chúng con số đúng về nợ xấu. Tất nhiên ở mỗi chuẩn mực, cấp độ đánh giá thì có những con số khác nhau. Còn người làm ngân hàng và các cấp quản lý hẳn đều ngầm định nợ xấu hiện nay thực sự rất lớn.

Trong hơn một năm qua, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu chỉ dưới 3%, gần đây cho thấy chỉ 2,46%, tức là nợ xấu nội bảng chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng thôi. Dù các chuẩn mực phân loại nợ của chúng ta hiện đã mức độ cao hơn, sát thực hơn theo Thông tư 02, nhưng rõ ràng là ai cũng thấy có phần còn nằm ở những nơi khác nữa.

Vấn đề là phải có cơ chế tháo gỡ để công khai minh bạch hơn nữa, thì chắc chắn sẽ có số liệu minh bạch.

Nói như vậy nhiều người liên tưởng đến vậy thì các tổ chức tín dụng báo cáo sai số liệu ư? Thực chất là họ vẫn báo cáo “đúng” nhưng chưa “trúng”. Đơn giản vì chưa có cơ chế minh bạch rõ ràng thì các tổ chức tín dụng vẫn phải tự bảo vệ mình để bảo vệ người gửi tiền và bảo vệ nền kinh tế vĩ mô và xã hội. Vì hoạt động tín dụng ngân hàng chính là lăng kính phản ánh gần như toàn bộ sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia. Vì ở Việt Nam, nguồn vốn kinh doanh, đầu tư chủ yếu vốn vay từ nguồn tín dụng.

Nếu đi tìm thêm con số nợ xấu “lộ thiên” thì đơn giản cộng thêm nợ xấu chưa xử lý tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 208 nghìn tỷ đồng nữa, thì tổng nợ xấu vào khoảng 5,8%. Con số này là rõ ràng thấy được..., nhưng vẫn chưa phải tất cả.

Có một khối lượng nợ đang tiềm ẩn là nợ xấu, theo tôi là cũng phải tính, phải nhận diện cho đúng mức độ, để có ứng xử hợp lý, mà không “nói dối” nhau nữa. Cộng cả phần này, theo tôi biết thì tổng nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống hiện không dưới 10%. Đây là mức độ thực chất, là vấn đề thực sự.

Tôi đọc được gần đây và rất ấn tượng với nhận xét của một người không làm ngân hàng nhưng nói về nợ xấu rất có lý. Nhận xét đó đưa ra giả thiết một ngân hàng lớn ở Việt Nam có dư nợ cho vay 1 triệu tỷ đồng, nhưng năm nào cũng phải thực hiện mấy cuộc giải cứu của đất nước, từ giải cứu dưa hấu, thanh long, con tôm, cà phê, đàn heo... Tất cả dư nợ giải cứu đó đều có vấn đề, vậy thì hỏi báo cáo 5% nợ xấu liệu có tin được không?

Tôi cũng đặt vấn đề luôn, vậy ngân hàng ấy không dám công khai hết nợ xấu có phải chỉ vì sự tồn tại của một ngân hàng không? Trong khi họ đang gồng mình gánh cho cái chung toàn xã hội và họ đang tự tim cách bảo vệ quyền lợi người gửi tiền để có nguồn xây dựng đất nước đấy chứ.

Đôi khi, lòng vòng là… giải pháp

Ở trên, ông nói mức độ thực của nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu lớn như vậy, không dưới 10%, là từ cơ sở nào?

Chúng ta đừng quên, khoảng bốn năm trước, một lượng lớn nợ đáng lẽ đã là nợ xấu nhưng được cơ cấu lại mà không bị chuyển nhóm. Việc cơ cấu này thực hiện theo Quyết định 780 từ năm 2012 và sau đó ở Thông tư 02…, thực hiện theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay mới và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Con số từng được báo cáo tại diễn đàn Quốc hội trước đây vào khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Theo tôi biết, lượng nợ xấu đã từng “trốn” trước đây đến nay và tương lai gần sẽ lộ diện không dưới 300 nghìn tỷ đồng nữa. Cộng các con số trên lại thì mức độ không dưới 10% là mức độ thực.

Vì vậy, chúng ta phải nhìn thẳng sự thật đó mới mạnh dạn cho ra đời những cơ chế phù hợp.

Như vậy thì thời gian qua chúng ta đã “nói dối” về nợ xấu, vì thế mà đến nay mới đặt ra cấp bách để tìm giải pháp xử lý triệt để?

Thực ra  nếu gọi là “nói dối” cũng chưa “đúng”, mà nói thật thì chưa “trúng”. Vì các ngân hàng vẫn hạch toán đúng, nhưng lòng vòng. Sự lòng vòng ở Việt Nam đôi khi cũng là một giải pháp hay, hoặc tình thế và cực chẳng đã.

Giai đoạn 2011-2012, nếu không có quyết sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nói trên, tôi tin là sẽ không có sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp, của nền kinh tế như hiện nay.

Nếu tại thời điểm đó, bắt các doanh nghiệp và hệ thống các tổ chức tín dụng gánh trọn toàn bộ nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thì chắc chắn đã có nhiều ngân hàng thương mại sụp đổ rồi, nhiều doanh nghiệp phá sản và nền kinh tế kiệt quệ.

Ngay như với lãi suất, ghi nhận ngay mức độ lớn của nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng rất lớn, chắc chắn ba năm qua lãi suất cho vay đã khủng khiếp. Mà nói thật với nhau, nếu như vậy thì hệ thống ngân hàng làm sao có đủ nguồn mà trích lập cho đầy đủ.

Chúng ta cũng đừng quên, giải pháp trên đã buộc phải đưa ra sau khi cả ngân hàng và doanh nghiệp trải qua cuộc khủng hoảng toàn cầu từ 2008, rồi ngay sau đó là những năm bất ổn vàng, đô, lãi suất, thanh khoản và nguy cơ đổ vỡ…

Đừng cuốn lại gửi cho tương lai nữa

Vậy tại sao đến thời điểm này mới nên đặt ra “vấn đề thực”, không tiếp tục sử dụng những biện pháp trên nữa, thưa ông?

Đến nay thì những giải pháp trên đã hết sứ mệnh rồi. Chúng ta không thể cứ lạm dụng cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, nợ xấu mà cứ xem là không xấu mãi. Vì cứ cuốn lại đẩy về tương lai, gửi về sau này ghi nhận thì chẳng khác gì cứ dồn rồi đùn gánh nặng hệ quả cho con cháu chúng ta về sau, trong khi sự thật ngay trước mắt ai cũng nhìn thấy rồi.

Nếu cứ đùn đẩy như vậy thì thời gian sẽ rất dài. Từ khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đến nay cũng 6 năm rồi. Vậy mà vẫn còn lượng lớn nợ xấu mức độ như trên dồn lại. Cứ cuốn lại rồi gửi chỗ này, gửi chỗ kia, cứ “để mai tính”…, thì sau 6 năm, rồi chục năm nữa nếu không có thay đổi cơ chế, không có sự vào cuộc quyết liệt của toàn thể chế chính trị, các bộ ngành, thì gánh nặng hệ quả sẽ dồn vào con cháu chúng ta chứ còn gì nữa.

Ví dụ như ở góc độ pháp lý. Đã 6 năm trôi qua, cả ngành ngân hàng vẫn loay hoay trình bày những vướng mắc pháp lý, cũng không ra nổi được bộ luật hay nghị quyết nào đó để hỗ trợ xử lý thực sự triệt để. Chỉ riêng các vấn đề pháp lý, nếu cứ như thời gian qua, chờ thêm nữa, loay hoay thêm nữa, thì chẳng phải đến lượt con cháu chúng ta “thừa kế” thì ai?

Cho nên tôi hy vọng, với định hướng và dự thảo đã xây dựng, kỳ họp sắp tới của Quốc hội sẽ là cơ hội để quyết định được những cơ chế, giải pháp mạnh, hỗ trợ xử lý nhanh và dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu.

Theo một số thông tin bước đầu về dự thảo hướng dự thảo nghị quyết trên, các biện pháp hỗ trợ sẽ chỉ tập trung ở các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, cơ chế và môi trường kinh doanh cần bình đẳng, các ngân hàng đều đóng thuế như nhau, nên cần tránh thành viên này được còn thành viên khác thì không được hỗ trợ. Quan điểm của ông thế nào về điểm này?

Tôi không nghĩ là nghị quyết với các cơ chế, giải pháp chỉ dành riêng cho một nhóm đối tượng nào đó, mà cần tập trung cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Cơ ché là bao trùm, thậm chí phải đi trước đón đầu chứ không phải chạy theo vuốt đuôi và chỉ giải quyết tiểu tiết.

Chúng ta biết là nợ xấu tập trung ở các ngân hàng yếu kém. Đúng là vậy. Nhưng theo tôi biết, mức độ tập trung tại đây chỉ khoảng 30% mà thôi. Có một vài trường hợp, là ngân hàng lớn và không bị xem là yếu kém, nhưng quy mô nợ xấu của họ còn bằng cả mấy ngân hàng yếu kém cộng lại.

Vì vậy, nếu nghị quyết, cơ chế hay giải pháp chỉ tập trung ở các ngân hàng yếu kém, thì chỉ phần nhỏ 30% tổng nợ xấu được hỗ trợ xử lý, như vậy làm sao nhanh, triệt để và thực chất được. Chưa nói là thiếu công bằng với các ngân hàng khác, họ đang đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Ngân sách từng “ăn” trước rồi

Cứ cho là sẽ có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ để đẩy nhanh xử lý nợ xấu mà không đẩy gánh nặng cho con cháu như ông nói. Nhưng như vậy có ưu ái riêng cho các tổ chức tín dụng, còn các doanh nghiệp và cả vấn đề ngân sách thì sao? Và nếu có sự tháo gỡ này thì có tháo gỡ trách nhiệm ngân hàng - một trong những nhân tố gây ra nợ xấu hay không?

Nói về ngân sách thì tôi nói thẳng. Trước đây ngân sách cũng đã từng “ăn” cả vào tương lai rồi, “ăn” cả phần lẽ ra chưa được hoặc chưa có. Bây giờ phải “nhả” ra mới đúng đạo lý.

Vì sao? Vì những năm trước đây, nợ xấu không được ghi nhận, chưa phân loại sát thực và chặt chẽ, theo các chuẩn mực cao hơn như hiện nay, nên doanh thu và lợi nhuận các ngân hàng trước đây có phần ảo. Ảo doanh thu và lợi nhuận thì phần nộp ngân sách cũng ảo theo thôi.

Còn có ưu ái các ngân hàng hay không? Cơ chế tháo gỡ có góp phần chạy tội cho cán bộ ngân hàng gây ra nợ xấu hay không? Tôi cho rằng, chắc chắn là không.

Vì Ngân hàng Nhà nước đã có quy trình rất nghiêm ngặt, khi xử lý cái chung, phát hiện ra ai sai thì xử nghiêm người đấy. Nhẹ thì hành chính, nặng thì truy tố trước pháp luật. Các ngân hàng muốn du di cũng không được, vì mọi người đều biết hết.

Còn ưu ái ngân hàng hay không, tôi thấy đây là nghị quyết hệ thống hóa lại những quy định, tháo gỡ những vướng mắc chứ không phải chống lại hay trái với luật nào. Nó hướng đến những giải pháp, cơ chế hỗ trợ để đẩy nhanh hơn, thực chất hơn quá trình.

Nói cho đúng là “ưu ái” xử lý nợ xấu, để thông mạch máu của nền kinh tế, để vốn và các cửa làm ăn, sinh kế khơi thông, để lãi suất và chi phí sản xuất hợp lý hơn nữa cho doanh nghiệp, để thúc đẩy cả nền kinh tế, mà như thế mới có nguồn để mà tăng nộp ngân sách. Đó là lợi ích chung, ưu ái chung.