Xu thế dòng tiền: "2017, một năm chưa từng có"
Kể từ khi có thị trường phái sinh, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên khó đoán định
Phiên cuối tuần qua, thị trường bất ngờ tăng vọt đẩy VN-Index vượt 840 điểm. Lực tăng hoàn toàn nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi trạng thái còn lại của thị trường là bình thường.
Các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền" của VnEconomy tỏ ra bất ngờ trước diễn biến đó, vì cho rằng mức dao động hợp lý chỉ khoảng 2-3 điểm, thậm chí các phân tích trước đó còn thiên về điều chỉnh hoặc đi ngang tích lũy.
Việc VN-Index tăng mạnh bất ngờ nhưng không tạo được sức lan tỏa mạnh, kéo theo hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng", đồng thời thanh khoản xuống thấp, nên đà tăng cần đặt dấu hỏi về tính bền vững.
Do các cổ phiếu lớn tác động quá nhiều nên việc đánh giá trong ngắn hạn trở nên khó khăn, mặc dù trung và dài hạn thị trường vẫn hấp dẫn và có nhiều cơ hội.
Trước các diễn biến khó lường của thị trường, các chuyên gia duy trì vị thế trung bình, đồng thời hạn chế các giao dịch ngắn hạn mà chỉ tập trung vào các vị thế đầu tư cơ bản.
"Không giống các năm trước"
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường tuần qua liên tục xuất hiện tình trạng điểm số tăng mạnh mà cổ phiếu giảm giá hoặc không tăng được bao nhiêu, nhưng cuối cùng vẫn có một phiên đột biến tăng cuối cùng. Thị trường năm nay quả thực có nhiều khác lạ, các anh có bất ngờ trước diễn biến phiên cuối tuần?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tôi đồng ý với nhận định trên, năm nay đúng là một năm chưa từng có. Thị trường chứng khoán liên tục chinh phục các đỉnh cao mới, nhưng niềm vui lại không đến cho tất cả.
Màn trình diễn của các trụ đã quá nhàm chán đối với các nhà đầu tư vì nó chỉ làm đẹp chỉ số và thị trường phái sinh hưởng lợi.
Trong khi danh mục cổ phiếu mới là tiền thật, tiền mất đi thì không ai vui cho được bởi vậy việc thị trường có leo lên đỉnh cao mới như phiên cuối tuần không có gì là bất ngờ.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS
Như đã nhận định trong tuần qua, thị trường năm nay có nhiều diễn biến không giống các năm trước.
Ngoài việc yếu tố tăng trưởng nội tại của nền kinh tế và các chính sách của chính phủ trong việc hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thì năm nay chúng ta cũng có thêm kênh thị trường chứng khoán phái sinh, cũng là tác nhân gây xáo trộn khá mạnh về cơ cấu dòng tiền trong ngắn hạn.
Rõ ràng khi quan sát thị trường từ ngày phái sinh đi vào hoạt động (10/8/2017), VN-Index, VN30 hầu như chưa có đợt điều chỉnh nào mạnh và vẫn trong xu thế tăng là chủ đạo, diễn biến thị trường tuần qua cũng đi theo kịch bản trên.
Tuy nhiên việc thị trường tăng quá mạnh vào phiên cuối tuần có phần khá bất ngờ, vì theo nhận định của tôi thì phiên đó có thị trường có thể tăng, nhưng chỉ trong tầm khoảng 2-3 điểm là hợp lý.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần, VN-Index đã chứng kiến một phiên tăng điểm mạnh. Góp mặt vào việc tăng của chỉ số đa phần cổ phiếu đến từ nhóm VN30 và cổ phiếu có vốn hóa lớn như ROS, VCB, VIC, BID, VJC.
VN Index chấm dứt điều chỉnh và chinh phục đỉnh cao mới 840 điểm ngay phiên cuối tuần. Đây là mức tăng ngoạn mục khi mà trước đó mọi dự đoán đều tính đến việc điều chỉnh và đi ngang tích lũy trước khi tăng tiếp.
Thị trường "xanh vỏ đỏ lòng"
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Hiện tượng thanh khoản sụt giảm mạnh tuần qua bất chấp các chỉ số liên tiếp đi lên cao hơn. Điều này thường được hiểu như một dấu hiệu thị trường yếu. Theo các anh, diễn biến mạnh mẽ cuối tuần có thực sự bền vững?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS
Tình trạng chỉ số tăng mà thanh khoản không tăng không chỉ mới xuất hiện trong tuần qua mà nó đã kéo dài cả hai tháng nay, điều này rõ ràng đang phản ánh tâm lý thận trọng của thị trường, hầu như dòng tiền chỉ tìm đến các cổ phiếu trụ và một số ít các mã có kết quả kinh doanh tốt.
Ngoài ra đa phần các nhóm cổ phiếu khác đều đứng yên hoặc giảm giá.
Do đó việc đánh giá sự bền vững của chỉ số trong ngắn hạn chỉ mang tính tương đối. Còn trung và dài hạn tôi vẫn đánh giá thị trường sẽ còn tiềm năng tăng trưởng.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index tăng chủ yếu do các mã vốn hóa lớn tăng điểm mạnh và không tạo sự lan tỏa ra thị trường dẫn đến thanh khoản đạt khá thấp, chỉ duy trì khoảng 160 triệu cổ phiếu/phiên so với thời điểm trên 220 triệu cổ phiếu trước đó.
Điều đó cho thấy, dòng tiền rất tập trung ở một số mã cổ phiếu như ROS, VCB, SAB, VIC, BID, VJC mà không đi theo nhóm ngành nào cụ thể.
Thị trường thực sự là khó tham gia cho việc mua giải ngân mới và hiện tượng của thị trường là "xanh vỏ đỏ lòng", nên theo chúng tôi sự tăng điểm bền vững là khó.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Đúng như nhận định trên, việc chỉ số tăng trong khi thanh khoản sụt giảm cho thấy có sự phân kỳ giữa giá và khối lượng, nó gợi ý cho chúng ta về dấu hiệu tiêu cực (thị trường yếu).
Bởi vì bất kỳ sự tăng giá bền vững nào cũng cần được hỗ trợ bởi sự giá tăng của khối lượng.
Chốt lại, tình trạng chỉ số tăng mà khối lượng giảm như hiện nay cho thấy có sự sai lệch, thiếu sự đồng thuận của người tham gia, khả năng tiếp tục tăng giá có thể yếu đi và thiếu sự chắc chắn.
"Chỉ số chỉ tham khảo"
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Đến cuối tháng 10, hầu như kết quả kinh doanh quý 3/2017 đã xong. Các anh có thể đưa ra đánh giá cơ bản về mức định giá hiện tại của thị trường trên cơ sở cập nhật mới?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Phiên phục hồi mạnh cuối tuần đưa VN-Index lên đỉnh cao mới, đã giúp cho P/E của VN-Index đạt 16,7x.
Kết quả kinh doanh quý 3 dần được công bố cho nhiều tín hiệu tích cực. 433 doanh nghiệp báo lãi, 38 doanh nghiệp báo lỗ trên 471 doanh nghiệp đã công bố kết quả. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng tăng 25,44% so với cùng kỳ 2016. Ngành dịch vụ tài chính, dầu khí và bất động sản đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Tuy nhiên, theo tôi việc thị trường giao dịch ở mức định giá cao tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn nhất là khi thanh khoản thị trường có dấu hiệu thấp.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS
Năm nay thị trường tăng mạnh về điểm số, nhưng nếu loại trừ các một số cổ phiếu tác động mạnh tới điểm số như SAB, ROS…, tôi thấy sự tăng trưởng của thị trường vẫn đi sát với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, và mức định giá hiện tại ở các nhóm cổ phiếu đó theo tôi là vẫn hấp dẫn.
Tuy nhiên, nếu xét trên tổng thể chung thì mức định giá hiện tại là phù hợp thì trường.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hầu hết đều tăng trưởng tích cực, tuy nhiên có sự phân hóa.
Dẫn đầu về lợi nhuận chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, tiện ích, xây dựng và bất động sản, ngược lại với các ngành như: ôtô và phụ tùng, thực phẩm và đồ uống, du lịch và giải trí…
Thu nhập các doanh nghiệp tăng lên điều này sẽ một phần hỗ trợ mức định giá P/E của thị trường chung sẽ hấp dẫn hơn. Ở thời điểm hiện tại mức P/E của thị trường chung là 16,4 năm, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Thị trường đã tăng 26,4% so với thời điểm cuối năm ngoái và đạt được đỉnh cao mới nhờ vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, do đó chỉ số thị trường chỉ có tính chất tham khảo do sự méo mó.
Vì vậy chúng ta nên đánh giá thị trường tăng trưởng dựa vào mặt bằng P/E của các ngành hoặc nhóm ngành sẽ có ý nghĩa hơn, thay vì việc dùng chỉ số thị trường chung.
"Chấp nhận được thì chơi"
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Trừ việc nắm giữ các trụ thì đa số nhà đầu tư không được hưởng lợi từ tuần tăng điểm khá mạnh. Nhà đầu tư nên làm gì lúc này? Các anh có hoạt động giao dịch gì hay không?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Mặc dù chỉ số VN-Index đang ở đỉnh cao mới nhưng cờ đến tay không phải ai cũng phất, cơ hội là không lớn trừ các mã dẫn dắt.
Với diễn biến ở phiên cuối tuần, thị trường có thể nối dài xu thế tăng theo quán tính với sự luân phiên của các trụ, tuy nhiên theo những nhận định ở trên thì niền vui có thể ngắn chẳng tày gang, sự bứt phá của chỉ số có thể thiếu sự chắc chắn hoặc chưa thực sự bền vững và cần được kiểm chứng.
Vì vậy tôi cho rằng thị trường lúc này cần độ mạo hiểm cao, rủi ro chấp nhận được thì chơi, không thì nên chờ lúc tình hình rõ ràng hơn, rồi tính tiếp.
Tốt nhất là chuẩn bị các kịch bản để hành động theo sự biến động của thị trường, với quan điêm thận trọng tôi vẫn duy trì tỷ trọng như ở tuần trước với 50% là cổ phiếu.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tôi cho rằng nhà đầu tư nên cơ cấu sang cổ phiếu vẫn duy trì xu hướng tăng giá có kết quả quý 3 tốt và dự báo duy trì đà tăng trường quý 4 cao, như VIC, VCB, BID, FPT, VNM, giảm bớt tỷ trọng những cổ phiếu tăng nhiều trong 3 tháng qua.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS
Như đã khuyến nghị trong tuần trước và với những thông tin tôi đã đưa ra trong 3 câu hỏi trên, thì chiến lược trong thời gian tới là tập trung vào các cổ phiếu có tăng trưởng kinh doanh cốt lõi tốt trong quý 3.
Đây là thời điểm tốt để cơ cấu lại danh mục với các nhà đầu tư đã không bắt nhịp được thị trường và cổ phiếu trong thời gian qua.
Trong tuần qua tôi có nhận định thị trường sẽ test lại vùng 820 điểm, sau đó định hình xu thế mới, cùng với việc tập trung danh mục vào cổ phiếu nhóm ngân hàng và một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt.
Nên trong tuần qua, tôi chỉ tập trung trading giảm giá vốn khi cổ phiếu về mức hấp dẫn, còn tỷ trọng và danh mục thì vẫn giữ nguyên.