21:28 05/11/2017

Xu thế dòng tiền: Trước ám ảnh "call-margin" và "tháng 11"

Nguyễn Hoàng

"Năm nay, tất cả các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế đang rất ủng hộ cho một xu hướng tăng bền vững"

“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường.
“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường.

Thị trường đã có một tuần biến động mạnh thất thường, đặc biệt số lượng cổ phiếu sụt giảm mạnh rất nhiều bất chấp diễn biến tích cực của chỉ số.

Ngoài hiệu ứng dễ thấy của hoạt động kéo trụ, các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền" của VnEconomy cho rằng có hiện tượng giảm đòn bẩy tài chính ở cổ phiếu, có thể bao gồm cả giảm chủ động lẫn bị giải chấp.

Tuy nhiên, họ dường như không tỏ ra lo ngại trước diễn biến này. Thậm chí có ý kiến cho rằng áp lực đã được tháo gỡ đáng kể trong tuần qua. Quan điểm tích cực nghiêng về khả năng thị trường đã tạo xong đáy ngắn hạn.

Mặc dù đánh giá cao xu hướng tích cực, nhưng hoạt động giải ngân vẫn chỉ được tiến hành ở mức độ thận trọng, tỷ trọng cổ phiếu đang duy trì tương đối thấp, với mức cao nhất không quá 50%.

"Chỉ số đẹp nhưng trading thì không"

undefined - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường cuối cùng cũng xác nhận những lo ngại của anh chị về tính bền vững. Hiện tại phân tích thị trường từ góc độ chỉ số là khó khăn, vậy theo các anh, phải làm cách nào để đánh giá rủi ro/lợi nhuận lúc này?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Từ lâu tôi đã không đánh giá thị trường dựa trên chỉ số, bởi một số cổ phiếu có vốn hóa lớn. Do đó, tôi thiên về đánh giá trên các cổ phiếu riêng lẻ.

Để đánh giá rủi ro hay cơ hội, cũng dựa trên đánh giá các cổ phiếu riêng lẻ này đang có mức định giá như thế nào, thay vì đánh giá chỉ số VN-Index.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể tham chiếu sang chỉ số VN-Allshares, kết hợp với việc theo dõi riêng từng nhóm ngành cụ thể, để có được cái nhìn tổng quan hơn về diễn biến thị trường và đánh giá sơ bộ về mức độ rủi ro/lợi nhuận của các cổ phiếu.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Theo tôi việc phân tích các chỉ số lúc này gần như không có tác dụng, do chỉ số bị bóp méo bởi một vài cổ phiếu.

Tưởng chừng như thị trường khá an toàn, khi các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng, nhưng thực tế nhiều cổ phiếu giảm giá đủ lớn để cháy tài khoản margin.

Theo thống kê, kể từ khi VN-Index bật tăng từ vùng tích lũy cuối tháng 9 và đầu tháng 10, chỉ có 30% cổ phiếu tăng giá trong khi có tới 70% số cổ phiếu giảm giá, mức lợi nhuận bình quân (không kể ROS 92%) là 7%, trong khi mức thiệt hại bình quân là 9,3%.

Tóm lại giai đoạn VN-Index tăng vừa qua, nhìn chỉ số thì khá đẹp, nhưng việc trading thì không.

Điều ai cũng biết là không nhất thiết phải cố gắng kiếm tiền trong mọi điều kiện thị trường, nhưng không phải ai cũng thực hiện được.

Một trong các nghiệp vụ quản lý rủi ro là lập các quy tắc ứng xử cho từng cổ phiếu trong danh mục và cho danh mục tổng, ví dụ không để các cổ phiếu trong danh mục lỗ quá x% và tổng giá trị danh mục không lỗ quá y%.

Một cách khác để hạn chế rủi ro là nhà đầu tư có thể đứng ngoài thị trường, vì sẽ có các cơ hội khác với rủi ro thấp hơn và thời điểm thích hợp hơn.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường phiên cuối tuần có phiên tăng điểm khá mạnh. VN Index tăng mạnh 10,64 điểm ( 1,28%) khi nhiều cổ phiếu lớn tăng trần hoặc gần trần.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm nhiều nhất bao gồm ROS ( 2,55 điểm), VPB ( 1,30 điểm), VCB ( 1,12 điểm), HPG ( 0,83 điểm) và GAS ( 0,67 điểm).

VN-Index đạt 843 điểm nhưng thanh khoản thị trường giảm chứng tỏ nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng trước diễn biến tích cực của thị trường.

Việc phân tích thị trường từ góc độ chỉ số dường như không có nhiều ý nghĩa, khi mà chỉ số tăng bởi rất nhiều các mã vốn hóa lớn như trên. Do đó, theo chúng tôi việc phân tích thị trường cần phải phân lớp ngành và khối lượng giao dịch để nhận biết sự lan tỏa đến các cổ phiếu.

"Áp lực giải chấp margin không đáng ngại"

undefined - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Đang lan truyền tin không chính thức về áp lực margin lớn có thể bị giải chấp, kể cả với nhiều blue-chip. Các anh có thể đánh giá về nguy cơ này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Việc cấp margin ở các công ty chứng khoán là khác nhau và tỷ lệ margin cho các cổ phiếu cũng khác nhau vì vậy có cổ phiếu bị "call-margin" ở công ty này, nhưng không bị "call-margin" ở công ty khác.

Hiện tôi chưa có số liệu về mức margin của các công ty chứng khoán ở thời điểm hiện tại, nên không đánh giá về vấn đề này.

Nhưng theo tôi quan sát, thì đã có dấu hiệu các công ty chứng khoán sẽ huy động trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung cho hoạt động cho vay margin, đây là thời điểm thích hợp để tiến hành nghiệp vụ trên khi mặt bằng lãi suất huy động và CPI đang thuận lợi.

Như vậy có thể thấy các công ty chứng khoán đã có kế hoạch chuẩn bị cho thị trường chinh phục đỉnh cao mới, vì vậy tôi cho rằng nguy cơ về áp lực giải chấp margin là không đáng ngại.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Thực ra, một số ngày giao dịch gần đây, đã có một số cổ phiếu đã có dấu hiệu bị giải chấp.

Điều này là hết sức bình thường, vì thị trường chung đã tăng lên một mặt bằng giá khá cao, và chưa có rõ xu hướng tiếp tục tăng trưởng, nên chỉ cần một vài tin tức xấu cũng khiến áp lực bán tháo cổ phiếu xảy ra, kích hoạt làn sóng giải chấp margin.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, áp lực giải chấp đã qua đi khi thị trường giảm trong tuần qua, nhà đầu tư cũng đã chủ động hạ margin, nên áp lực lên thị trường không còn lớn.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi không có thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, sau một nhịp sụt giảm mạnh và nhanh trong ngắn hạn thì không loại trừ khả năng các cổ phiếu phải chịu áp lực bán giải chấp trong những phiên cuối tuần qua.

"Dấu hiệu vùng trũng thông tin"

undefined - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Từ đầu năm 2017 đến nay, VN-Index chưa hề có một nhịp điều chỉnh nào lớn hơn 4%. Đã có những thống kê về tháng 11 tệ hại trong quá khứ. Theo các anh, liệu một lần nữa thị trường sẽ bỏ qua quy luật thông thường trong tháng này?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Các chỉ số về tình hình kinh tế xã hội tháng 10 tiếp tục cho thấy các tín hiệu khả quan.

Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng thanh khoản dồi dào trên hệ thống ngân hàng là những yếu tố ủng hộ cho xu hướng tăng trong trung và dài hạn của thị trường chứng khoán.

Kèm theo đó, việc khối ngoại giải ngân mạnh trở lại trong tuần qua cũng phần nào cho thấy tín hiệu tích cực từ phía dòng tiền.

Tuy vậy, thị trường đang có dấu hiệu rơi vào vùng trũng thông tin, khi kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đã được công bố.

Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng những nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn có thể hiện hữu với biên độ lớn, ảnh hưởng mạnh lên tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù vậy, với khả năng giữ nhịp tốt của các cổ phiếu trụ cột, chỉ số được dự báo sẽ đi ngang 830-850 điểm trước khi hình thành mặt bằng giá mới.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Với sự chi phối của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tôi cho rằng không loại trừ khả năng chỉ số sẽ tiếp tục tăng điểm trong tháng 11, đặc biệt là khi các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang duy trì được xu hướng tăng điểm với sự hỗ trợ từ hoạt động mua ròng của khối ngoại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Tuy đã có những thống kê không mấy tích cực về tháng 11 Dương lịch trong quá khứ của thị trường, nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng thị trường vẫn có nhiều điểm tích cực để bỏ qua quy luật thông thường trong tháng này.

Như đã đề cập ở kỳ trước, năm nay là năm chưa từng có, những quy luật thông thường đều không có ý nghĩa thống kê cho năm nay, dòng tiền vẫn duy trì ở mức bình quân trên 3.000 tỷ đồng/phiên, vì vậy mà VN-Index đã liên tiếp vượt các mốc 830 và cả 840 điểm trong tuần vừa qua.

Mặc dù cần thêm các bằng chứng để xác nhận về tính bền vững, nhưng bao trùm tất cả là thị trường năm nay được hỗ trợ từ nền tảng vĩ mô thuận lợi.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Nói về VN-Index, thì không thể đánh giá về chỉ số nữa, vì đã bị một số mã vốn hóa lớn làm "méo".

Với việc năm nay thị trường đã bỏ qua nhiều quy luật thông thường như "Sell in May" hay "tháng cô hồn", thì việc bỏ qua quy luật giảm vào tháng 11 tôi cho rằng cũng rất có khả năng, bởi năm nay, tất cả các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế đang rất ủng hộ cho một xu hướng tăng bền vững của thị trường.

"Dòng tiền sẽ đi theo hai hướng"

undefined - Ảnh 4.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Khá nhiều cổ phiếu cơ bản tốt tuần qua đã sụt giảm lớn. Các anh đã gia tăng quy mô danh mục lên chưa, tỷ lệ phân bổ như thế nào?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi hiện đang nắm giữ 10% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn. Các vị thế trung hạn vẫn đang nắm giữ với tỷ trọng 30% cổ phiếu.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Thị trường đang ở vùng đỉnh 850 điểm, đã hai lần thị trường tiệm cận mốc này nhưng đều không thành công. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường, phiên cuối tuần mang đến sự bất ngờ cho nhà đầu tư khi lượng tiền vào nhấc bổng thị trường trước những thông tin về áp lực margin lớn có thể bị giải chấp.

Những blue-chip bật tăng phiên cuối tuần hoặc những cổ phiếu ở nhóm ngành thép, xây dựng, bán lẻ, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… là những điểm đáng chú ý.

Trên quan điểm thận trọng tôi vẫn duy trì tỷ lệ danh mục 50% cổ phiếu và không sử dụng margin.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Theo đánh giá của tôi, cơ bản thị trường đã tạo đáy ngắn hạn trong tuần qua, hiện dòng tiền sẽ đi theo hai hướng.

Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, họ sẽ lựa chọn những cổ phiếu có mức độ giảm mạnh nhất trong thời gian ngắn - tất nhiên tôi chỉ đề cập tới cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt - để hưởng lợi đợt phục hồi mang tính kỹ thuật.

Đối với nhà đầu tư dài hơi, họ sẽ lựa chọn các cổ phiếu có mức độ giảm nhẹ hoặc không giảm trong đợt điều chỉnh rồi, các cổ phiếu này vẫn trụ vững trong lúc thị trường điều chỉnh, đồng nghĩa với lực hỗ trợ rất tốt, thì khi thị trường hồi phục, các cổ phiếu này sẽ có độ bật cao hơn số còn lại.

Hiện tôi cũng đanh phân chia danh mục theo hai hướng trên. Tỷ lệ phân bổ đang là 50% tiền và 50% cổ phiếu.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chỉ số tuần này đã có những phiên biến động mạnh, nhưng nhìn chung VN-Index đang vận động xung quanh vùng 840 điểm. Phiên tăng điểm mạnh ngày cuối tuần có thể chỉ là sự phục hồi sau phiên giảm điểm trước đó.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng trước khi thị trường xác định xu hướng rõ ràng hơn.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu tại nhóm cổ phiếu với nền tảng cơ bản tốt cho mục tiêu trung hạn do nhóm vốn hoá lớn vẫn duy trì tốt vai trò trụ cột, trong khi nhóm vốn hoá trung bình và nhỏ giao dịch sẽ vẫn đối mặt với các áp lực chốt lời.