Amazon đang nắm bắt những cơ hội khổng lồ về điện toán đám mây tại ASEAN
TechwireAsia đưa tin, tại Hội nghị thượng đỉnh AWS ở Singapore, ông Eric Conrad, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN của Amazon Web Services đã chia sẻ cách công ty nỗ lực gấp đôi trong đại dịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các dịch vụ lưu trữ đám mây, đặc biệt trong thị trường dịch vụ công…
Khi đại dịch xảy ra, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới buộc phải cung cấp dịch vụ công theo những cách “trước nay chưa từng có”. Nhiều nơi đã phải thử nghiệm công nghệ kỹ thuật số ở quy mô lớn khi người dân đổ xô tìm tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng, các tổ chức giáo dục và cả một số dịch vụ công khác để được giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng. Những thay đổi quá lớn xảy ra, tạo ra áp lực nặng nề lên hệ thống CNTT quốc gia quá tải và lỗi thời.
Trước thực trạng đó, các nhà cung cấp dịch vụ công đã nhanh chóng thích ứng với nhu cầu tăng vọt và thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân tiếp cận các nguồn lực và cơ sở hạ tầng số hóa. Tại Đông Nam Á, một khu vực mà nhu cầu sử dụng lưu trữ đám mây luôn ở mức cao, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, bộ phận điện toán đám mây của Amazon - Amazon Web Services (AWS), đã nhanh chóng nổi lên như một làn sóng mới.
Công ty tận mắt chứng kiến cách đại dịch châm ngòi cho sự đổi mới trong khu vực dịch vụ công, dưới hình thức từ thí điểm nhỏ sang chuyển đổi quy mô lớn. Giám đốc điều hành AWS khu vực ASEAN, ông Eric Conrad, chia sẻ rằng mặc dù sự chuyển đổi là kết quả của tình trạng khẩn cấp, nhưng đó cũng là con đường thay đổi lâu dài, vượt xa cuộc khủng hoảng.
Ông Conrad phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh AWS được tổ chức tại Singapore rằng: "Suốt hai năm qua do nhu cầu thiết yếu, các tổ chức, khu vực công, chính phủ, cơ quan y tế, tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức giáo dục đã thực sự áp dụng điện toán đám mây. Bởi vì rõ ràng không có cách nào khác để giải quyết những vấn đề quan trọng mà quốc gia đang phải đối mặt".
“HÀNH TRÌNH ĐÁM MÂY” BẮT ĐẦU TỪ SINGAPORE
AWS đã có một khởi đầu thuận lợi với tư cách là một trong những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây đầu tiên ở Đông Nam Á tại trung tâm dữ liệu Singapore vào năm 2010. Quốc đảo này hiện cũng đang đứng đầu về áp dụng công nghệ đám mây trong khu vực.
"Thứ nhất, họ đã thiết lập một chính sách ưu tiên công nghệ đám mây rất mạnh mẽ. Thứ hai, họ có cấu trúc phân loại dữ liệu được thiết kế rất chu đáo, dễ dàng đưa lên đám mây và cuối cùng, Singapore liên tục cải tiến công nghệ hiện có", ông Conrad chia sẻ.
MỞ RỘNG SANG MALAYSIA
Với các tổ chức giáo dục hoặc bộ giáo dục trên toàn ASEAN, ông Conrad đã chia sẻ sự hợp tác to lớn giữa AWS và Vụ Giáo dục Đại học & Cao đẳng Cộng đồng (DPCCE), một bộ phận thuộc Bộ Giáo dục Đại học Malaysia (MOHE). Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã giúp các trường đại học địa phương đưa hệ thống học tập trực tuyến lên cloud nhằm mở rộng quy mô hiệu quả và cung cấp các khóa học online cho 150.000 sinh viên trong suốt mùa dịch".
Tiếp đó, vào tháng 3 năm nay, AWS đã ký thỏa thuận Cloud Framework Agreement (CFA) với chính phủ Malaysia, cùng với các nhà cung cấp CNTT địa phương và đối tác Radmik Solutions, hỗ trợ đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ đám mây trong khu vực công, từ đó giúp các cơ quan tiết kiệm chi phí, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số và thúc đẩy sự đổi mới.
THIẾT LẬP CHỖ ĐỨNG VỮNG CHẮC Ở THÁI LAN
AWS đã thành lập văn phòng tại Thái Lan vào tháng 5 năm 2016 để hỗ trợ khách hàng của cả Amazon nói chung và AWS nói riêng. Vào đầu năm nay, công ty đã ký một biên bản thỏa thuận với Bộ Kinh tế số và Xã hội Thái Lan (MDES). "Biên bản thống nhất cho phép các cơ quan Thái Lan có quyền truy cập vào nền tảng đám mây AWS để tiến hành dịch vụ công. Với riêng ngành giáo dục, “đám mây” AWS cam kết cung cấp giải pháp cho 1200 nhân viên chính phủ ở Thái Lan", ông Conrad chia sẻ.
Tính đến tháng 10 năm 2022, AWS đã công bố kế hoạch đầu tư 5 tỷ USD vào xứ sở Chùa Vàng trong 15 năm tới nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng. Khoản đầu tư sẽ bao gồm chi phí xây dựng các trung tâm dữ liệu, dịch vụ mua hàng và dịch vụ từ các doanh nghiệp trong khu vực.
Công ty cũng có kế hoạch thiết lập một trung tâm dữ liệu tại Bangkok với mục đích giúp khách hàng trong khu vực lưu trữ dữ liệu một cách an toàn và phục vụ người dùng tốt hơn. "Kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu tại Thái Lan là một cột mốc quan trọng, sẽ mang lại các dịch vụ điện toán đám mây tiên tiến cho nhiều tổ chức hơn và hỗ trợ chính phủ thực hiện tham vọng Thái Lan 4.0, góp phần tạo ra một nền kinh tế số hóa", Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Supattanapong Punmeechaow, tuyên bố.
NHỮNG THÁCH THỨC LỚN
Giám đốc Conrad cho rằng yếu tố con người và văn hóa là một trong những trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình áp dụng công nghệ này một cách rộng rãi. Một thách thức lớn khác là sự thiếu hụt kỹ năng kỹ thuật số và cụ thể hơn là kỹ năng về lĩnh vực dữ liệu đám mây, cả hai kỹ năng mà AWS đều đang tích cực cải thiện cho các thành viên.
Ông Conrad nhấn mạnh rằng 7 nước tham gia vào các cuộc nghiên cứu của Amazon (bao gồm Úc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc) sẽ cần đào tạo thêm khoảng 86 triệu công nhân trong năm tới về kỹ năng kỹ thuật số để bắt kịp với những tiến bộ công nghệ. Con số này tương đương với 14% tổng lực lượng lao động hiện tại trên khắp 7 quốc gia trên.