12:17 28/11/2022

Bá chủ ngành bán dẫn TSMC đầu tư 12 tỷ USD, xây nhà máy chip tại Hoa Kỳ

Bảo Ngọc

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Ltd (TSMC), một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, xác nhận đang lên kế hoạch cho dự án xây dựng nhà máy tại Arizona (Hoa Kỳ) trị giá hàng tỷ USD nhằm mở rộng hoạt động sản xuất...

Theo TechwireAsia, TSMC có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tân tiến ở phía Bắc Phoenix, gần một nhà máy sản xuất chip khác của công ty đã đi vào hoạt động từ năm 2021.

Nhà máy mới dự kiến sẽ sản xuất chip với công nghệ 3 nanomet siêu hiện đại, cựu Chủ tịch và founder TSMC Morris Chang cho biết. Mặc dù kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện, đối tác cung ứng lớn nhất của Apple được cho là đã đầu tư 12 tỷ USD khởi công xây dựng nhà máy này, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Năm ngoái, TSMC đã chia sẻ quyết tâm “chinh phục đỉnh cao” tại Arizona, có khả năng là một nhà máy tiên tiến sản xuất chip với công nghệ 3nm. Cơ sở Arizona hiện tại sẽ sản xuất chip 5nm có hiệu suất kém hơn.

Tuy kế hoạch “chưa được hoàn thiện”, gã khổng lồ chip Đài Loan vẫn giữ nguyên thời gian ra mắt giai đoạn 2 của dự án vào 6/12/2022, và sẽ bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở mới trong khoảng hai tuần nữa.

Gã khổng lồ chip cũng đang xem xét bổ sung dung lượng chip tiên tiến hơn ở đây, mặc dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Động thái của TSMC diễn ra khi Mỹ đang phân bổ khoảng 39 tỷ USD cho các khoản tài trợ sản xuất chip, bắt đầu từ năm sau. Khoản đầu tư nằm ngoài chính sách giảm thuế đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn. 

TSMC xây dựng hầu hết cơ sở tiên tiến nhất của hãng tại quê nhà nhưng cũng đã triển khai sản xuất ở nhiều khu vực khác, một phần để đáp ứng các ưu đãi. Các nước châu Âu đang đưa ra một số ưu đãi để đạt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần sản xuất bán dẫn toàn cầu của lục địa này lên 20% vào năm 2030. Vào năm 2021, TSMC cho biết đang xem xét xây dựng nhà máy bán dẫn tại châu Âu đầu tiên của hãng, cụ thể tại Đức, khi cuộc đua về sản xuất chip đang dần nóng lên.

Mặc dù chi phí sản xuất chip bên ngoài Đài Loan có thể cao hơn ít nhất 50%, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản công ty chuyển nhiều sản lượng hơn sang Mỹ, ông Morris Chang nói thêm. Rõ ràng, TSMC đã bắt đầu đa dạng hóa sản xuất trong khoảng 2-3 năm trở lại đây nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang tìm cách tăng cường sản xuất chất bán dẫn.

Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỷ USD tại Nhật Bản.