08:00 12/09/2024

Buy now, pay later: Ngành công nghiệp mở đường hay xu hướng nhất thời tại Đông Nam Á

Bảo Ngọc

Buy now, pay later: Ngành công nghiệp mở đường hay xu hướng nhất thời tại Đông Nam Á

Được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, hình thức mua trước trả sau dần trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.
Được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, hình thức mua trước trả sau dần trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng như toàn thế giới.

Được thúc đẩy bởi nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng trong đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp mua trước, trả sau (BNPL) tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, thu hút sự quan tâm từ lượng lớn người tiêu dùng. 

Technode Global đưa tin, ngoài sự quan tâm từ đại đa số công chúng, hiện tượng BNPL cũng là chủ đề thường xuyên được thảo luận bởi các cơ quan giám sát. Hiểu đơn giản, hình thức BNPL cung cấp cho khách hàng khả năng mua sắm mà có thể trì hoãn thanh toán, mang lại sự linh hoạt và tiện lợi nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề nan giải.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, có sự sụt giảm rõ rệt trong thói quen sử dụng BNPL tại Hoa Kỳ từ 50% vào năm 2022 xuống còn 35% vào năm 2023. Tại Úc, một trong những gã khổng lồ nổi tiếng nhất của ngành Afterpay cũng chứng kiến ​​nhu cầu giảm đáng kể, dẫn đến khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư. Tại một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Singapore, nền tảng hoàn tiền khi mua sắm trực tuyến ShopBack đã quyết định ngừng dịch vụ BNPL do biên lợi nhuận mỏng. 

Mối lo ngại trở nên rõ ràng hơn khi lĩnh vực quá phụ thuộc vào hoa hồng từ nhà bán lẻ, mang lại rủi ro cao trong quá trình trang trải chi phí cho vay. Mô hình được coi là không bền vững về mặt tài chính.

NGÀNH CÔNG NGHIỆP MỞ ĐƯỜNG HAY XU HƯỚNG NHẤT THỜI

Đối với một số doanh nghiệp, BNPL vẫn là khái niệm xa lạ. Theo kinh nghiệm của ông Sean Plantado, Giám đốc nền tảng fintech UnaCash, còn rất nhiều đối tác thương mại tiềm năng không hiểu hết toàn bộ khía cạnh hoạt động của BNPL hay các khoản vay tại điểm bán hàng (POS). Một số câu hỏi thường gặp bao gồm nền tảng nào đang triển khai các dịch vụ BNPL, chính sách hoàn trả hoạt động như thế nào và liệu nhà bán hàng có phải chịu trách nhiệm về khiếu nại có thể xảy ra đối với dịch vụ hay không. Đặc biệt, trọng tâm xoay quanh các cuộc thảo luận luôn là: Tại sao lại cần đến dịch vụ BNPL khi thẻ tín dụng đã tồn tại rất lâu trên thị trường?

Chuyên gia nhận định, trong thế giới mà số người sở hữu điện thoại di động nhiều hơn thẻ tín dụng, thì BNPL chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài - mở đường cho tương lai chứ không phải xu hướng nhất thời.

THỊ TRƯỜNG BNPL ĐÔNG NAM Á

Đông Nam Á vẫn là điểm nóng mới nổi cho cuộc cách mạng đổi mới kỹ thuật số và tăng trưởng thương mại điện tử. Philippines dẫn đầu về việc áp dụng BNPL tại khu vực với 20,3 triệu người dùng, vượt qua một số nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Việt Nam và Malaysia. Phân tích từ UnaCash cho thấy BNPL ở thị trường Philippines đứng thứ ba về tỷ lệ thâm nhập với 24,7%, theo sát Việt Nam với 24,9% và Singapore với 75,4%. 

Hơn nữa, thế giới đang chứng kiến bước chuyển mình trong cơ cấu độ tuổi khách hàng khi thế hệ Gen Z nổi lên như lực lượng vô cùng am hiểu công nghệ kỹ thuật số. Thế hệ này cũng được coi là động lực thúc đẩy bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển vượt bậc tại Đông Nam Á. Ông Plantado dự báo mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 132% về khối lượng giao dịch thương mại điện tử trong năm 2024 và Thế hệ Gen Z sẽ trở thành người chơi làm chủ thị trường, sử dụng thành thạo dịch vụ BNPL, góp phần định hình tương lai ngành bán lẻ.

UnaCash cũng ước tính số lượng người dùng BNPL tăng trưởng đều đặn, hiện chiếm 19,1% tổng số người dùng các ứng dụng cho vay kỹ thuật số đơn lẻ từ năm 2018 đến năm 2023. Xu hướng thanh toán không tiền mặt, ví kỹ thuật số và thương mại trực tuyến ngày càng tăng, biến BNPL trở thành phân khúc sinh lợi tiềm năng. 

THÁCH THỨC CẦN GIẢI QUYẾT

Lạm dụng mua trước trả sau có thể dẫn đến những món nợ khổng lồ, vượt ngoài khả năng chi trả. 
Lạm dụng mua trước trả sau có thể dẫn đến những món nợ khổng lồ, vượt ngoài khả năng chi trả. 

Tất nhiên, quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều. BNPL cung cấp lợi ích ngắn hạn như thanh toán không tính lãi và quy trình đăng ký đơn giản. Nếu không được quản lý đúng cách, giống như bất kỳ dịch vụ tài chính nào khác, BNPL có thể dẫn đến chi tiêu bốc đồng và phân bổ tài chính không bền vững. Khách hàng đôi khi thờ ơ với điều khoản hoàn trả và tích lũy nợ vượt quá khả năng cho phép. "Các khoản nợ ma" hoàn toàn có khả năng gây ra thách thức đáng kể cho cả người tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.

Điều này làm nổi bật thách thức lớn hơn trong ngành, chính là giải quyết bài toán giáo dục toàn diện cho người đi vay và thiết kế sản phẩm có trách nhiệm để tránh hoặc ít nhất là quản lý tối đa rủi ro. Điều quan trọng là doanh nghiệp tài chính cần ưu tiên hoạt động mua sắm kỹ thuật số có trách nhiệm và nhận thức về an ninh mạng thật cẩn thận để tránh vấn đề phát sinh.

Vị chuyên gia đến từ UnaCash chắc chắn rằng BNPL sẽ còn tồn tại lâu dài cùng với các giải pháp tài chính khác trên thị trường nên cần có cách tiếp cận chu đáo, nhận định cả lợi thế và thách thức của lựa chọn thanh toán này. Bằng chiến lược khuyến khích đổi mới, xây dựng lòng tin người tiêu dùng và chống gian lận, BNPL có thể góp phần tạo ra hệ sinh thái tài chính mạnh mẽ và toàn diện hơn cho mỗi quốc gia.