Châu Âu đang tụt lại trong việc triển khai 5G so với Hàn Quốc, Nhật Bản
Hiệp hội Hệ thống thông tin Di động toàn cầu (GSMA) nhận định việc tăng tốc triển khai 5G ở châu u rất quan trọng với các nhà hoạch định chính sách, tạo điều kiện thích hợp cho đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân, hiện đại hóa mạng và đổi mới kỹ thuật số…
Châu Âu đang dần tụt lại phía sau trong việc triển khai phủ sóng mạng 5G. Theo Register, đã có một cuộc khảo sát trong ngành cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì lạm phát gia tăng và chiến tranh ở Ukraine.
Theo như báo cáo về nền kinh tế di động năm 2022 tại châu Âu, đến cuối tháng 6/2022, số người sử dụng thiết bị gắn chip 5G đã tăng nhanh chóng. Na Uy là nước dẫn đầu trong việc sử dụng chip 5G với 16%, theo sau đó là Thụy Sĩ (14%), Phần Lan (13%), Anh (11%) và Đức (10%). Mức trung bình trên toàn châu lục là 6%.
Cuộc khảo sát với 108 nhà mạng tại 34 thị trường trên khắp châu Âu cho thấy tới năm 2025, việc áp dụng mạng 5G trên toàn châu lục sẽ đạt ngưỡng 44%, nhưng tại Hàn Quốc con số ấy đã tăng lên 73%. Nhật Bản và Mỹ cũng sẽ vượt mốc 68% trong cùng khoảng thời gian.
Daniel Pataki, Phó Chủ tịch GSMA về Chính sách & Quy định, chia sẻ rằng: “Châu Âu đang tiến hành áp dụng mạng 5G nhanh hơn bao giờ hết, nhưng cần tập trung tạo điều kiện phù hợp cho đầu tư cơ sở hạ tầng để bắt kịp các thị trường khác trên thế giới. Điều này bao gồm cả việc triển khai điều chỉnh chi phí mạng sao cho hợp lý”.
Các nhà khai thác mạng đang phải đối diện với áp lực giá năng lượng leo thang, ảnh hưởng một phần từ cuộc xung đột ở Ukraine, tác động đến việc cung cấp năng lượng cho thiết bị mới. Mới đây, Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông châu Âu cũng nhắc lại lời kêu gọi của Big Tech, giảm tỉ lệ phần trăm chi phí cơ sở hạ tầng.
Năm 2021, Ủy ban Châu Âu đã đặt ra kế hoạch kinh tế cho sự phát triển thúc đẩy công nghệ thông tin trong khuôn khổ “Thập kỷ kỹ thuật số”. Kế hoạch hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích nền kinh tế EU thông qua phát triển kỹ năng kỹ thuật số, chuyển đổi số trong kinh doanh, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bền vững và số hóa các dịch vụ công.
Ngoài ra, GSMA cũng nhận định rằng việc tăng tốc triển khai 5G ở châu Âu là điều rất quan trọng với các nhà hoạch định chính sách, tạo điều kiện thích hợp cho đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân, hiện đại hóa mạng và đổi mới kỹ thuật số