17:41 25/05/2023

Chính phủ các nước đang vận hành hình thức mua trước trả sau như thế nào?

Bảo Ngọc

Nhiều quốc gia vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán linh hoạt này…

Khi các quốc gia vật lộn với sự tăng trưởng bùng nổ của ngành công nghiệp mua trước, trả sau, nhiều chuyên gia kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp buy now pay later (BNPL). Hiện tại, các công ty này gần như không phải tuân theo yêu cầu nghiêm ngặt tương tự áp dụng cho sản phẩm tín dụng truyền thống.

Thực trạng chưa có sự đồng thuận rõ ràng về khung pháp lý, do chính phủ nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tổn hại và khuyến khích đổi mới trong ngành. Cùng xem xét thực trạng vận hành hình thức BNPL ở một số quốc gia và những gì chính phủ sở tại đã làm để kiểm soát lĩnh vực đang phát triển này.

AUSTRALIA

BNPL đã trở thành một phương thức thanh toán phổ biến với người Úc, chiếm 14% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử vào năm 2022. Nhiều ngân hàng trong nước coi các công ty BNPL là một mối đe dọa lớn và cùng với sự suy giảm tần suất sử dụng thẻ tín dụng truyền thống, một số ngân hàng đã bắt đầu cung cấp thẻ tín dụng không lãi suất như NAB StraightUp Card và CBA StepPay.

Các công ty BNPL thuộc trường hợp miễn trừ của Đạo luật bảo vệ tín dụng tiêu dùng quốc gia năm 2009, nhưng chính phủ đang tìm cách thực hiện các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tổn hại. Có ba lựa chọn khác nhau đã được đề xuất để điều chỉnh kiểm soát với mức độ nghiêm ngặt khác nhau. Mức độ nhẹ nhàng nhất là củng cố mã BNPL nhằm tăng cường sự rõ ràng, tiếp theo là kiểm tra khả năng chi trả. Cuối cùng, khung kiểm soát chặt chẽ nhất là buộc các nhà cung cấp BNPL phải tuân theo quy định đầy đủ thuộc Đạo luật tín dụng, giống như các công ty tín dụng truyền thống.

Chính phủ đã lắng nghe phản hồi từ các bên liên quan, bao gồm những gã khổng lồ thanh toán nổi tiếng như PayPal, AfterPay và Zip, và nhận được nhiều phản hồi khác nhau liên quan đến quy định đề xuất. Hầu hết ý kiến đều ủng hộ rằng cần thiết có quy định kiểm soát nhưng đưa ra quan điểm khác biệt về cách tiếp cận cụ thể và mức độ quy định cho các công ty BNPL.

HOA KỲ

Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Hoa Kỳ (CFPB) đã ban hành một báo cáo vào tháng 09/2022 nêu bật một số rủi ro mà khách hàng gặp phải khi sử dụng dịch vụ BNPL. Những rủi ro bao gồm việc truyền tải thiếu thông tin chuẩn hóa dẫn đến người dùng hiểu lầm rằng đây là một lựa chọn tín dụng không rủi ro, hay thực trạng áp dụng nhiều khoản phí trễ hạn cho cùng một khoản thanh toán và các rào cản hoạt động liên quan khi người tiêu dùng nộp đơn tranh chấp thanh toán.

Khi ngày càng có nhiều người dùng chuyển sang sử dụng BNPL, với giá trị khoản vay tăng gấp 10 lần vào năm 2021 so với năm 2019, Giám đốc CFPB, ông Rohit Chopra, muốn khách hàng của dịch vụ này nhận được mức bảo vệ tương đương với những người sử dụng thẻ tín dụng.

Cục đã báo hiệu ý định áp dụng yêu cầu tương tự các công ty thẻ tín dụng đối với nhà cung cấp BNPL sau khi phát hiện số lượng người vay bị tính phí trễ hạn đang tăng lên ngày một nhiều (từ 7,8% vào năm 2020 lên 10,5% vào năm 2021).

HỒNG KÔNG

Tại thị trường này, dịch vụ BNPL không đạt được sức hút đáng kể như ở các quốc gia khác, nhưng Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) lo ngại về rủi ro vay quá mức của người tiêu dùng. HKMA cho rằng dịch vụ BNPL không khác nhiều so với khoản vay cá nhân không có bảo đảm và đã đưa ra một số biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Nhà cung cấp BNPL nên thúc đẩy thông điệp vay có trách nhiệm trong các tài liệu quảng cáo, cung cấp rõ ràng thông tin rằng các dịch vụ BNPL liên quan đến việc cung cấp sản phẩm tín dụng, thay vì gây hiểu lầm cho người tiêu dùng bằng cách ngụ ý.

Hơn nữa, HKMA cũng mong muốn các bài kiểm tra khả năng chi trả được tiến hành sát sao nhằm đánh giá khả năng thanh toán của người nộp đơn trước khi phê duyệt bất kỳ khoản vay nào.

Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ đang áp dụng cho một số ngân hàng có cung cấp dịch vụ BNPL, chẳng hạn như Livi Bank và Ant Bank PayLater. Một số công ty fintech phi ngân hàng cung cấp dịch vụ trong nước, bao gồm Splitit, không bắt buộc phải tuân thủ bộ quy định này.

MALAYSIA

Dịch vụ BNPL đặc biệt phổ biến trong nước, với khoảng 19 nhà cung cấp BNPL đang hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này thường được cung cấp bởi các nhà khai thác phi ngân hàng, không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Negara Malaysia (BNM).

Đầu năm 2023, chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch ban hành Đạo luật Tín dụng Tiêu dùng, trong đó đề cập đến áp dụng yêu cầu tài chính tối thiểu 2 triệu MYR (khoảng 440.000 USD) đối với các nhà cung cấp BNPL.

Malaysia cũng thành lập Ban giám sát tín dụng tiêu dùng (CCOB) nhằm điều chỉnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tín dụng. Chính phủ đã nhận được phản hồi từ các bên quan tâm và sẽ hoàn thiện bộ nguyên tắc vào cuối năm nay.

SINGAPORE

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho rằng các nhà cung cấp BNPL có khả năng tự điều chỉnh chính sách phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng chính phủ cần theo dõi chi tiết quá trình đó. Hiệp hội FinTech Singapore (SFA) đang phát triển Bộ quy tắc ứng xử dưới sự hướng dẫn của MAS nhằm đưa ra các tiêu chuẩn vận hành đã được 8 nhà cung cấp BNPL ở Singapore đồng thuận, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Atome, ShopBack và Grab.

Bộ quy tắc bao gồm giới hạn số tiền tín dụng tối đa mà người tiêu dùng có thể vay ở mức 2.000 SGD (tương đương 1.500 USD) trừ khi khách hàng hoàn thành các đánh giá tín dụng bổ sung, liên quan đến thông tin thu nhập và thông tin tín dụng được chia sẻ cho tất cả các nhà cung cấp thông qua Experian. Các biện pháp khác nhấn mạnh tính minh bạch cao hơn và mở rộng hỗ trợ khó khăn tài chính.

CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á KHÁC

Dịch vụ BNPL đã tạo được sức hút ở các nước Đông Nam Á mà dân số không có tài khoản ngân hàng cao bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia. 

Tuy nhiên, những người dân không dùng tài khoản ngân hàng này thường thiếu kiến thức tài chính đầy đủ để sử dụng tín dụng một cách có trách nhiệm và điều này làm trầm trọng thêm số nợ tích lũy. Vấn đề đáng lo ngại chung là thiếu các quy định đối với nhà cung cấp BNPL ở một số quốc gia này.

Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng cho nhà cung cấp BNPL, nhưng các khoản thanh toán BNPL dự kiến sẽ đạt giá trị giao dịch 10,5 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi đó, người dân Indonesia đã phàn nàn về lãi suất cao, phí trễ hạn và hoạt động thu hồi nợ phi đạo đức của các nhà cung cấp BNPL trong nước.

Các quy tắc đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng nhà cung cấp BNPL hoạt động có trách nhiệm và bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguy cơ tiêu thụ quá mức. Tuy nhiên, nhiệm vụ cải thiện kiến thức tài chính cho người vay cũng quan trọng không kém. Bằng cách thông tin tới khách hàng, đặc biệt là bộ phận dân số không có tài khoản ngân hàng, về việc sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ BNPL, hình thức dịch vụ này sẽ phát huy được tối đa giá trị.