11:28 03/11/2022

Chính phủ là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế xanh cho hệ sinh thái fintech châu Á

Bảo Ngọc

Hệ sinh thái fintech là một giải pháp thay thế “xanh” cho ngành tài chính truyền thống. Những bản sao kê tài chính bằng giấy đã trở nên quá cũ kỹ trong kỷ nguyên ngân hàng số hiện đại…

Ngành ngân hàng đang thay đổi mạnh mẽ, kỹ thuật tiên tiến thay thế các thao tác lỗi thời, tiêu tốn chi phí khổng lồ và tạo ra một trung tâm dữ liệu nội bộ lớn mạnh. Nhiều startup fintech đã và đang sử dụng các công nghệ đám mây để mở rộng quy mô, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong quá trình hoạt động, theo TECHWIRE ASIA.

Sử dụng Amazon Web Service (AWS) và Microsoft Azure là những giải pháp hàng đầu trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon của các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu từ tháng 10/2019, việc chuyển sang AWS Cloud có thể giúp công ty cắt giảm 88% lượng khí thải carbon của hoạt động công nghệ thông tin (CNTT).

Điều này rất quan trọng với khu vực APAC, người dân nơi đây luôn phải gồng mình đối phó với thời tiết khắc nghiệt và thiên tai kéo dài.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan, đã cùng nhau tạo nên bức tranh tổng thể trong hành trình phát triển công nghệ fintech tại châu Á. Với quan điểm hợp tác và hướng tới tương lai, mục tiêu của họ là học hỏi lẫn nhau và tìm hiểu thực trạng các hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau.

Ước tính đến năm 2030, tổng lượng khí thải phải giảm 25% mới đảm bảo nhiệt độ toàn cầu chỉ nóng lên ở mức 2°C so với trước. Liên Hợp Quốc đã đặt đây là tốc độ nóng lên tối đa để ngăn chặn các rủi ro khí hậu, tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội.

Do đó, GoImpact, tổ chức giáo dục về ESG, và Trường Kinh doanh Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) đã có nghiên cứu chung về Hệ sinh thái Fintech xanh ở Châu Á. Nghiên cứu kết luận sự hỗ trợ của chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển fintech xanh.

Định nghĩa “fintech xanh” là hoạt động tài chính sử dụng các công nghệ xanh để cải thiện môi trường. Fintech xanh bắt nguồn từ ba yếu tố: môi trường, tài chính và công nghệ.

Theo nghiên cứu, các nhà lãnh đạo từ 5 quốc gia bao gồm Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông và Thái Lan, đã kêu gọi chính phủ tạo môi trường cho fintech xanh, thúc đẩy sự thay đổi bằng cách thiết lập các khung pháp lý bền vững, đồng thời cung cấp các chương trình khuyến khích trong ngành này.

Những phát hiện chính từ nghiên cứu cho thấy các công ty khởi nghiệp fintech xanh tại châu Á đã cung cấp một loạt các dịch vụ, bao gồm cho vay số xanh, giải pháp tài sản số xanh, thanh toán tài sản số xanh, giải pháp đầu tư kỹ xanh, phân tích số xanh, huy động vốn cộng đồng xanh.

Đồng thời, các quy định về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đóng vai trò nền tảng để phát triển hệ sinh thái fintech xanh. Một số nghiên cứu tại Hồng Kông cho thấy số lượng startup fintech xanh đã mở rộng nhanh hơn kể từ khi nhiệm vụ báo cáo ESG áp dụng cho tất cả các công ty niêm yết được ban hành vào năm 2020. Thỏa thuận Xanh ở Hàn Quốc và Sáng kiến Tài chính Bền vững ở Thái Lan là hai ví dụ điển hình về việc những nguyên thủ châu Á đã bắt đầu nhận ra giá trị của nền kinh tế xanh.

Giáo sư Kalok Chan, Giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh CUHK, nói: "Bản báo cáo cung cấp cái nhìn tổng thể về xu hướng và hiểu biết sâu sắc cho 5 nền kinh tế châu Á về thực trạng Hệ sinh thái Fintech xanh, các sáng kiến của chính phủ và các tổ chức hỗ trợ".