Chuỗi cung ứng Apple rung chuyển sau tuyên bố thuế quan của Mỹ
Những nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple dường như không mang lại hiệu quả đối trước động thái tăng thuế quan của Mỹ…

Chuỗi cung ứng sâu rộng của Apple tại Trung Quốc – vốn đóng vai trò huyết mạch trong hoạt động của tập đoàn này – đang phải đối mặt với những gián đoạn nghiêm trọng trước áp lực gia tăng thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt theo tuyên bố ngày 3/4 theo giờ Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post đưa tin sau động thái từ Washington, cổ phiếu của các đối tác sản xuất của Apple đã giảm kịch sàn trên khắp thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Goertek, nhà sản xuất linh kiện âm thanh niêm yết trên sàn Thâm Quyến, đã giảm 10% xuống mức thấp nhất trong năm nay. Tương tự, Luxshare Precision Industry giảm 10%, trong khi Lens Technology lao dốc 10,6%.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2%, trong khi chỉ số Shenzhen Composite giảm 1,4%.
Goertek, Luxshare và Lens Technology thường được gọi là “ba chàng lính ngự lâm” trong chuỗi cung ứng của Apple do mối quan hệ mật thiết với nhà sản xuất iPhone, mặc dù các chi tiết cụ thể về hợp tác kinh doanh không được công bố. Theo tuyên bố từ các nhà cung cấp, Giám đốc điều hành (COO) của Apple, Jeff Williams, đã đến thăm Goertek và Luxshare vào tuần trước.
Tại Hồng Kông, cổ phiếu của Cowell E Holdings giảm mạnh 17,8%, Sunny Optical Technology Group giảm 6,6%, trong khi BYD Electronic International mất 8,7%. Cổ phiếu Apple cũng sụt giảm 7% trên thị trường Frankfurt.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, khi phần lớn iPhone được lắp ráp tại đây. Theo danh sách nhà cung cấp mới nhất, 158 trong số khoảng 200 nhà cung cấp của Apple có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc là một minh chứng rõ nét cho vấn đề toàn cầu hóa và là yếu tố then chốt giúp hãng này thành công.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Bắc Kinh tuần trước, CEO Tim Cook nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của Apple tại Trung Quốc là "sự hợp tác đôi bên cùng có lợi".
Ông cũng khẳng định cam kết của Apple trong việc đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa, nghiên cứu và phát triển, cũng như thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Quyết định của Tổng thống Trump áp đặt mức thuế bổ sung 34% đối với Trung Quốc, nằm trong gói chính sách thương mại có tên "Ngày Giải phóng" nhằm định hình lại chiến lược thương mại của Mỹ, đã châm ngòi cho một cuộc chiến thuế quan đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó đã phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả đối với các mức thuế mới từ Mỹ, dù chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố.
Ngoài Trung Quốc, Apple đã thực hiện các bước để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, các mức thuế mới do Nhà Trắng công bố cũng sẽ ảnh hưởng đến những nước này.
Theo tuyên bố, các sản phẩm từ Việt Nam và Ấn Độ – hai quốc gia châu Á đang nỗ lực giành thị phần lớn hơn trong lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng của Apple – sẽ bị áp mức thuế lần lượt là 46% và 26%.
Theo CNBC, trong hai năm qua, Apple đã đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ khi chính phủ nước này tìm cách thúc đẩy sản xuất nội địa các sản phẩm công nghệ cao.
Một bộ trưởng của chính phủ Ấn Độ cho biết vào năm 2023 rằng, Apple đang đặt mục tiêu sản xuất khoảng 25% tổng số iPhone toàn cầu tại nước này.
Theo ước tính của các nhà phân tích Bernstein, đến cuối năm nay, Ấn Độ có thể chiếm khoảng 15 – 20% tổng sản lượng iPhone. Evercore ISI cho biết hiện khoảng 10 – 15% iPhone đang được lắp ráp tại Ấn Độ.
Với Việt Nam, quốc gia này đã trở thành trung tâm sản xuất phổ biến cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng trong những năm gần đây. Theo Evercore ISI, khoảng 20% sản lượng iPad và 90% khâu lắp ráp các sản phẩm đeo thông minh của Apple, như Apple Watch, đang được thực hiện tại Việt Nam.
Không chỉ chuỗi cung ứng của Apple tại các quốc gia trên bị ảnh hưởng, Malaysia – một địa điểm sản xuất ngày càng quan trọng đối với dòng máy Mac – phải chịu mức thuế 25% trong khi Thái Lan, một trung tâm sản xuất nhỏ cho Mac, sẽ bị áp mức thuế 36%.
Apple cũng nhập linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Các linh kiện này có thể được vận chuyển từ nước này sang nước khác trước khi được lắp ráp tại Trung Quốc hoặc các quốc gia khác.
Vào tháng 2 vừa qua, Apple đã công bố kế hoạch mở một nhà máy sản xuất máy chủ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Texas như một phần trong khoản đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ.
Tuy nhiên, Apple không có hoạt động sản xuất quy mô lớn tại Mỹ. Hiện tại, hãng chỉ sản xuất dòng Mac Pro tại Texas.