Chuyên gia gỡ rối cho thị trường Edtech trong kỷ nguyên công nghệ đổi mới
Đại dịch Covid-19 đã chứng minh công nghệ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào tới ngành công nghiệp giáo dục. Theo thời gian, ngày càng nhiều công nghệ cải tiến được giáo viên và học sinh tiếp cận…
Bà Melissa Loble, Giám đốc Học thuật tại Instructure, đã bình luận với Yahoo Tech về báo cáo gần đây do tổ chức công bố xoay quanh chủ đề sử dụng công cụ kỹ thuật số trong giáo dục và tầm quan trọng của khâu thẩm định công nghệ trước khi đưa vào giảng dạy.
Bà Loble là một trong những diễn giả đáng mong chờ nhất tại Hội nghị thượng đỉnh EdExec sắp tới được tổ chức bởi Tech & Learning. Hội nghị giao lưu kéo dài 3 ngày dành riêng cho các công ty thuộc ngành công nghiệp EdTech diễn ra từ ngày 11/9 đến 13/9 tại Atlanta (Georgia, Hoa Kỳ). Vị chuyên gia sẽ trình bày về chủ đề “Đảm bảo khả năng tương tác: Chìa khóa thành công trong kinh doanh EdTech” và “Phát triển hoạt động nghiên cứu dựa trên hiệu quả”.
XU HƯỚNG SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG GIÁO DỤC NGÀY CÀNG TĂNG
Áp dụng công nghệ trong hoạt động lớp học không phải khái niệm mới. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch khiến giáo viên và học sinh không thể đến trường và buộc phải ở nhà, việc duy trì kết nối thông qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số ngày càng đóng vai trò quan trọng. Các công cụ mới hiện đại liên tiếp ra mắt thị trường, nhưng ít ai chú ý tới việc đầu ra công nghệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của người học.
Giám đốc Loble chia sẻ: “Có một sự thật thú vị và chúng tôi đã nêu bật trong báo cáo: Số lượng công cụ kỹ thuật số mà giáo viên và học sinh đang sử dụng liên tục tăng lên, điều này khiến nhóm nghiên cứu hơi ngạc nhiên. Chúng tôi dự kiến con số tăng dần trong thời kỳ Covid-19 vì toàn bộ trường học phải chuyển đổi cách giảng dạy. Nhưng giờ đây, sự gia tăng cho thấy đa số các trường vẫn đang tìm kiếm công nghệ phù hợp ngay cả khi tất cả đều đã quay trở lại lớp học. Nhưng chúng tôi dự đoán thị trường sẽ ổn định trong vài năm tới”.
Chia sẻ về lý do dự báo bối cảnh bùng nổ công nghệ có thể chững lại trong tương lai gần, bà Loble bày tỏ: “Các tổ chức sẽ không rót thêm vốn đầu tư vào việc thử nghiệm công nghệ mới”, đồng thời lưu ý rằng trọng tâm EdTech sẽ chuyển sang những phương pháp tiếp cận phù hợp nhất dành cho giáo viên và học sinh. “Theo báo cáo của chúng tôi, trung bình mỗi nhà giáo dục sử dụng 49 công cụ kỹ thuật số xuyên suốt năm học. Có rất nhiều công nghệ khác nhau mà giáo viên cần phải biết cách xử lý thật tốt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng phần lớn giáo viên sẽ chọn cách cân bằng số lượng công cụ trong dạy và học”.
KHÁM PHÁ ĐIỂM CHUNG GIỮA CÁC CÔNG CỤ EDTECH
Việc áp dụng linh hoạt công cụ kỹ thuật số có thể mang tới trải nghiệm tiết học tuyệt vời cho cả giáo viên và học sinh. Cần có một nhóm công cụ được thiết lập nhằm tạo ra sự nhất quán trong chương trình giảng dạy và đảm bảo mọi hoạt động tương tác diễn ra suôn sẻ cho tất cả người học. Các tổ chức EdTech phải tìm ra lời giải cho bài toán đưa công nghệ mới vào hệ sinh thái được thiết lập sẵn hay chọn cách an toàn chỉ gắn bó với một số công cụ quen thuộc.
Chuyên gia Loble chia sẻ: “Tôi không có ý nói là chúng ta không được thử nhiều công nghệ khác nhau, nhưng theo quan điểm cá nhân, cách tốt hơn cả là tập trung quyền truy cập vào một số công cụ có sẵn, an toàn bảo mật và hiệu quả. Chúng ta biết rõ công cụ đó sẽ hoạt động như thế nào trong trường hợp cụ thể, từ đó cung cấp cho giáo viên điểm khởi đầu vững chắc”.
Tất nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu bộ phận giáo viên có tiếng nói trong việc quyết định các công cụ kỹ thuật số nên sử dụng hay không. Đôi khi, một số công cụ mà giáo viên rất tâm đắc nhưng không được tổ chức đồng ý sử dụng.
Vị Giám đốc nhấn mạnh: “Người dạy hãy tự tin đóng góp quan điểm của mình, vì giáo viên chính là người trải nghiệm và có thể đề cử công cụ hữu ích. Đừng ngần ngại chia sẻ lý do vì sao tổ chức nên chọn lựa công cụ đó. Giáo viên có thể cho tổ chức lời khuyên về các công cụ nên sử dụng ngay cả khi công cụ đó không nằm trong hệ sinh thái đã thiết lập. Tất nhiên, không phải giáo viên nào cũng được trang bị đầy đủ hiểu biết về khả năng truy cập hoặc quyền riêng tư”.
GIẢI QUYẾT THÁCH THỨC MANG TÊN “TRÍ TUỆ NHÂN TẠO"
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang thâm nhập vào thị trường EdTech ở mọi cấp độ, việc hiểu các vấn đề xoay quanh các công cụ hỗ trợ AI là rất quan trọng. Giáo viên cần đánh giá được các công cụ trí tuệ nhân tạo nên sử dụng cho mục đích nào trong công tác giáo dục.
“Các tổ chức cần xem xét thật kỹ công nghệ AI và đảm bảo đây là công cụ an toàn”, Giám đốc Loble nhận định. “Miễn là AI an toàn, được sử dụng đúng mục đích và công bằng, tôi nghĩ việc phát triển công nghệ theo cách kết hợp là cần thiết, nhưng cũng cần liên tục thử nghiệm và kiểm tra những công cụ này có tác động đến người học như thế nào”.