16:53 11/04/2024

Cổ phiếu công ty mẹ của “ngôi sao” thương mại điện tử Trung Quốc tăng vọt

Bảo Ngọc

Gã khổng lồ thương mại điện tử giá siêu rẻ đặt mục tiêu chinh phục nhiều đỉnh cao mới vào năm 2024…

Cổ phiếu PDD tăng mạnh sau khi nền tảng TMĐT giá rẻ của hãng, Temu, ghi nhận tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Cổ phiếu PDD tăng mạnh sau khi nền tảng TMĐT giá rẻ của hãng, Temu, ghi nhận tăng trưởng vượt kỳ vọng.

Cổ phiếu PDD Holdings đã tăng 3,5% trong phiên giao dịch ngay sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc báo cáo thu nhập quý 4/2023 tốt hơn mong đợi trong nỗ lực mở rộng thị trường ra nước ngoài, theo KrASIA.

PDD, chủ sở hữu ứng dụng săn hàng giá rẻ Temu, đã báo cáo doanh thu 88,88 tỷ RMB (khoảng 12,5 tỷ USD) trong quý IV/2023, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, nhiều nhà phân tích đã dự báo doanh thu quý 4/2023 của công ty khoảng 79,2 tỷ RMB (11,1 tỷ USD), theo LSEG Data & Analytics. Với kết quả vượt xa mong đợi, cổ phiếu PDD đã tăng hơn 17% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa (Pre-market Trading).

Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc Điều hành Chen Lei cho biết trong thông cáo báo chí: “Năm 2023 đánh dấu một chương quan trọng trong lịch sử công ty khi chúng tôi chuyển sang định hướng phát triển chất lượng cao. Năm 2024, chúng tôi vẫn sẽ nỗ lực cải thiện hơn nữa trải nghiệm người tiêu dùng, tăng cường đổi mới công nghệ và tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng”.

TEMU THÀNH CÔNG TẠI THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI 

Kết quả khả quan đã thúc đẩy doanh thu cả năm của PDD tăng 90% lên 247,64 tỷ RMB (34,8 tỷ USD). Mảng tiếp thị trực tuyến và một số dịch vụ liên quan đóng góp 153,54 tỷ RMB (19 tỷ USD), trong khi dịch vụ giao dịch đóng góp 94,1 tỷ RMB (13,2 tỷ USD).

Chủ tịch Chen nhấn mạnh: “Trong năm 2024, chúng tôi tiếp tục tăng cường nguồn cung chất lượng cao và nâng cao khả năng cung cấp giá trị cũng như dịch vụ xuất sắc”. Ông bày tỏ: “Chúng tôi sẽ cải tiến sức mạnh công nghệ và tìm hiểu sâu sắc về chuỗi cung ứng toàn diện để giúp nhà sản xuất giảm chi phí, tăng hiệu quả, từ đó phát triển nhiều sản phẩm gây tiếng vang rộng rãi hơn tới người dùng”.

Nổi tiếng với chiến lược cung cấp hàng hóa giá rẻ, PDD đã vượt qua bối cảnh kinh tế khó khăn ở Trung Quốc, nơi niềm tin và nhu cầu người dùng chưa có dấu hiệu phục hồi. Temu, nền tảng thương mại điện tử tập trung khai thác thị trường nước ngoài của hãng ra mắt vào năm 2022, nhanh chóng thu hút nhóm khách hàng Hoa Kỳ cũng có nhu cầu mua sắm sản phẩm giá rẻ, chẳng hạn như đồ dùng nhà bếp giá 2 USD, áo phông giá 10 USD, v.v. Ứng dụng “Temu: Mua sắm như tỷ phú” được xếp hạng gần 5 sao trên hầu hết cửa hàng ứng dụng tại nước này.

Chủ tịch Chen tuyên bố trong cuộc họp báo cáo thu nhập ngày 20/3 vừa qua: “Khi chúng tôi mở rộng sang nhiều quốc gia và khu vực, chúng tôi nhận thấy thói quen, văn hóa tiêu dùng đa dạng và bối cảnh thị trường phát triển nhanh chóng. Chúng tôi tin chắc rằng nhu cầu của người tiêu dùng về chi tiêu tiết kiệm và dịch vụ chất lượng là rất lớn”.

Mặt khác, Temu thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của Chính quyền Hoa Kỳ. Năm ngoái, các nhà lập pháp Quốc hội đã cáo buộc Temu và đối thủ Shein có nguy cơ cao khiến chuỗi cung ứng nước này chịu ảnh hưởng.

Shein và Temu vướng phải nhiều rắc rối pháp lý tại thị trường Hoa Kỳ. 
Shein và Temu vướng phải nhiều rắc rối pháp lý tại thị trường Hoa Kỳ. 

Ông James Joholske, Giám đốc Văn phòng Giám sát Nhập khẩu thuộc Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ, phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung trong tháng này rằng số lượng lớn hàng hóa được vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ từ các nhà máy Trung Quốc đang cản trở khả năng thực thi các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của Chính quyền Hoa Kỳ.

Temu không sở hữu bất kỳ cửa hàng nào và chỉ sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh từ bên thứ ba, nhưng cách hãng xử lý hoạt động hậu cần là yếu tố quan trọng trong việc thu hút nhà cung cấp. Nếu sản phẩm được PDD thông qua, người bán chỉ cần vận chuyển hàng hóa đến nhà kho chỉ định ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Theo Nikkei, Temu sẽ điều phối mọi hoạt động kể từ thời điểm đó, bao gồm vận chuyển ra nước ngoài và dịch vụ hậu mãi.

NẮM BẮT XU HƯỚNG TIÊU DÙNG

PDD cũng tăng cường chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mãi. Chi phí bán hàng và tiếp thị đạt 26,64 tỷ RMB (3,7 tỷ USD) trong quý 4, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi phí hoạt động tăng 293% lên 35,1 tỷ RMB (4,9 tỷ USD), chủ yếu do tăng phí thực hiện, phí xử lý thanh toán, chi phí bảo trì và chi phí trung tâm chăm sóc khách hàng.

Ông Zhao Jiazhen, đồng Giám đốc Điều hành PDD, tuyên bố trong báo cáo thu nhập rằng công ty ghi nhận nhu cầu nâng cấp tiêu dùng ngày càng tăng nhưng theo “cách hợp lý”.

“Tăng mức tiêu dùng không phải là tiêu dùng cao hay bội chi; điều quan trọng hơn là cung cấp cho người dùng những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn với mức giá dễ tiếp cận hơn, từ đó mang lại nhiều khoản tiết kiệm hơn”, CEO Zhao phát biểu.

QUYẾT ĐỊNH “RẼ HƯỚNG” TRONG NĂM 2024

Thật bất ngờ, PDD đặt mục tiêu tập trung kết nối ngành nông nghiệp với người mua sắm vào năm 2024. Chủ tịch công ty cho biết sẽ đầu tư vào “các động lực mới thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao”, bao gồm công nghệ trong sản xuất và nông nghiệp. Kỳ vọng của ông lớn thương mại điện tử là mang các thương hiệu quốc gia hay thương hiệu địa phương Trung Quốc đến gần hơn với người dùng.

CEO Zhao cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư vào ba lĩnh vực chính là hệ sinh thái nền tảng, cung ứng và tiêu dùng chất lượng cao để tối ưu hóa hơn nữa khả năng của công ty trong việc cung cấp nhiều dịch vụ tiết kiệm và xuất sắc”. Ông nhận định: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ ở số lượng lớn các thương hiệu quốc gia và sản phẩm nông nghiệp chất lượng”.