11:23 20/08/2024

Đào tạo nhân lực bán dẫn: Nguy cơ “học theo trào lưu” nếu không tư vấn, định hướng nghề nghiệp rõ ràng

Bảo Bình

Đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, cũng như các nhóm ngành liên quan khác, đang thu hút nhiều bạn trẻ. Tuy vậy, nếu không có định hướng nghề nghiệp và tư vấn rõ ràng, sinh viên có thể đi học theo trào lưu ...

Ngành công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch hiện nay có điểm chuẩn thuộc hàng tốp, với điểm chuẩn đánh giá năng lực thuộc hàng cao nhất. Ảnh minh họa
Ngành công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch hiện nay có điểm chuẩn thuộc hàng tốp, với điểm chuẩn đánh giá năng lực thuộc hàng cao nhất. Ảnh minh họa

Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đào tạo nhân lực bán dẫn. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp Việt Nam nắm bắt nhanh cơ hội phát triển lĩnh vực này.

ĐỂ NGÀNH BÁN DẪN VIỆT NAM KHÔNG LỠ CƠ HỘI NHƯ CÔNG NGHIỆP PHẦN MỀM

Trao đổi bên lề một sự kiện gần đây về đào tạo nhân lực bán dẫn, PGS. TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, cho biết: “Tôi vẫn nhớ cách đây mấy năm chúng ta đã có chủ trương đẩy mạnh công nghiệp phần mềm nhưng dường như đã bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta vẫn chưa có những tập đoàn phần mềm tầm cỡ khu vực và thế giới. Hiện nay trong công nghệ phần mềm, chúng ta chủ yếu vẫn đang làm cho các công ty nước ngoài chứ chưa xây dựng được thương hiệu Việt Nam. Chúng ta cần tránh lặp lại sai lầm này và phát triển thương hiệu Việt Nam trong ngành bán dẫn”

Theo PGS. TS. Vũ Hải Quân, đối với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, Việt Nam có nguy cơ lớn bỏ lỡ cơ hội này. Đối với dự án nhân lực, điều quan trọng là đào tạo nhân lực không chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu của ngành bán dẫn trong nước mà còn phải đáp ứng yêu cầu của hệ sinh thái toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều kỹ sư Việt Nam tại các tập đoàn lớn quốc tế sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Năm nay, Đại học quốc gia TP. HCM đã mở nhóm ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, trước đây ngành học này nằm ở trong Khoa Điện tử Viễn thông. Cụ thể, Đại học Quốc gia TP. HCM mở nhóm ngành Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn của ba trường thành viên, là Trường ĐH Bách khoa, trường ĐH KHTN (trình độ đại học, thạc sĩ) và trường ĐH Công nghệ thông tin (trình độ đại học).

PGS. TS. Vũ Hải Quân cho biết khi mở một ngành mới như vậy, trường gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là thiếu đội ngũ giảng viên, vì vậy trường đã có chương trình thu hút các tiến sĩ trẻ, các nhà khoa học đầu ngành về công tác, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ bán dẫn. 

Khó khăn thứ hai liên quan đến chương trình đào tạo. “Do là ngành mới, chúng tôi phải tham khảo nhiều chương trình của nước ngoài và mời doanh nghiệp đóng góp ý kiến để cập nhật, đổi mới chương trình”, ông Vũ Hải Quân nói và  cho biết khó khăn thứ ba là về cơ sở vật chất, trong đó các hệ thống phòng thí nghiệm phải gắn với thực tiễn của doanh nghiệp.

Được biết, tổng chỉ tiêu nhóm ngành liên quan đến vi mạch và công nghệ bán dẫn của Đại học Quốc gia TP. HCM năm nay là khoảng hơn 200 chỉ tiêu cho đại học và khoảng 50 chỉ tiêu sau đại học.

Đại học Quốc gia TP. HCM đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á về công nghệ bán dẫn. Chiến lược này sẽ chỉ thành công nếu có sự đầu tư của nhà nước và đồng hành của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo PGS. TS. Vũ Hải Quân, sự đầu tư của nhà nước là yếu tố quyết định bởi vì lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn cho hệ thống trang thiết bị và phần mềm. “Nếu không tận dụng cơ hội này, chúng ta có thể bỏ lỡ lần nữa như đã từng với ngành công nghiệp phần mềm”, PGS. TS. Vũ Hải Quân nói.

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, các trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu doanh nghiệp và thực tiễn. Đồng thời, cần có đội ngũ giảng viên chất lượng và các chính sách hỗ trợ như nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP ĐỂ SINH VIÊN HIỂU VÀ CHỌN NGÀNH PHÙ HỢP, TRÁNH HỌC THEO TRÀO LƯU

Đáng chú ý, PGS. TS. Vũ Hải Quân cho rằng đã có một sự chuyển biến hết sức tích cực trong nhận thức của người dân, đặc biệt là học sinh và sinh viên, về cơ hội trong ngành công nghệ bán dẫn. 

“Khi trò chuyện với các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong ngành bán dẫn, tôi nhận thấy họ cũng chia sẻ sự lạc quan tương tự”, PGS. TS. Vũ Hải Quân nói và chia sẻ một câu chuyện ông rất tâm đắc.

“Một chuyên gia trong ngành thiết kế vi mạch bán dẫn đã chia sẻ rằng khi anh về nhà và nói chuyện với mẹ và vợ về công việc của mình, không ai hiểu anh đang làm gì. Điều này giống như khi mọi người nhìn thấy một chiếc iPhone hiện đại với camera đẹp nhưng ít ai hiểu được công đoạn chế tạo phức tạp đằng sau đó”, ông cho biết.

Tuy nhiên, gần đây, nhận thức của mọi người đã thay đổi nhờ sự thành công nổi bật của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong ngành chip bán dẫn. Mọi người bắt đầu nhận ra rằng ngành công nghệ bán dẫn thực sự tạo ra giá trị thặng dư rất lớn. Mặc dù vậy, thay đổi này mang lại hai chiều hướng.

PGS. TS. Vũ Hải Quân cho rằng đã có một sự chuyển biến hết sức tích cực trong nhận thức của người dân, đặc biệt là học sinh và sinh viên, về cơ hội trong ngành công nghệ bán dẫn. 
PGS. TS. Vũ Hải Quân cho rằng đã có một sự chuyển biến hết sức tích cực trong nhận thức của người dân, đặc biệt là học sinh và sinh viên, về cơ hội trong ngành công nghệ bán dẫn. 

Về mặt tích cực, PGS. TS. Vũ Hải Quân cho biết nhiều sinh viên giỏi bắt đầu quan tâm và theo học ngành này. Tại Đại học Quốc gia TP. HCM, ngành công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch hiện nay có điểm chuẩn thuộc hàng tốp, với điểm chuẩn đánh giá năng lực là 900 điểm. 

“Nhưng mặt chưa tích cực là có nguy cơ xuất hiện trào lưu. Các trường đại học đang dần mở thêm nhóm ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, cũng như các nhóm ngành liên quan, thu hút nhiều bạn trẻ theo học. Nếu không có sự phân ngành, định hướng nghề nghiệp và tư vấn nghề nghiệp rõ ràng, các bạn sinh viên sau một thời gian học có thể sẽ cảm thấy không phù hợp và bỏ lỡ cơ hội, ảnh hưởng đến tương lai của mình”, PGS. TS. Vũ Hải Quân nói.

Do đó, PGS. TS. Vũ Hải Quân cho rằng việc truyền thông về ngành thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian qua rất tốt, nhưng điều quan trọng là cần có những định hướng và tư vấn rõ ràng để đảm bảo sinh viên hiểu rõ và chọn ngành phù hợp với khả năng và đam mê của mình.