10:19 02/04/2024

Đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2025

Bảo Bình

Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025. Singapore và Indonesia hiện đang chiếm phần lớn nguồn tài trợ vốn khởi nghiệp nhưng Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh trong dài hạn...

Trong thập kỷ qua, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đông Nam Á trở thành kỳ lân ngày càng tăng. Điều này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả nguồn tài trợ mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và thị trường tầng lớp trung lưu được trang bị các kỹ năng kỹ thuật số gia tăng.

THẾ GIỚI KHỞI NGHIỆP SẼ TRỞ NÊN THÚ VỊ HƠN TẠI ĐÔNG NAM Á

Khoảng 25% kỳ lân ASEAN là những startup thuộc lĩnh vực fintech, 20% trong thương mại điện tử, 11% trong lĩnh vực hậu cần logistics và 8% trong lĩnh vực Internet/công nghệ nói chung. Theo hãng nghiên cứu CB Insights, tính đến tháng 2/2023, ASEAN có 52 kỳ lân. Năm 2021 là năm có số lượng công ty khởi nghiệp đạt trạng thái kỳ lân cao nhất, với 19 unicorn, bao gồm Ninja Van và Carro của Singapore và MoMo của Việt Nam.

Trên toàn cầu, tính đến tháng 2/2023, có hơn 1.200 kỳ lân trên khắp thế giới. Vì vậy, nhìn chung, khu vực Đông Nam Á vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn, đặc biệt khi lượng khán giả kỹ thuật số tiếp tục mở rộng trong khu vực.

Trước đó 10 năm, vào năm 2013, Đông Nam Á có một công ty khởi nghiệp đạt đến trạng thái kỳ lân và Mỹ có 39 công ty khởi nghiệp kỳ lân. Thế giới công nghệ đã đi được một chặng đường rất dài và sẽ trở nên thú vị hơn kể từ đây tại Đông Nam Á. 

Theo Báo cáo Đánh giá Kỹ năng số và vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNTT-TT ASEAN mới được Hội nghị Bộ trưởng ASEAN số (ADGMIN) công bố, nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025.

So sánh giữa các nước ASEAN, Singapore và Indonesia đang chiếm phần lớn nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ở ASEAN. Nhưng điều này có thể thay đổi. Một cuộc khảo sát lớn gần đây được thực hiện bởi Google, Temasek và Bain and Company cho thấy Việt Nam, Indonesia và Philippines kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp trong dài hạn, từ năm 2025 đến 2030.

MÔI TRƯỜNG KỸ NĂNG SỐ VÀ HẠ TẦNG SỐ MẠNH MẼ LUÔN THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Năm 2022, Việt Nam được xem là "trụ cột thứ ba trong tam giác vàng" của hệ sinh thái startup Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia. Việt Nam nổi bật với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thị trường giao đồ ăn và sự hiện diện trực tuyến đáng kể.

Vinnie Lauria, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, đánh giá rằng Việt Nam có lực lượng nhân tài công nghệ hàng đầu và "nền văn hóa khởi nghiệp cao". Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã thu hút sự đầu tư lớn, với 731 triệu USD được đầu tư vào năm 2019, vượt qua cả Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Việt Nam cũng là một thị trường hứa hẹn với sự tham gia mua sắm trực tuyến của phần lớn người dùng Internet và tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh cao. Các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Shopper, Lazada, Tiki và Sendo thu hút vốn đầu tư đáng kể từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Singapore.

Ngành giao đồ ăn tại Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ, với dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến đạt tổng trị giá 274 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 505 triệu USD vào năm 2024. Các công ty như GrabFood, Now, GoFood của Go Viet, Lala và Foodpanda đều đang cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành này.

Nguồn: Báo cáo Đánh giá Kỹ năng số và vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNTT-TT ASEAN
Nguồn: Báo cáo Đánh giá Kỹ năng số và vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNTT-TT ASEAN

Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của ASEAN tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài vào khu vực, Báo cáo đề xuất các biện pháp  thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm tập trung vào việc nâng cao kỹ năng số, triển khai dịch vụ chính phủ điện tử, cải thiện dịch vụ viễn thông, và phát triển hệ thống pháp lý và khu vực hóa số. Đặc biệt, việc thúc đẩy mức độ trưởng thành số được xem là rất quan trọng, vì nó không chỉ là thước đo mà còn là công cụ để thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái số của quốc gia.

Mức độ trưởng thành số là yếu tố then chốt, vừa giúp đánh giá mức độ tiên tiến của một quốc gia trong việc sử dụng công nghệ số, vừa là công cụ để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp số. Nghiên cứu này cũng nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về mức độ trưởng thành số của các quốc gia ASEAN, vì các công ty khởi nghiệp số có nhiều cơ hội phát triển ở những quốc gia mà có nhiều người dùng công nghệ số và cơ sở hạ tầng số phát triển. Những quốc gia với môi trường kỹ năng số cao và hạ tầng số mạnh mẽ luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.