Đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm nhẹ trong viễn cảnh không chắc chắn
Đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm nhẹ giữa một viễn cảnh ngày càng không chắc chắn, theo Báo cáo hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022 phát hành mới đây…
Trong 9 tháng đầu năm 2022, đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam chứng kiến sự giảm nhẹ so với năm 2021, tuy nhiên vẫn duy trì như mức độ trước đại dịch Covid-19. Tổng số vốn đầu tư được rót đã giảm 17,9%, trong khi đó số lượng thương vụ giảm 13%. Đặc biệt quý 3 năm 2022, đầu tư vào công nghệ Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Điều này đặt ra những thách thức cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong quý 4 với bối cảnh suy thoái toàn cầu đang rình rập.
Chia sẻ trong báo cáo của BambuUp, bà Lê Hoàng Uyên Vỵ, giám đốc điều hành Do Ventures cho biết, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ khó tránh khỏi những thách thức. Chính vì vậy các startup cần chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn khó khăn sắp tới.
Theo bà Uyên Vy, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi đánh giá một công ty, họ sẽ không chỉ nhìn vào con số doanh thu mà sẽ xem xét kỹ lường các chỉ số liên quan đến unit economics (đơn vị kinh tế) cho thấy khả năng tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, trước những thăng trầm của kinh tế thế giới, bức tranh đầu tư công nghệ tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn cho thấy sự bền bỉ, bà Vy đánh giá. So với cùng kỳ của năm 2021 kỷ lục, tổng giá trị đầu tư và số lượng thương vụ đầu tư giảm nhẹ lần lượt ở mức 17,9% và 13%.
Nguồn vốn chảy vào các công ty giai đoạn sau được duy trì tương đương năm 2021, trong đó vòng series B ghi nhận mức kỷ lục cả về giá trị đầu tư và số lượng thương vụ.
Bán lẻ vẫn là ngành nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình thương mại điện tử. Dịch vụ tài chính nổi lên xếp thứ hai với một số mô hình nổi bật như quản lý tài chính cá nhân, bảo hiểm hay ứng lương linh hoạt…”Về tổng thể, nền kinh tế số của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn phát triển nhanh trong khu vực”, giám đốc điều hành Do Ventures cho biết.
Cũng theo bà Uyên Vy, trong bối cảnh gọi vốn khó khăn, các startup có cơ hội để đi chậm lại nhưng tăng trưởng theo cách bền vững hơn. Khi áp lực cạnh tranh để gọi vốn giảm đi, các công ty có thể tập trung vào xây dựng sản phẩm thật tốt thay vì tiêu tốn nguồn lực để tăng trưởng thần tốc. “Do đó, các startup vượt qua được giai đoạn thử thách phía trước sẽ khẳng định được vị trí vững vàng trên thị trường”, bà Uyên Vy khẳng định.