09:52 08/06/2024

Doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế xanh

Bảo Bình

Nhật Bản đã đối mặt khủng hoảng năng lượng và môi trường nghiêm trọng trong những năm 1970 và 1980. Họ có công nghệ, có năng lực mạnh mẽ và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, vì "không ai có thể làm mọi thứ một mình"...

Các công ty Nhật Bản có công nghệ, có mô hình kinh doanh, dịch vụ mạnh mẽ và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt trong các vấn đề về thúc đẩy kinh tế xanh. Ảnh minh họa
Các công ty Nhật Bản có công nghệ, có mô hình kinh doanh, dịch vụ mạnh mẽ và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt trong các vấn đề về thúc đẩy kinh tế xanh. Ảnh minh họa

Ngày 7/6, Văn phòng JETRO Hà Nội phối hợp với Ủy ban Dịch vụ Thông tin Doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã tổ chức sự kiện “Japan Business Pitch Vol.1”. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã giới thiệu các hoạt động kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới với mong muốn kết nối, hợp tác cùng các đối tác Việt Nam.

Nhân dịp này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật BẢn (JETRO), về những thách thức và mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam, cũng như cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Tổ chức sự kiện ngày hôm nay, Jetro và các doanh nghiệp Nhật bản kỳ vọng điều gì, thưa ông?

Đầu tiên, chúng tôi muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường sự hiện diện hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Có rất nhiều công ty nổi tiếng của Nhật Bản như Honda, Toyota tại Việt Nam nhưng cũng có hàng trăm công ty xuất sắc khác song chưa được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết đến, trong đó có Misumi, Meiko Electronics và cả Mitsubishi Heavy Industries... 

Vì thế, chúng tôi nhắm tới mục tiêu tăng cường tương tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như giữa doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam muốn biết thêm về doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn mở rộng nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự tương tác, kết nối B2B trong nước. Việt Nam đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất mạnh, kết quả xuất nhập khẩu rất tốt nhưng tính tương tác doanh nghiệp trong nội bộ ngành chưa mạnh. 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên tục tổ chức các hoạt động kết nối kinh doanh và triển lãm thương mại. 

Vậy các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp những vướng mắc gì mong muốn được tháo gỡ để có thể kinh doanh thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam?

Có một số khó khăn nhất định liên quan đến chất lượng và số lượng cũng như kế hoạch sản xuất. Chẳng hạn, về mặt chất lượng, khi phía Nhật Bản yêu cầu một mức độ chất lượng sản phẩm cụ thể, các công ty Việt Nam đã và đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách này nhưng vẫn còn một khoảng cách nhỏ giữa cung và cầu.

 
Việc Việt Nam đang thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giảm thuế là những yếu tố tác động lớn với các doanh nghiệp", ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật BẢn (JETRO).
 

Việc Việt Nam đang thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giảm thuế là những yếu tố tác động lớn với các doanh nghiệp", ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật BẢn (JETRO).

Trong khoảng trống này, có rất nhiều công ty có khả năng cung cấp các sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Ngay cả giữa các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, vấn đề này cho thấy rằng giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam vẫn còn tồn tại một khoảng cách nhất định.

Về số lượng, một số công ty Việt Nam có thể sản xuất ra sản phẩm rất tốt trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi cần duy trì chất lượng sản phẩm trong thời gian dài, chất lượng có thể bị giảm sút. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc đặt hàng. Các công ty mong muốn sản phẩm đạt đồng thời cả về số lượng và chất lượng.

Thời gian đặt hàng cũng là một thách thức. Do đó, ba yếu tố cơ bản cần đáp ứng trong sản xuất là chất lượng, số lượng và thời gian của đơn hàng. Điều này đòi hỏi sự đổi mới và cải tiến liên tục từ phía các công ty. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác như tình hình tài chính, mạng lưới kinh doanh….

Được biết, nhằm mục đích kết nối giao thương, tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, trên mọi lĩnh vực, JETRO đã không ngừng triển khai các hoạt động tương tác dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy ông có thể cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất đến những vấn đề gì khi kinh doanh tại Việt Nam?

Các công ty Nhật Bản có nhiều mối quan tâm khác nhau, tùy thuộc vào mục đích, ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh của họ. Chẳng hạn, nếu mục đích của công ty là xuất khẩu thì họ sẽ nhập sản phẩm và nguyên liệu, sau đó lắp ráp, sản xuất rồi xuất khẩu. Trong trường hợp đó, chi phí và môi trường kinh doanh ổn định là những yếu tố rất quan trọng. 

Những công ty nhắm đến thị trường nội địa thì điều quan trọng là nhu cầu khách hàng. Trong sự kiện này, Morinaga Nutritional Foods Vietnam sẽ giới thiệu các sản phẩm thực phẩm ăn kiêng mới, và họ cho rằng thị trường Việt Nam đang tăng trưởng ổn định và sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước láng giềng ASEAN khác.

Những công ty như Morinaga nhắm đến thị trường sẽ chú trọng hơn vào sự tăng trưởng của thị trường và những công ty đang nhắm đến xuất khẩu, sẽ chú trọng về môi trường kinh doanh, điều kiện kinh doanh …

Đối với những công ty khác, các vấn đề về chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng điện, nước và môi trường kinh doanh là những điều cần lưu ý. Ngoài ra, việc Việt Nam đang thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giảm thuế cũng là những yếu tố tác động lớn với các doanh nghiệp. 

Những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của mối hợp tác này, đặc biệt trong việc thực hành kinh tế xanh? 

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế xanh dưới nhiều hình thức như ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng, hay tái chế năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. 

Tôi tin rằng các công ty Nhật Bản có công nghệ, có mô hình kinh doanh và dịch vụ mạnh mẽ trong lĩnh vực này, bởi vì Nhật Bản đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và các vấn đề môi trường nghiêm trọng trong những năm 1970 và 1980.

Chúng tôi đã trải qua và giải quyết những vấn đề đó và tôi tin rằng chúng tôi đã khắc phục được một số vấn đề. Vì vậy, chúng tôi có năng lực mạnh mẽ trong việc triển khai năng lượng xanh, các sản phẩm và dịch vụ hiệu quả, bảo tồn và tái chế năng lượng. 

 

"Tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực kinh tế xanh nhưng để triển khai thành công thì rất cần có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Rõ ràng chúng ta không thể làm mọi thứ một mình".

Chúng tôi cũng muốn giới thiệu các chất liệu, vật liệu thân thiện với môi trường vào thị trường Việt Nam. Và như vậy, chúng tôi cần các công ty Việt Nam hợp tác để áp dụng công nghệ, sản phẩm vào thị trường. Hiện nay, nhìn chung giá thành sản phẩm vẫn còn khá cao do nhiều vấn đề như chi phí kinh doanh, vận chuyển…. Các công ty Nhật muốn giảm chi phí và muốn đưa sản phẩm vào Việt Nam, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tìm cách giảm giá thành, đưa dịch vụ của mình vào thị trường. 

Tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực kinh tế xanh nhưng để triển khai thành công thì rất cần có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Rõ ràng chúng ta không thể làm mọi thứ một mình. 

Liên quan đến những hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong các vấn đề về năng lượng xanh, thúc đẩy kinh tế xanh, ông có những đề xuất gì với chính phủ Việt Nam để có thể hiện thực hóa cơ hội và thành công trong các mục tiêu kinh tế xanh?

Tôi nghĩ trước tiên chính phủ Việt Nam có thể đặt ra một số chiến lược hoặc mục tiêu cụ thể, cần thực hiện vào cuối năm 2030 hoặc 2035, 2040. Chẳng hạn như chúng ta cần đạt được các mục tiêu trong lĩnh vực chất lượng nước hoặc chất lượng không khí, tiết kiệm năng lượng, điện hoặc những mục tiêu chi tiết hơn, thiết lập vào một thời gian gần hơn. 

Việt Nam đã có một mục tiêu rất mạnh mẽ, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện tại, mục tiêu đó khá xa và khá rộng về mặt thời gian. Để đạt được điều đó, cần chia thành nhiều danh mục chi tiết hơn, như mục tiêu về nước, điện, tiếng ồn, không khí hoặc giảm tắc nghẽn giao thông, …. 

Đặt ra những mục tiêu chi tiết và từ đó khuyến khích hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hướng tới những mục tiêu cụ thể đó. Ví dụ như những công ty đang cố gắng có các hành động kinh doanh xanh hơn, xây dựng nhiều tòa nhà xanh hơn, họ có thể nhận được một số trợ cấp hoặc giảm thuế hoặc một chính sách ưu đãi nào đó. Nghĩa là, tôi muốn nhấn mạnh về những mục tiêu cụ thể, chi tiết hơn, để từ đó dần đạt được những mục tiêu rộng lớn hơn.