07:00 15/11/2022

Đông Nam Á: Những đổi mới công nghệ đơn giản nhưng giải quyết các vấn đề lớn

Bảo Ngọc

Bằng cách bản địa hóa một số sáng kiến và sử dụng nguồn lực sẵn có, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra các giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề mà hàng triệu người dân trong khu vực đang phải đối mặt…

Người ta thường nói rằng sáng tạo là nghĩ ra những điều mới, còn đổi mới là thực hiện những điều mới. Trong bối cảnh thế giới ngày càng tập trung vào các công nghệ tiên tiến và những gã khổng lồ tại thung lũng Silicon luôn dùng từ "sáng tạo" cho mỗi sản phẩm được phát hành, có lẽ chúng ta đã hiểu sai định nghĩa cơ bản của từ này.

Đổi mới không nhất thiết phải là một công nghệ đột phá hay một giải pháp được thiết kế quá cầu kỳ. Thông thường, đó là giải pháp đơn giản nhất để giải quyết các vấn đề khó khăn nhất. 

Với tổng dân số hơn 683 triệu người và những thách thức to lớn trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải và thực phẩm, Đông Nam Á độc đáo ở chỗ các giải pháp cho một số vấn đề ở một quốc gia cũng thường xuyên được nước bạn láng giềng áp dụng.

Dưới đây là một số ví dụ nổi bật về cách người dân Đông Nam Á đưa ra các giải pháp sáng tạo giải quyết thách thức trong nhiều lĩnh vực/ ngành công nghiệp. KrASIA làm rõ thông điệp, đổi mới không có nghĩa là tạo ra điều tốt nhất,  đôi khi đó là xác định rõ một vấn đề và giải quyết bằng các nguồn lực sẵn có.

VERTICAL FARMING — SINGAPORE

Là một quốc gia khan hiếm đất đai với ít tài nguyên thiên nhiên, Singapore hiện sản xuất ít hơn 10% lương thực tiêu thụ toàn quốc. Trong một quốc đảo nhỏ bé đầy những tòa nhà chọc trời, Singapore đã thực hiện giải pháp rất đơn giản: xây dựng những khu vườn trên mái nhà hoặc vườn treo bên ngoài các tòa nhà, được gọi là “canh tác theo chiều dọc” hay “trang trại thẳng đứng”. Các công ty như Sky Greens đang đi đầu trong ngành công nghiệp này, tuyên bố hệ thống canh tác theo chiều dọc của họ mang lại sản lượng trên một đơn vị diện tích cao gấp năm đến mười lần so với các trang trại truyền thống ở Singapore.

TRỒNG VI TẢO BẰNG KHÍ THẢI CARBON (CO2) — THÁI LAN

Ở một đất nước cũng tràn ngập các tòa nhà cao tầng và không gian mái trống, EnerGaia, một công ty khởi nghiệp công nghệ sạch của Thái Lan, đã quyết định sử dụng không gian có sẵn để trồng vi tảo bằng khí thải carbon. Vi tảo vừa là nguồn năng lượng sinh học đầy tiềm năng vừa có giá trị dinh dưỡng cao.

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Quốc tế Maejo về Truyền thông Môi trường và Năng lượng nhận định rằng việc bổ sung CO2 trong quá trình trồng vi tảo thực sự khiến loài này phát triển nhanh hơn. Quá trình cũng góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính.

CHAI ĐÈN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI - PHILIPPINES

Đối với các thị trấn nhỏ và thiếu thốn cơ sở hạ tầng điện, gần như Philippines đã không thể phát triển một giải pháp đơn giản và hiệu quả nào để cung cấp đủ ánh sáng, cho đến khi doanh nghiệp xã hội Liter of Light xuất hiện. Dự án chiếu sáng năng lượng mặt trời sử dụng chai nhựa tái chế chứa đầy dung dịch nước và thuốc tẩy, đặt trên mái nhà, giúp phân tán ánh sáng mặt trời vào một khoảng không gian nhất định. Vào ban đêm, chai chạy bằng pin năng lượng mặt trời sẽ chiếu sáng phục vụ sinh hoạt người dân.

Liter of Light làm việc với các tình nguyện viên để dạy người dân địa phương cách tự sản xuất và lắp đặt các chai nhựa. Hơn 145.000 hộ gia đình đã được hưởng lợi từ giải pháp sáng tạo này, với tiềm năng giúp đỡ hơn 125 triệu người trên khắp Đông Nam Á sống ngoài lưới điện năng lượng.

LƯỚI ĐIỆN SIÊU NHỎ TÍCH HỢP — MYANMAR

Myanmar là một trong những quốc gia có tỷ lệ điện khí hóa thấp nhất ở châu Á (chỉ  khoảng 56%). Điều này chủ yếu là do nhiều người dân Myanmar sống ở các vùng nông thôn  không có quyền truy cập vào lưới điện chính. Để giải quyết vấn đề này, Yoma Micro Power có trụ sở tại Singapore đã nảy ra một ý tưởng sáng tạo đó là thiết kế và phát triển lưới điện siêu nhỏ, còn được gọi là những nhà máy điện phi tập trung tạo ra nguồn điện tại địa phương.

96% năng lượng thu được thông qua các tấm pin mặt trời, nhưng mỗi lưới điện cũng được trang bị một máy phát điện diesel đóng vai trò dự phòng khi không có đủ ánh nắng. Ngoài việc cung cấp nguồn năng lượng, lưới điện siêu nhỏ còn tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn 22,5 tấn khi sản xuất cùng một lượng điện như một máy phát điện diesel.

Yoma Micro Power đã giúp cung cấp điện cho hơn 25.000 người dân tính đến năm 2022.

LỜI KẾT

Có thể thấy, nhiều giải pháp đơn giản cho các vấn đề gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trên khắp Đông Nam Á đang được phát triển mỗi ngày. Chỉ khi chúng ta nhận ra rằng những ý tưởng sáng tạo không cần phải cầu kỳ hay phức tạp, chúng ta mới có thể bắt đầu giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng nguồn lực sẵn có, thay vì chi hàng triệu USD cho định nghĩa giải pháp “đột phá”.