14:40 19/12/2022

Dòng vốn rót vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam dự kiến đạt 5 tỷ USD từ 2023-2025

Bảo Bình

39 quỹ đầu tư cam kết rót 1,5 tỷ USD vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong 3 năm 2023-2035. Dự kiến, tổng số vốn đầu tư khởi nghiệp giai đoạn này sẽ đạt 5 tỉ USD...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Ngày 19/12/2022 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”.

Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là hội nghị thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures đồng tổ chức, nhằm kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực.

TỔNG GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO VIỆT NAM SẼ ĐẠT 5 TỈ USD 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD (năm 2019) lên 815 triệu USD (năm 2020). Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD. Điều này cho thấy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực.

Và tại diễn đàn ngày hôm nay, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023-2035 là 1,5 tỉ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỉ USD.

Việt Nam hiện được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á và sự trỗi dậy của đất nước nhỏ bé này là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á. Các quỹ đầu tư cũng đồng thời đóng vai trò như các đơn vị ươm tạo, tăng tốc cho nhiều startup. Các quỹ đã hỗ trợ toàn diện cho các startup về nguồn hỗ trợ tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho startup Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn.

Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo…

Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Trong bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu, vị thế của Việt Nam trong khu vực, những tác động của Covid-19 và xu hướng các quỹ đầu tư phát triển mạnh đã tạo ra bối cảnh thuận lợi để Việt Nam chiếm vị trí nổi bật.

ĐÔNG NAM Á ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG DÙ TỔNG GIÁ TRỊ ĐẦU TƯ GIẢM SÚT

Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý 3/2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý 2/2022.

Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet - với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng internet lên 460 triệu người.

Nhiều quỹ đầu tư quốc tế đánh giá khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư mạo hiểm.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2022 từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự cởi mở đối với thương mại, trình độ giáo dục ngày càng cao, lực lượng lao động cũng ngày càng lành nghề, dân số trẻ, khả năng cơ động cao kết hợp của chuỗi cung ứng khu vực đã biến Đông Nam Á trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn trong các lĩnh vực khác nhau như điện tử, ô tô, dược phẩm và dệt may, đồng thời là điểm nóng cho đổi mới kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á đã tham gia nhiều thỏa thuận thương mại và đều mang lại cơ hội lớn để vươn tới cả ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, cùng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư ASEAN ký kết gần đây, được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy FDI trong khu vực bền vững hơn trong trung và dài hạn.