EdTech Việt Nam: Sân chơi sôi động đang thu hút hàng loạt “ông lớn” nước ngoài
Thị trường EdTech Việt đang là “miếng bánh béo bở” với các hãng EdTech nước ngoài nhờ dân số lớn, mức đầu tư cho giáo dục cao và thị trường đối mặt với nhiều “điểm đau” cần tháo gỡ …
Sách Trắng EdTech 2024 cho biết Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng EdTech nhanh nhất thế giới và top 3 quốc gia EdTech tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Việt Nam), chiếm 20% tổng số EdTech toàn khu vực, trong đó phải kể đến các tên tuổi lớn như Codegym, Azota, Teky, Clevai, Prep…
THỊ TRƯỜNG EDTECH VIỆT NAM ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CÓ “TIỀM NĂNG LỚN”
Đáng chú ý, sân chơi EdTech Việt đã có sự xuất hiện của nhiều sản phẩm EdTech nước ngoài. Trong năm 2023, các sản phẩm EdTech nước ngoài đã gia nhập thị trường Việt Nam có thể kể đến như Ielts Science, Global Exam… Ngoài ra, sản phẩm phần cứng và IoT phục vụ cho việc phát triển mô hình trường học thông minh cũng được cung cấp bởi nhiều công ty nước ngoài nổi tiếng như SamSung, ViewSonic,...
Nền tảng e-learning GetCourse có nguồn gốc tại Nga. Ông Dương Xuân Cường, phụ trách marketing của GetCourse Việt Nam, cho biết hiện tại ngoài Nga ra, GetCourse đã phát triển nhiều công ty con ở các nước khác như Ấn Độ và Tây Ban Nha. Được biết, tại khu vực Đông Nam Á, GetCourse đã lựa chọn Việt Nam làm thị trường tiên phong.
“Thị trường EdTech Việt Nam hiện là một trong những thị trường rất tiềm năng nên chúng tôi muốn đầu tư vào đây”, ông Dương Xuân Cường nói. GetCourse mới bắt đầu chính thức vào thị trường Việt Nam từ năm 2023 và ra mắt sản phẩm vào đầu năm 2024.
Là một công ty nghiên cứu và tư vấn EdTech của Hàn Quốc, Learning Spark cũng xuất hiện tại sự kiện EdTech Expo 2024 ngày 10/8 vừa qua. Bà Scarlet Min, phụ trách truyền thông quốc tế và là Điều phối viên toàn cầu của Learning Spark, cho biết mục tiêu chính của nền tảng này là kết nối người dùng EdTech với các trường học, các công ty EdTech cũng như các nhà nghiên cứu về EdTech.
Chưa chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, Learning Spark đang trong quá trình tìm hiểu và cũng đã có đối tác chiến lược tại thị trường Việt Nam. Bà Scarlet Min cũng cho biết Learning Spark có kế hoạch mở rộng kết nối và mạng lưới của mình tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Singapore, Malaysia và các quốc gia khác.
Lựa chọn Việt Nam, bà Scarlet Min cho biết “Việt Nam có dân số trẻ và rất quan tâm đến giáo dục”. Tuy vậy, một trong những rào cản khi Learning Spark gia nhập thị trường chính là ngôn ngữ. Ngoài ra, theo bà Scarlet Min, khoảng cách trong giáo dục và đầu tư vào giáo dục giữa các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành khác cũng là một đặc điểm đáng lưu ý.
Tuy vậy, đánh giá về thị trường EdTech Việt Nam, đại diện Learning Spark khẳng định: “Thị trường EdTech Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Ngay cả hôm nay, khi chúng tôi có một gian hàng tại EdTech Expo 2024, rất nhiều người đã đến và tìm hiểu. Thậm chí ở Việt Nam, có rất nhiều sản phẩm công nghệ mới đang xuất hiện”.
T.S Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết thị trường EdTech Việt Nam”vừa rộng lớn vừa ổn định” với khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên, 1,6 triệu giáo viên và 53.000 các trường mầm non, phổ thông trên cả nước cùng gần 400 trường đại học.
Công nghệ giáo dục đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong nền giáo dục hiện đại ở tất cả các cấp học hiện nay. Với tổng số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam khoảng 30 triệu (chiếm gần 30% dân số), lĩnh vực công nghệ giáo dục đã thu hút các startup phát triển nhiều sản phẩm EdTech mới và các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
“Điều đó cho thấy tiềm năng của thị trường EdTech rất lớn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp sáng tạo”, TS. Tô Hồng Nam nói.
Ngoài ra, thống kê của hãng nghiên cứu Bain & Company cũng cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường EdTech Việt Nam khi trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập khả dụng cho việc giáo dục con cái, so với mức 6%-15% ở các nước Đông Nam Á khác.
Hiện nay có khoảng 750 doanh nghiệp EdTech hoạt động tại Việt Nam, cung cấp đa dạng các sản phẩm thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ.
NHỮNG “ĐIỂM ĐAU” CỦA THỊ TRƯỜNG EDTECH VIỆT NAM
“Khi khảo sát tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng nhưng còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng như cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên sâu về EdTech”, đại diện GetCourse nói và cho biết hiện tại, các nhà đào tạo và giáo dục ở Việt Nam vẫn đang sử dụng những phần mềm và công cụ khá lỗi thời, chưa bắt kịp xu hướng toàn cầu, gây nhiều khó khăn trong việc vận hành các dự án đào tạo trực tuyến.
“Chẳng hạn, khi muốn phát video hoặc tổ chức các buổi webinar trực tuyến, các đơn vị phải dùng nhiều phần mềm khác nhau để tạo nội dung cho khóa học. Việc không tích hợp mọi thứ vào một nền tảng duy nhất khiến cho việc quản lý trở nên rất khó khăn”, ông Dương Xuân Cường nói.
Ngoài ra, bản quyền nội dung cũng được xem là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi phát triển nội dung cho sản phẩm EdTech Việt Nam. Nội dung trong sản phẩm EdTech cần đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, uy tín, và đơn vị sử dụng nội dung được cấp quyền sử dụng hợp pháp.
Theo chia sẻ của đại diện GetCourse, hiện nay, nhiều nội dung giảng dạy, giáo dục đang bị vi phạm bản quyền. “Có rất nhiều cách để ăn cắp chất xám của các nhà đào tạo giáo dục, và nhiều nhà giáo dục chưa bảo vệ được nội dung của mình. Hệ quả là khi nội dung được bán cho một người, có thể 10 người khác cũng học được, nội dung có thể phổ biến nhưng không đem lại lợi ích kinh tế cho người tạo ra. Điều này không chỉ làm cho việc bảo vệ bản quyền trở nên khó khăn hơn mà còn khiến các nhà giáo dục và đào tạo trực tuyến bị mất đáng kể doanh thu, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo”, ông Dương Xuân Cường nói..
Chính vì vậy, đại diện GetCourse kỳ vọng giải pháp của GetCourse có thể giúp giải quyết những “điểm đau” của các nhà đào tạo và giáo dục Việt Nam đang gặp phải. Ngoài ra, GetCourse cũng mong muốn góp phần phát triển mạnh mẽ lĩnh vực đào tạo và giáo dục trực tuyến tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Sách Trắng EdTech 2024, vấn đề chất lượng nội dung cũng cần được lưu ý. Nội dung trong sản phẩm giáo dục cần phù hợp cả về kiến thức, văn hóa, tâm lý với từng đối tượng người học. Do đó, cần có hội đồng, chuyên gia cố vấn về nội dung. Nếu nội dung dành cho cấp phổ thông và đại học thì cần tuân thủ các quy định về kiểm định chất lượng của Nhà nước, tránh phát sinh các hệ lụy về pháp lý sau này.
Đối với kinh doanh quảng cáo số, quản lý nội dung quảng cáo trong sản phẩm cần chú ý không để nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật, phản cảm, phản giáo dục xuất hiện trong sản phẩm EdTech. Vì vậy, các công ty EdTech cần giảm thiểu quảng cáo trong cơ cấu nguồn doanh thu từ sản phẩm EdTech, thay vào đó tìm cách phát triển các mô hình kinh doanh bền vững và mang lại giá trị nhiều hơn cho người dùng.