08:43 12/08/2023

Giải bài toán thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ từ thảo dược trong trường học

Vũ Khuê

Thị trường dược liệu Việt Nam rất tiềm năng, tuy nhiên thương mại hóa các công nghệ phát triển vùng trồng dược liệu đạt chuẩn vẫn còn nhiều rào cản…

Việt Nam có nguồn thảo dược thiên nhiên phong phú, với hơn 5.000 loài cây thuốc.
Việt Nam có nguồn thảo dược thiên nhiên phong phú, với hơn 5.000 loài cây thuốc.

Chia sẻ tại buổi công bố chương trình “Ươm tạo doanh nghiệp và giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu” (S-HERB CSK), bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần KisStartup, cho biết quy mô thị trường dược liệu toàn cầu năm 2022 là 168,86 tỷ USD, dự tính đạt trị giá 437,59 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam là quốc gia có nguồn thảo dược thiên nhiên phong phú và giàu có với hơn 5.000 loài cây thuốc đã được dùng trong y học cổ truyền, y học dân gian từ hàng nghìn năm.

Thị trường dành cho các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đang phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Dự kiến xuất khẩu dược phẩm Việt Nam ra nước ngoài thời gian tới tăng mạnh. Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường dược phẩm và thảo dược Việt Nam.

THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỌC CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Song hiện chúng ta lại chưa có được điều kiện thuận lợi để phát triển tương xứng với tiềm năng nguồn tài nguyên giàu có này.

Một trong những nguyên nhân, đó là có nhiều rào cản khi đưa kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ từ thảo dược của các nhà khoa học ra thị trường, chuyển hoá tài sản tri thức, trí tuệ thành các giá trị thực tiễn, hữu ích phục vụ cho cộng đồng và xã hội.

Giải bài toán thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ từ thảo dược trong trường học  - Ảnh 1

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó trưởng Ban khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, có nhiều cách thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ. Trong đó, phương thức thành lập doanh nghiệp trong trường đại học lợi ích rất nhiều như: Phát huy tối đa tài sản trí tuệ, thu hút được đầu tư có trách nhiệm cũng như có được sự cam kết lâu dài, đặc biệt có sự tái đầu tư cho con người.

Nhưng việc phát triển doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu ở trường đại học còn rất nhiều khó khăn do gặp phải những rào cản về luật pháp, chất lượng nghiên cứu còn hạn chế, nhân lực sẵn sàng cho nhiệm vụ này còn thiếu và yếu. Đặc biệt xã hội, nhất là khối doanh nghiệp chưa thực sự “mặn mà” với phương thức này.

Bên cạnh đó, chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, do số lượng ít nhưng kết quả kinh doanh lại khiêm tốn, chưa tạo ra được hiệu ứng lan tỏa trong hoạt động khoa học và công nghệ ở khối trường đại học.

Mặc dù vậy, ông Vũ Tuấn Anh vẫn lạc quan cho rằng thành lập doanh nghiệp trong trường đại học vẫn có nhiều triển vọng, do xu hướng phát triển tất yếu trong các trường đại học nghiên cứu. Hơn nữa có sự quan tâm về mặt chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ...

Một số trường đại học đã quan tâm thực sự, coi đây là một trọng tâm trong chiến lược phát triển, đã và đang đóng vai trò mở đường cho hoạt động này tại Việt Nam.

Giải bài toán “điểm nghẽn cơ chế” khi thành lập doanh nghiệp trong trường đại học, ông Vũ Tuấn Anh cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với hơn 10 trường đề xuất thí điểm chính sách nhằm đổi mới cơ chế.

Cụ thể, thí điểm cho viên chức sang làm quản lý doanh nghiệp, cho phép nhà khoa học trực tiếp sử dụng tài sản trí tuệ vì khâu này đang rất nghẽn ở định giá, nên đề nghị có cơ chế để định giá tài sản trí tuệ nhằm thống nhất giữa doanh nghiệp và nhà trường… “Khi chính sách thí điểm được đưa vào thực hiện thì chắc chắn có nhiều doanh nghiệp ra đời”, ông Vũ Tuấn Anh khẳng định.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh bổ sung, 70% nhà khoa học mong muốn hợp tác với doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm cuối.

Để đưa được sản phẩm ra thị trường rất khó khăn. Giữa doanh nghiệp và nhà khoa học vẫn còn khoảng cách, sự khác biệt về tư duy đang tồn tại. Vấn đề cần giải quyết của nhà khoa học khác với doanh nghiệp, nên hai bên không gặp được nhau. Vì thế cần tìm hiểu xem doanh nghiệp đang có vấn đề gì và nhà khoa học giải quyết được gì?.

Bên cạnh đó, tính hữu dụng của sản phẩm nghiên cứu trong kinh doanh và vận hành doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp quan tâm nhất là tiền bạc, thời gian, nhân lực. Còn nhà khoa học quan tâm kết quả nghiên cứu đang ở vị trí nào, ai nghiên cứu chưa, tính mới ra sao. Đây chính là sự khác biệt giữa hai bên. Do đó, CEO KisStartup cho rằng cần có khoá học, tập huấn về thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu, nhằm rút ngắn khoảng cách tư duy giữa hai bên.

RA ĐỜI MÔ HÌNH “ƯƠM” TẠO DOANH NGHIỆP

Theo PGS. TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, các sản phẩm nghiên cứu từ dược liệu có thể là thuốc, thực phẩm chức năng là tiềm lực, thế mạnh của nhiều trường Đại học Y dược, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học công nghệ… và được sự hỗ trợ của các chuyên gia, doanh nghiệp.

Những sản phẩm này sẽ sớm được đưa ra thị trường mang thương hiệu cá nhân của các nhà khoa học gắn với trường, đơn vị. 

Ngoài câu chuyện thương mại hoá sản phẩm công nghệ, theo ông Kiểm còn cần sự hợp tác của các bên để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ đưa các kết quả nghiên cứu, sản phẩm khoa học công nghệ từ thảo dược của các nhà khoa học ra thị trường, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp hợp tác cùng Công ty cổ phần KisStartup triển khai Chương trình “Ươm tạo doanh nghiệp và giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu (S-Herb CSK)”.

Đây là chương trình ươm tạo doanh nghiệp đầu tiên được xây dựng bài bản dựa trên thế mạnh nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội về hóa học, sinh học, dược liệu.

Các dự án tham gia chương trình S-Herb sẽ được tiếp cận với các chương trình tài trợ, giải thưởng của các tập đoàn lớn như Mitsui Chemicals, kết nối, xúc tiến xuất khẩu công nghệ tạo tác động tại thị trường quốc tế như Cannada, Úc, Nga, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Mô hình vườn ươm các giải pháp đổi mới sáng tạo về dược liệu ra đời, hướng tới mục tiêu: gia tăng giá trị của các sản phẩm dựa trên thảo mộc, thảo dược, dược liệu, gia vị hiện có, thương mại hóa các công nghệ liên quan, phát triển vùng trồng dược liệu đạt chuẩn, góp phần bảo tồn và phát triển các loại thảo dược, dược liệu quý hiếm của Việt Nam.