17:13 06/10/2022

Google ra mắt chương trình tăng tốc khởi nghiệp cho startup kinh tế tuần hoàn châu Á - Thái Bình Dương

Bảo Ngọc

Mới đây Google đã công bố chương trình “Google for Startups Accelerator: Circular Economy” dành cho các công ty khởi nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận ở châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ trong bối cảnh các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang nhận được sự quan tâm lớn trên toàn cầu…

Theo đó, Google đã lên kế hoạch hỗ trợ 10 - 15 công ty khởi nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận. Mục tiêu của gã khổng lồ công nghệ là tăng tốc khởi nghiệp trong các lĩnh vực như học máy, trí tuệ nhân tạo và công nghệ không gian địa lý.

"Chúng tôi sẽ có xu hướng chọn các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công nghệ để giải quyết các thách thức tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường", công ty cho biết.

Chương trình sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong ba tháng, cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật từ các kỹ sư của Google và các chuyên gia đối tác thông qua các buổi học.

Kinh tế tuần hoàn là thuật ngữ để chỉ các ý tưởng tái chế, chia sẻ, sửa chữa, tái sử dụng và cho thuê tài nguyên bền vững. Nhiều startup đang nỗ lực tạo ra các giải pháp xung quanh năng lượng xanh, tái chế chất thải và chống biến đổi khí hậu, v.v. 

"Mỗi năm, con người tiêu thụ nhiều hơn những gì trái đất có thể bổ sung tuần hoàn một cách tự nhiên. Năm 2022, nhu cầu tài nguyên toàn cầu dự kiến sẽ gấp 1,75 lần những gì hệ sinh thái trái đất có thể tái tạo trong một năm. Và hầu hết tài nguyên mà chúng ta khai thác, sử dụng đều trở thành chất thải. Hơn hai tỷ tấn chất thải rắn được tạo ra mỗi năm", ông Thye Yeow Bok, nhà lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp SEA, SAF và Greater China thuộc Google, cho biết.

Phát ngôn viên của Google nói thêm, "Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là nơi khởi đầu rất tốt để đổi mới và tạo ra các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. 90% lượng rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ 10 con sông, và 8 dòng sông trong số đó đến từ khu vực APAC. Năm 2040, châu Á dự kiến sẽ chiếm 40% mức tiêu thụ của toàn thế giới".