Google, Temasek và Bain & Company nhấn mạnh AI và bán dẫn là hai lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2024 vừa được công bố cho thấy công nghệ số và chất bán dẫn là các ưu tiên hàng đầu của Việt Nam…
Báo cáo e-Conomy SEA 2024 vừa được công bố ngày 5/11 cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á đã đạt được tiến bộ đáng kể, thể hiện hiệu suất vững chắc vào năm 2024 với mức tăng trưởng hai chữ số trên tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 263 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 89 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận đạt 11 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Đông Nam Á nổi lên là một trung tâm xuất khẩu trò chơi. Các nhà phát triển game trong khu vực đang chiếm một thị phần lớn trên thị trường trò chơi di động toàn cầu. Song song đó, nội dung trò chơi đang bùng nổ, thu hút nhiều nhà sáng tạo và lượt tải game trên các kho ứng dụng.
LỘ TRÌNH SỐ ĐẦY THAM VỌNG CỦA VIỆT NAM, NHẤN MẠNH VÀO AI VÀ BÁN DẪN
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2024, tại Việt Nam, công nghệ số và chất bán dẫn là các ưu tiên hàng đầu. Báo cáo cho rằng chính phủ Việt Nam đã công bố một lộ trình số đầy tham vọng cho năm 2024, nhấn mạnh vào AI và công nghệ chất bán dẫn, song song với tăng trưởng kinh tế và nâng cao dịch vụ công.
“Cách tiếp cận chủ động này từ chính phủ giúp Việt Nam có nền tảng vững chắc để đạt được những bước tiến số hóa đáng kể, bất chấp những hạn chế trước đây về đầu tư hạ tầng”, Báo cáo nêu rõ.
Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang dẫn đầu về mức độ quan tâm và nhu cầu sử dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Chỉ số quan tâm đến AI của hai thành phố này cao hơn so với mức trung bình của cả nước, cho thấy người dân tại đây có sự tò mò và tìm hiểu về AI nhiều hơn. Đặc biệt, giáo dục, tiếp thị và y tế là những ngành có nhu cầu tìm kiếm thông tin về AI cao nhất.
Báo cáo nêu rõ chỉ số quan tâm AI cho biết mức độ quan tâm và nhu cầu đối với AI, được tính toán dựa trên khối lượng tìm kiếm liên quan đến AI, và được lập chỉ mục theo dân số internet tương đối trên các thị trường tương ứng.
e-Conomy SEA 2024 cho biết khu vực Đông Nam Á đang có những triển vọng tốt đối với những công nghệ thu hút sự quan tâm toàn cầu như AI và bán dẫn. Trong đó, AI đã bắt đầu thúc đẩy giá trị chuyển đổi cho nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á, thông qua cả các trường hợp sử dụng kinh doanh chung và cụ thể theo ngành. Những người áp dụng AI sớm đang nhận được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ trong vòng 12 tháng kể từ khi triển khai.
Các nhà đầu tư cũng thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của khu vực Đông Nam Á, với gần 50% khoản đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như phần mềm, dịch vụ và AI. Đông Nam Á cũng đang thu hút đầu tư AI đáng kể, với hơn 30 tỷ USD được cam kết cho cơ sở hạ tầng AI chỉ trong nửa đầu năm 2024.
Các công ty giai đoạn đầu cũng đang đạt được những tiến bộ đáng kể hướng tới lợi nhuận. Các nỗ lực đang được tiến hành để cải thiện điều kiện thị trường vốn, chẳng hạn như hợp tác xuyên biên giới và cải thiện quy định về IPO. Khu vực này có vị thế tốt để cạnh tranh về trung tâm dữ liệu và ứng dụng lớp cuối.
KINH TẾ SỐ VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ, ĐẠT 36 TỶ USD NĂM 2024
Nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch. Theo đó, dựa trên số liệu từ Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng với tốc độ hai chữ số, chủ yếu nhờ vào sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và ngành du lịch.
Cụ thể, tổng giá trị nền kinh tế số Việt Nam đạt 25 tỷ USD năm 2022 và đã tăng 25%, lên 31 tỷ USD vào năm 2023, đạt giá trị 36 tỷ USD năm 2024 với mức tăng hàng năm 16%. Đến năm 2030, dự đoán nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt từ 90 tỷ USD trở lên.
Trong nền kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ 15 tỷ USD vào năm 2022 lên 22 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt khoảng 63 tỷ USD vào năm 2030. Lĩnh vực du lịch trực tuyến cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. GMV của du lịch trực tuyến tăng từ 3 tỷ USD năm 2022 lên 5 tỷ USD năm 2024 và dự đoán đạt 10 tỷ USD năm 2030.
Việt Nam cũng đang nhanh chóng chuyển sang xã hội không tiền mặt, được thúc đẩy bởi các sáng kiến công cộng và các giải pháp tài chính sáng tạo. Sự gia tăng của ví điện tử, cùng với việc áp dụng rộng rãi các khoản thanh toán bằng mã QR, đã làm giảm đáng kể các giao dịch bằng tiền mặt. Các sáng kiến của chính phủ đã chuẩn hóa các hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng tương tác, tiếp tục khuyến khích chuyển đổi khỏi tiền mặt.
Thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam đạt tổng giá trị giao dịch ấn tượng, tăng từ 105 tỷ USD vào năm 2022 lên 149 tỷ USD vào năm 2024, dự kiến đạt 300 - 350 tỷ USD vào năm 2030. Sự tăng trưởng này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
e-Conomy SEA là chương trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm do Google và Temasek khởi xướng vào năm 2016. Bain & Company đã tham gia chương trình với tư cách là đối tác nghiên cứu chính vào năm 2019.
Nghiên cứu này tận dụng những dữ liệu, thông tin chuyên sâu của Temasek, những phân tích của Bain, Google Trends, phỏng vấn chuyên gia và các nguồn tin trong ngành để làm sáng tỏ nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á.