19:00 02/11/2024

Liệu tân Tổng thống có thể giúp Hoa Kỳ vươn lên trong cuộc đua AI?

Sơn Trần

Chưa đầy một tuần nữa, ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ chính thức diễn ra. Với giới công nghệ, định hướng phát triển AI trong tương lai tại Hoa Kỳ vẫn đang là dấu hỏi lớn vì hai ứng cử viên có cách tiếp cận quy định và quản lý công nghệ trái ngược nhau…

Hai ứng cử viên Tổng thống bà Kamala Harris và ông Donald Trump.
Hai ứng cử viên Tổng thống bà Kamala Harris và ông Donald Trump.

Không giống EU, nơi Đạo luật AI được phê duyệt vào đầu năm nay trong nỗ lực hạn chế công cụ học máy sở hữu rủi ro cao, thì Hoa Kỳ thiếu các quy định AI trên toàn quốc, theo Euronews.

Trong nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Joe Biden, chính phủ Hoa Kỳ đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép sử dụng AI rộng rãi hơn nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ nếu dùng với mục đích thương mại.

ỨNG CỬ VIÊN DONALD TRUMP

Tuy nhiên, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng hứa bãi bỏ sắc lệnh nếu đắc cử.

"Chúng tôi sẽ bãi bỏ sắc lệnh hành pháp nguy hiểm của ông Joe Biden, sắc lệnh này cản trở sự đổi mới AI và áp đặt những ý tưởng cực đoan vào quá trình phát triển công nghệ. Thay vào đó, đảng Cộng hòa ủng hộ phát triển AI dựa trên quyền tự do ngôn luận và sự phát triển của con người", ông Trump tuyên bố.

Công ty công nghệ lớn là những người hưởng lợi nhiều nhất nếu loạt quy định được bãi bỏ. Hồi tháng 7, gã khổng lồ Meta phàn nàn về môi trường pháp lý nghiêm ngặt ở châu Âu và quyết định không triển khai mô hình AI của mình tại đây do lo ngại về pháp lý.

"Tôi hy vọng Ủy ban mới sẽ xem xét lại vấn đề này, phù hợp với mục tiêu của Chủ tịch Von Der Leyen là hoàn thành Thị trường chung kỹ thuật số của EU, để người dân châu Âu có thể theo kịp làn sóng công nghệ mới", Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, Nick Clegg, phát biểu hồi tháng 10.

Đồng thời, ông Trump tiết lộ ông đã nói chuyện với CEO Apple Tim Cook vào đầu tháng này để chia sẻ những lo ngại về EU, bao gồm khoản tiền phạt 13 tỷ euro mà EU phải trả ở Ireland sau khi chưa nộp thuế.

ỨNG CỬ VIÊN KAMALA HARRIS

Trái ngược với đối thủ của mình, bà Kamala Harris có cách tiếp cận hoàn toàn khác, dựa trên cam kết hiện có từ sắc lệnh hành pháp. Trong một tuyên bố, bà Harris nói rằng quyết định này giúp "tăng cường đổi mới và khả năng cạnh tranh, bảo vệ người lao động, người tiêu dùng khi công nghệ tiến bộ và phát triển lực lượng lao động AI liên bang có tay nghề cao".

Phó Tổng thống Đảng Dân chủ kỳ vọng Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu trong phát triển, nghiên cứu công nghệ mới và thương mại hóa ở quy mô lớn.

Bà Harris cùng người đồng hành Tim Walz đề xuất "một khoản đầu tư lịch sử sẽ được xem xét nhằm củng cố an ninh quốc gia và nền kinh tế, đảm bảo Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu AI - chứ không phải Trung Quốc - bằng cách mở rộng quy mô, tạo ra nguồn lực vĩnh viễn nghiên cứu trí tuệ nhân tạo quốc gia, cơ sở hạ tầng nghiên cứu được chia sẻ để cung cấp cho công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu quyền truy cập vào sức mạnh tính toán tiên tiến nhất, dữ liệu và một số công cụ phân tích để tăng cường khám phá, đổi mới có trách nhiệm trong AI".

Ông Daniel Schnurr, Giáo sư Học máy và Định lượng Bất định tại Đại học Regensburg, Đức, nói với Euronews rằng bà Harris "nhiều khả năng sẽ đi theo con đường hiện tại".

"Tôi mong đợi bà Harris có góc nhìn tích cực hơn về mặt quy định AI so với ông Trump, mặc dù cách tiếp cận có thể nhẹ nhàng hơn nhiều so với quy định AI của EU trong mọi trường hợp", ông nói thêm. Ngược lại, chiến thắng của cựu Tổng thống Trump mang đến nhiều bất ổn cho nhà cung cấp AI.

Nghiên cứu từ tổ chức tư vấn Bruegel, cho thấy nửa đầu năm 2024, trong số hơn 35 tỷ USD đầu tư trên toàn cầu vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo, EU chỉ thu hút được 6%. Mặc dù Ủy ban châu Âu đã có nhiều sáng kiến ​​nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp nhận và phát triển AI bằng cách cung cấp siêu máy tính AI cho các công ty khởi nghiệp.

Ông Schnurr nói thêm kết quả cuộc bỏ phiếu có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi thế của Hoa Kỳ về công nghệ AI thương mại và một số dịch vụ kỹ thuật số hàng đầu. "Khoảng cách cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ AI hiện nay là quá lớn, rất khó để thay đổi nhanh chóng trong ngắn hạn", ông nói.

AI TRONG CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ

Công nghệ AI cũng xuất hiện nhiều trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, cho thấy nhiều vấn đề bất cập khi công cụ không được kiểm soát chặt chẽ và góp phần lan truyền tin tức không đúng sự thật.

Bài đăng trên mạng xã hội của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 19/8.
Bài đăng trên mạng xã hội của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 19/8.

Điển hình như ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump hôm 19/8 chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social một số hình ảnh, trong đó có ảnh siêu sao nhạc pop Taylor Swift yêu cầu người hâm mộ bỏ phiếu cho ông Trump. Tuy nhiên, sau đó ông Trump thừa nhận những hình ảnh này do AI tạo ra. Cuối cùng, nữ ca sĩ công khai ủng hộ bà Harris sau đó một tháng.

Người giàu nhất thế giới và chủ sở hữu X, Elon Musk đã chia sẻ một video về bà Harris trên nền tảng X, được tạo ra bởi công cụ sao chép giọng nói AI gây nhiều hiểu nhầm. "Tôi, Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ thay cho ông Joe Biden vì ông đã quá lớn tuổi", video giả mạo cho biết.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) khuyến cáo tất cả các đài phát thanh và truyền hình phát sóng nội dung liên quan đến chính trị nên kiểm tra xem chúng có chứa nội dung do AI tạo ra hay không và thông báo rõ ràng nếu có. Động thái phản ánh các quy tắc của EU về quảng cáo chính trị, tuy nhiên chúng không có hiệu lực trước cuộc bỏ phiếu ngày 5/11.