Malaysia cân nhắc tạm hoãn đánh thuế AI
Malaysia chưa sẵn sàng đánh thuế trí tuệ nhân tạo (AI) bởi việc ứng dụng AI vào các ngành công nghiệp nước này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển…
Ông Shashi Muniandy, Giám đốc Điều hành kiêm chuyên gia kỹ thuật số Sociolytics Sdn Bhd, Giám đốc Công nghệ Học viện Skill Wave, cho biết trong một tuyên bố việc áp thuế AI vào thời điểm này tại Malaysia có thể đặt thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, công ty khởi nghiệp đang trong quá trình khám phá tiềm năng AI, theo Tech Node.
"Chi phí gia tăng liên quan đến thuế có thể ngăn cản doanh nghiệp ứng dụng công nghệ AI, cản trở quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số", ông Muniandy cho hay.
Theo ông Muniandy, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), thành phần quan trọng trong nền kinh tế Malaysia, thường phải đối mặt với những khó khăn về nguồn lực, hạn chế khả năng ứng dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến như AI.
Ông cho rằng thuế AI có thể làm trầm trọng thêm những áp lực tài chính, hạn chế khả năng đổi mới, cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Với mục tiêu dân chủ hoá sử dụng AI và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển kinh tế, việc áp thuế ở giai đoạn này có thể cản trở tiến độ và khiến khoảng cách áp dụng công nghệ giữa tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ ngày càng xa", ông nói.
Hơn nữa, CEO Sociolytics Sdn Bhd nhấn mạnh Malaysia thiếu khung pháp lý toàn diện để giải quyết mối lo ngại về đạo đức, quyền riêng tư dữ liệu và bảo mật AI, mặc dù luật hiện hành như Đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPA) đã bao gồm một số khía cạnh nhất định trong việc sử dụng AI.
Nếu không có hướng dẫn rõ ràng, thuế AI có thể tạo ra những thách thức khi tuân thủ và khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp.
Ông cũng nhấn mạnh việc áp thuế nên được thực hiện trước khi xây dựng khung pháp lý chuyên dụng để tránh nhầm lẫn và khó khăn khi triển khai. Những nỗ lực không ngừng của chính phủ trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số nên được ưu tiên hơn thuế. Việc áp thuế sớm có thể cản trở việc áp dụng AI, nhất là đối với các lĩnh vực kém phát triển về kỹ thuật số.
"Ưu tiên đào tạo lực lượng lao động, đổi mới sáng kiến giáo dục là bước chuẩn bị tốt cho những thay đổi xung quanh công nghệ AI", ông Muniandy nhấn mạnh.
Ngoài ra, tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về kinh tế kỹ thuật số của Malaysia cũng có thể bị đe dọa bởi thuế AI.
Việc đưa ra khoản thuế như vậy có thể khiến đất nước kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi nhiều quốc gia láng giềng sẵn sàng cung cấp chi phí liên quan đến AI thấp hơn.
"Tình trạng này có thể dẫn đến việc chuyển hướng đầu tư công nghệ quốc tế khỏi Malaysia, cản trở tham vọng thu hút nhân tài, vốn và đổi mới công nghệ toàn cầu của quốc gia trong lĩnh vực AI", nhà phân tích Malaysia nói thêm.
Trên thế giới, trong cuộc đua giành quyền thống trị AI, các quốc gia áp thuế sớm đối với AI đều ở thế bất lợi. Ngược lại, quốc gia có ít rào cản pháp lý, tài chính thì có thể thu hút đầu tư, tài năng và công nghệ tốt hơn.
"Bằng cách trì hoãn thực hiện thuế AI, Malaysia có thể duy trì lợi thế cạnh tranh của mình, đảm bảo môi trường phát triển thân thiện với thuế", ông Muniandy nói.
Đồng thời nhấn mạnh chính phủ nên cân nhắc hoãn áp dụng thuế AI, nếu kế hoạch đang được xem xét cho năm tới. "Điều quan trọng là cho phép ngành công nghiệp AI của Malaysia phát triển lâu dài và ổn định, từ đó đặt nền móng cho đất nước trở thành trung tâm AI của Đông Nam Á".
TẬN DỤNG LỢI THẾ TRƯỚC KHI ÁP THUẾ AI
Sở hữu vị trí chiến lược, Malaysia có thể tận dụng lợi thế địa lý để củng cố cơ sở hạ tầng AI và hỗ trợ các nền kinh tế láng giềng.
Chính phủ và các tổ chức liên quan trong ngành cần lưu ý Lộ trình trí tuệ nhân tạo quốc gia (Lộ trình AI) phải đưa Malaysia trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ AI và tận dụng công nghệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Một số nỗ lực nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng AI thông qua các sáng kiến như Lộ trình trí tuệ nhân tạo Malaysia 2021-2025 và Kế hoạch tổng thể công nghiệp quốc gia 2030, tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số và tự động hóa.
Ông Gobind Singh Deo, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Kỹ thuật số, nhấn mạnh AI đã sẵn sàng trở thành lực lượng thay đổi hầu hết ngành công nghiệp, dịch vụ công và nền kinh tế Malaysia.
Thuế AI là khoản thuế áp dụng cho các công ty sử dụng hoặc phát triển công nghệ AI.
"Theo quan điểm của tôi, Malaysia vẫn chưa có khả năng thực hiện loại thuế này, và làm như vậy là quá sớm... Bây giờ là lúc Malaysia cần trở thành một người hỗ trợ, đồng hành để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới trong khi chuẩn bị môi trường pháp lý và kinh tế để hỗ trợ những tiến bộ trong tương lai. Chúng ta hãy để lĩnh vực AI phát triển, tạo nền tảng vững chắc trước khi cân nhắc đánh thuế AI", ông Muniandy kết luận.