11:35 23/02/2023

Singapore muốn có "một miếng bánh" trên thị trường chất bán dẫn

Bảo Ngọc

Singapore muốn giành được thị phần một cách công bằng trong việc lắp ráp chất bán dẫn và đầu tư thiết kế mạch tích hợp…

Bên trong phòng sạch FAB10N được thiết kế thông minh, tự động hóa của Micron Singapore
Bên trong phòng sạch FAB10N được thiết kế thông minh, tự động hóa của Micron Singapore

Singapore được biết đến là một trung tâm tài chính và công nghệ nổi bật trong khu vực. Tuy nhiên, khi nói đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn, quốc gia này có vẻ như đã bị lấn át bởi các “người anh em” ASEAN khác. Kể từ khi ngành công nghiệp sản xuất chip đạt đỉnh do đại dịch Covid-19, Singapore đã cố gắng củng cố lĩnh vực điện tử với mục tiêu tăng trưởng 50% ngành công nghiệp sản xuất vào cuối thập kỷ này, và phân khúc chất bán dẫn chiếm thị phần lớn hơn, theo Tech Wire Asia.

Đó là mục tiêu mà chính phủ quốc gia này đặt ra vào năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore, ông Beh Swan Gin, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, khẳng định rằng Singapore sẽ tìm cách giành được phần lớn đầu tư vào lắp ráp chất bán dẫn và thiết kế mạch tích hợp. Ông nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành mục tiêu đã đề ra và đảm bảo sự chia sẻ công bằng".

Chủ tịch Beh lưu ý rằng Singapore hiện chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng fabs wafer (chất bán dẫn) toàn cầu. "Chúng tôi là một quốc đảo nhỏ, vì vậy theo một cách nào đó, tỷ trọng của ‘miếng bánh’ mà chúng tôi cần đảm bảo để tiếp tục phát triển nền kinh tế cũng tương đối nhỏ", ông Beh chia sẻ thêm. Ông cũng khẳng định rằng đảo quốc sư tử sẽ tập trung vào chuỗi hoạt động giá trị bán dẫn vì nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã thông qua bộ nguyên tắc gọi là Đạo luật CHIPS, đang thu hút các khoản đầu tư trở lại.

Theo đó, động thái của chính quyền Tổng thống Joe Biden là một "chính sách công nghiệp mạnh mẽ để đưa sản xuất và phát triển công nghệ trở lại Hoa Kỳ". "Nó đã làm cho cuộc cạnh tranh trong đầu tư toàn cầu trở nên khắc nghiệt hơn, đặc biệt đối với loại hình đầu tư mà Singapore cũng đang hướng tới", Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore nhấn mạnh.

LĨNH VỰC BÁN DẪN Ở SINGAPORE ĐANG HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Gan Kim Yong, lĩnh vực bán dẫn, tính đến năm 2021, là phân khúc sản xuất lớn nhất của quốc gia, đóng góp 7% GDP trong năm. Bộ trưởng Gan dự đoán cạnh tranh toàn cầu đối với đầu tư bán dẫn sẽ gia tăng vì lý do kinh tế và chiến lược. Đạo luật Khoa học và CHIPS là một ví dụ về việc các quốc gia khác đưa ra nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào chất bán dẫn. "Chúng tôi phải duy trì vị thế cạnh tranh của mình khi đối mặt với những thách thức như vậy. Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể cạnh tranh chỉ dựa trên các ưu đãi tài chính", vị Bộ trưởng tuyên bố.

Ông lưu ý rằng các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ của đất nước, bao gồm sự bền vững, chế độ bảo vệ sở hữu trí tuệ mạnh mẽ và lực lượng lao động lành nghề, là nền tảng để nền kinh tế nói chung và lĩnh vực chất bán dẫn nói riêng phát triển và cải thiện trong nhiều thập kỷ. "Để hỗ trợ sự tăng trưởng trong lĩnh vực này, chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty chủ chốt trong chuỗi giá trị, nhiều công ty trong số đó là những cái tên hàng đầu trong lĩnh vực trên thế giới, nhằm đầu tư vào năng lực sản xuất tiên tiến đột phá và đào tạo lực lượng lao động ở Singapore", Bộ trưởng Gan nói thêm.

Các khoản đầu tư vào chất bán dẫn được công bố tại Singapore kể từ khi bắt đầu đại dịch bao gồm kế hoạch đầu tư hơn 4 tỷ USD của nhà sản xuất chất bán dẫn Hoa Kỳ GlobalFoundries nhằm mở rộng quy mô wafer khi cố gắng giải quyết tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu. Thông báo của GlobalFoundries vào năm 2021 được đưa ra sau khi nhà sản xuất chip Infineon Technologies của Đức chọn Singapore làm cơ sở để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với cam kết đầu tư 20,2 triệu USD.

"Các khoản đầu tư gần đây của GlobalFoundries, UMC, Siltronics và Pall Corporation là minh chứng cho mối quan hệ đối tác bền chặt mà chúng tôi đã xây dựng với các thương hiệu tiên phong trong ngành. Chúng tôi cũng làm việc với các cơ sở sản xuất đối tác để tiến hành nhiều hoạt động bổ sung tại Singapore, bao gồm cả R&D và quản lý chuỗi cung ứng, để đa dạng hóa hoạt động và đào sâu phạm vi kinh doanh của họ tại đây", Bộ trưởng Gan kết luận.