2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do vi phạm quy định về xuất khẩu lao động
Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do vi phạm hành vi bị nghiêm cấm, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của 2 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, Quyết định số 02/QĐ-LĐTBXH thu hồi Giấy phép số 37/LĐTBXH-GP, cấp ngày 9/1/2008 của Công ty cổ phần Vật tư thiết bị giao thông (TRANSMECO).
Lý do thu hồi giấy phép do công ty không làm thủ tục đổi giấy phép và không đáp ứng các yêu cầu tại khoản 2 Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đó là, có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH thu hồi Giấy phép số 1126/LĐTBXH-GP cấp ngày 7/10/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư Huệ Tuân. Công ty Huệ Tuân bị thu hồi giấy phép do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 6 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động.
Trước khi bị thu hồi giấy phép, Công ty Huệ Tuân cũng đã bị Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) ra quyết định xử phạt với mức 400 triệu đồng do vi phạm nhiều quy định trong hoạt động xuất khẩu lao động, đây được xem là mức phạt cao nhất từ trước đến nay đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo đó, Công ty Huệ Tuân đã lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Ba Lan.
Doanh nghiệp này đã không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, sau khi vi phạm hành chính, công ty này đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Với quyết định thu hồi giấy phép của hai doanh nghiệp trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu hai công ty phải thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 24, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép.
Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực.
Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của luật...
Liên quan đến việc một số tổ chức lợi dụng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra và xử lý tình trạng này.