Trung tâm dữ liệu là ngành xây dựng có hiệu suất cao nhất Đông Nam Á
Lĩnh vực xây dựng trung tâm dữ liệu đang bứt phá mạnh mẽ tại Đông Nam Á nhờ nhu cầu tăng vọt của công nghệ và xu hướng chuyển dịch sang cơ sở hạ tầng số bền vững, hiệu suất cao…

Trung tâm dữ liệu (data center) đã vượt qua các lĩnh vực như công nghiệp, sản xuất và phân phối để trở thành mảng xây dựng phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á, theo Tech Node Global.
Báo cáo mới công bố của công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu Turner & Townsend cho thấy nhu cầu bùng nổ về hạ tầng số từ các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây quy mô lớn (hyperscaler) và các doanh nghiệp chuyển đổi số đang thúc đẩy tăng trưởng vượt trội cho lĩnh vực này.
Đồng thời, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến những công trình có hiệu suất vận hành cao và đạt tiêu chuẩn bền vững, góp phần định hình lại cục diện thị trường xây dựng khu vực.
Ngoài mảng trung tâm dữ liệu, hoạt động của doanh nghiệp thuê mặt bằng thương mại (corporate occupiers) cũng phục hồi mạnh mẽ. Báo cáo cho biết lĩnh vực khách sạn, thể thao và giải trí đang dần hồi sinh khi du lịch và ngành công nghiệp giải trí từng bước khởi sắc trở lại.
Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á đang hưởng lợi từ xu hướng nearshoring – tức doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất đến những địa điểm gần hơn nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng. Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng với các nhà máy sản xuất công nghệ cao cũng là động lực chính thúc đẩy hoạt động xây dựng trong khu vực.
Nhìn về tương lai, Turner & Townsend nhận định một số thị trường như Việt Nam và Malaysia có thể hưởng lợi khi Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu nguyên vật liệu sang Đông Nam Á. Điều này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án mà còn hỗ trợ quản lý chi phí và tăng năng lực sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, tại Malaysia, những thay đổi gần đây trong chính sách thương mại – đặc biệt là việc áp dụng thuế chống bán phá giá – đang gây ra nhiều bất ổn liên quan đến chi phí và quyết định trong chuỗi cung ứng, Turner & Townsend lưu ý.
XÂY DỰNG BỀN VỮNG VÀ HẠ TẦNG SỐ DẪN DẮT XU THẾ MỚI
Bất chấp thách thức kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị, ngành xây dựng tại Đông Nam Á cho thấy khả năng thích ứng và phục hồi ấn tượng. Nhờ nhu cầu mạnh mẽ với công nghệ cao, khu vực này đang chứng kiến sự bùng nổ trong đầu tư vào hạ tầng thiết yếu như trung tâm dữ liệu, đi kèm với làn sóng chuyển dịch sang công trình xanh, thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi quan sát thấy nhiều chuyển biến tích cực tại Đông Nam Á – nơi thị trường không chỉ ứng phó với khó khăn kinh tế mà còn chủ động nắm bắt cơ hội tăng trưởng bằng cách điều chỉnh chi phí và tái cân bằng nhu cầu”, ông Brian Shuptrine, Giám đốc khu vực châu Á Turner & Townsend nhận định.
“Cam kết của khu vực đối với chuyển đổi số và phát triển bền vững, kết hợp cùng lợi thế chiến lược của xu hướng nearshoring, đang định hình lại toàn cảnh ngành xây dựng Đông Nam Á”. Ông Shuptrine nhấn mạnh đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tài sản “tương lai” – đặc biệt là trung tâm dữ liệu và nhà máy sản xuất công nghệ cao – hai phân khúc đang mở rộng với tốc độ đáng kể.
HAI ĐIỂM SÁNG VỀ HẠ TẦNG SỐ
Tại Malaysia, đầu tư từ khu vực tư nhân đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu – xu hướng thu hút lượng vốn lớn từ tập đoàn công nghệ quốc tế. Bên cạnh đó, Malaysia cũng bắt đầu chuyển hướng sang mô hình xây dựng số và hợp tác nhằm quản lý rủi ro, duy trì lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Yếu tố bền vững, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải carbon trong vật liệu xây dựng, cũng dần được tính đến trong giai đoạn lên kế hoạch và đấu thầu dự án – báo hiệu sự chuyển dịch chậm mà chắc sang mô hình xây dựng xanh tại Malaysia.
Trong khi đó, thị trường Indonesia tuy phát triển chậm hơn nhưng khởi sắc nhờ vào sự tăng trưởng ổn định của kinh tế số. Turner & Townsend ghi nhận rằng nhà thầu địa phương tại Indonesia ngày càng giành được nhiều hợp đồng xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy năng lực cạnh tranh nội địa được nâng cao.