27 tuổi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo của UAE
Đây là Bộ trưởng phụ trách Trí tuệ Nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã và đang âm thầm chuyển từ trọng tâm là dầu mỏ sang trí tuệ nhân tạo. Mới đây, nền kinh tế lớn thứ hai tại thế giới Ả Rập trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bổ nhiệm một bộ trưởng phụ trách trí tuệ nhân tạo (AI). Đây cũng là nước Ả Rập đầu tiên chính thức công nhận tầm quan trọng của công nghệ này trong việc định hình nền kinh tế, tờ India Times cho biết.
Nằm trong kế hoạch cải tổ nội các, UAE đã bổ nhiệm Omar Bin Sultan Al Olama, 27 tuổi, trở thành Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo. Al Olama từng là Phó vụ trưởng Vụ tương lai của UAE.
Việc bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng chưa từng có tiền lệ được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum - Quốc vương kiêm Phó tổng thống, Thủ tướng của UAE, công bố Chiến lược trí tuệ nhân tạo UAE, thuộc Kế hoạch Thế kỷ UAE 2071 đã đưa ra trước đó.
Với tân bộ trưởng Al Olama, UAE đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, đẩy nhanh những thành tựu và thúc đẩy sự sáng tạo tại vương quốc này.
Tân Bộ trưởng sẽ là người đại diện cho tham vọng dẫn đầu của UAE trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu và mục tiêu xây nhà trên sao Hoả vào năm 2117. Nước này dự định xây một thành phố đầy đủ chức năng cho 600.000 người trên sao Hoả.
"Trong thế kỷ tới, chúng tôi muốn phát triển khoa học, công nghệ và đam mê tri thức trong thế hệ trẻ", Sheikh Mohammed chia sẻ khi đề cập đến dự án "Sao Hoả 2117" hồi đầu năm. "Chúng tôi muốn trở thành quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất cho công nghệ trí tuệ nhân tạo",
Với tham vọng trên, UAE gia nhập cuộc đua đưa người lên sao Hoả với các nước như Trung Quốc, Nga, Mỹ và nhiều nước châu Âu, đó là chưa kể đến các dự án cá nhân như của tỷ phú Mỹ Elon Musk hay ông chủ Amazon - Jeff Bezos.
Ngoài những nỗ lực trong lĩnh vực không gian và trí tuệ nhân tạo của UAE, làn sóng này cũng lan rộng tại nhiều nước Ả Rập. Năm 2015, Saudi Arabia hợp tác với Nga để khai phá vũ trụ, còn Abu Dhabi đầu tư vào công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic của tỷ phú Anh Richard Branson.
Tại Trung Đông, một trong những lĩnh vực đã có sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo là y tế. Một khảo sát của PwC cho thấy 55% người được hỏi tại khu vực này cho biết họ sẵn sàng dùng công nghệ máy tính tiên tiến hoặc robot có trí tuệ nhân tạo để đáp ứng nhu cầu y tế của bản thân, thay vì bác sĩ.
Theo một nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers hồi đầu năm, trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu vào năm 2031.