3 yếu tố tạo nên hệ sinh thái 140.000 startup của Ấn Độ và cơ hội hợp tác cho Việt Nam

Kiều Oanh
Chia sẻ

Ấn Độ là quốc gia có nhiều công ty khởi nghiệp (startup) nhiều thứ hai thế giới...

Nguyễn Đình Quý, nhà sáng lập startup WorkFlow, trình bày ý tưởng tại lễ hội startup Ấn Độ - ASEAN ở New Delhi hôm 29/11 - Ảnh: Kiều Oanh.
Nguyễn Đình Quý, nhà sáng lập startup WorkFlow, trình bày ý tưởng tại lễ hội startup Ấn Độ - ASEAN ở New Delhi hôm 29/11 - Ảnh: Kiều Oanh.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, số startup ở nước này đã tăng gấp hơn 3 lần nhờ những yếu tố hậu thuẫn tích cực.

Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Ấn Độ, tính đến hết tháng 10/2024, nước này có 152.139 doanh nghiệp được công nhận là startup, tăng 193% so với cách đây 5 năm. Trong đó, Ấn Độ ghi nhận sự ra đời của 11.885 startup trong năm 2019; 14.852 startup trong năm 2020; 20.282 startup trong năm 2021; 26.596 startup trong năm 2022; và 34.842 startup trong năm 2023.

MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI CỦA CÁC STARTUP ẤN ĐỘ

“Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nổi lên thành một hệ sinh thái startup lớn mạnh. Chúng tôi có hơn 150.000 startup đã đăng ký và một mạng lưới rất mạnh các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ. Đó là những tổ chức học thuật như các học viện công nghệ và các trường đại học”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, giáo sư Abhay Karandikar, phát biểu trong cuộc gặp mới đây tại New Delhi với đoàn báo chí các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Hệ sinh thái startup này mang tới cơ hội cho các doanh nhân khởi nghiệp từ tất cả các quốc gia trên thế giới liên kết lại với nhau, học hỏi từ nhau về những hoạt động tốt nhất và cũng trình diễn những công nghệ được phát triển bởi các doanh nhân này. Những việc đó không chỉ để nhận được phản hồi về mặt công nghệ mà còn tìm kiếm cơ hội đầu tư để phát triển hơn nữa”, ông nói.

Theo một số xếp hạng, Ấn Độ hiện chỉ đứng sau Mỹ về số startup, cho thấy sức sáng tạo mãnh liệt của nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Một báo cáo hồi tháng 8 năm nay của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho thấy vào năm 2022, Ấn Độ cũng chỉ đứng sau Mỹ về số “kỳ lân” - startup được định giá từ 1 tỷ USD.

Trong số những startup nổi bật của Ấn Độ, có thể kể tới những cái tên như Zepto chuyên về công nghệ, thông tin và Internet, hay Sprinto và Lucidity chuyên về phát triển phần mềm.

Có 3 yếu tố quan trọng phía sau hệ sinh thái startup khổng lồ của Ấn Độ, gồm sự hỗ trợ của Chính phủ; lực lượng lao động có trình độ cao về công nghệ; và lợi thế về chi phí.

Ông Karandikar cho biết Chính phủ và các bộ ngành của nước này có nhiều chương trình để hỗ trợ startup. Chẳng hạn, Bộ Khoa học và Công nghệ có một chương trình hậu thuẫn các vườn ươm công nghệ, Bộ Quốc phòng hay Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin cũng có các chương trình hỗ trợ startup riêng.

Đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ có sáng kiến “Startup India” do Thủ tướng Narendra khởi xướng vào năm 2016, gồm nhiều quỹ thành viên để rót vốn đầu tư vào các startup trong các lĩnh vực khác nhau. Sáng kiến này đã được đầu tư khoảng 1 tỷ USD, giải ngân thông quan Ngân hàng Phát triển công nghiệp nhỏ Ấn Độ (SIDBI), cấp vốn cho các vườn ươm công nghệ hoặc cấp vốn trực tiếp cho các startup.

Tháng 10 năm nay, Chính phủ Ấn Độ phê chuẩn một quỹ mới trị giá 10 tỷ rupee, tương đương 119 triệu USD, dành cho các startup trong ngành công nghiệp vũ trụ. 40 startup trong lĩnh vực này dự kiến sẽ được cấp vốn đầu tư.

“Trong 9-10 năm qua, các hoạt động hỗ trợ startup của Ấn Độ diễn ra rất sôi động”, Thứ trưởng Karandikar nói.

Về lực lượng lao động, Ấn Độ có lợi thế lớn khi sở hữu một số lượng lớn lao động trình độ cao trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. “Như tôi đã nói ở trên, nhiều vườn ươm công nghệ của chúng tôi đang hoạt động trong các tổ chức học thuật… Nhiều nhà sáng lập startup của Ấn Độ là sinh viên tốt nghiệp từ các tổ chức học thuật uy tín của chúng tôi. Kỹ sư và nhân viên làm việc trong những startup đó cũng là sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo đó. Bởi vậy, chất lượng nguồn nhân lực là rất cao về mặt trí tuệ”, ông Karandikar nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều cựu sinh viên của các trường đại học danh tiếng ở Ấn Độ đã trở thành các doanh nhân công nghệ thành công trong nước và thế giới, làm việc ở những công ty công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Amazon, Twitter, Apple… “Những cựu sinh viên đó tạo thành một mạng lưới hỗ trợ các startup dưới dạng tư vấn và nhiều sự ủng hộ khác”, vị Thứ trưởng cho biết.

Về chi phí, với chi phí vận hành doanh nghiệp thấp hơn so với ở nhiều quốc gia khác, Ấn Độ là một điểm đến hấp dẫn đối với các startup, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ.

MONG MUỐN TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC

Cuối tháng 11 vừa qua, Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) Kanpur đã đăng cai một lễ hội startup Ấn Độ - ASEAN với sự tham gia của 60 startup nước chủ nhà và 38 startup đến từ các nước Đông Nam Á. Các startup tham dự lễ hội có lĩnh vực hoạt động đa dạng, từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ gen, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, quốc phòng, thiết bị bay không người lái, nông nghiệp cho tới công nghệ giáo dục.  

Có 2 startup của Việt Nam tham gia sự kiện này, là iSofH - một công ty về công nghệ thông tin trong y tế, và Work Flow Space - công ty về không gian làm việc chung với đầy đủ dịch vụ và trả phí theo thời gian sử dụng.

Ông Bùi Trung Hiếu, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo mở và Doanh nhân công nghệ (OITI), đơn vị hỗ trợ các startup Việt Nam tham dự lễ hội startup ở Ấn Độ, cho biết sự kiện là một cơ hội tốt để các startup trong nước tiếp cận các nhà đầu tư mạo hiểm của Ấn Độ và từ các quốc gia khác, cũng như xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài.

“Những sự kiện như thế này là dịp để các startup Việt Nam đưa được các vấn đề và các đề xuất của mình ra với quốc tế. Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập được những kết nối hai chiều giữa startup Việt Nam và startup quốc tế, giữa các tổ chức hỗ trợ startup của Việt Nam với các tổ chức tương tự của nước ngoài, và giữa các chính phủ với nhau”, ông Hiếu nói.

Ông Karandikar cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực startup khoa học và công nghệ. “Hai nước có quan hệ song phương rất tốt đẹp. Trước đây, chúng ta đã hỗ trợ các dự án của nhau trong nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin. Nhiều cuộc thảo luận giữa hai bên đang diễn ra và tôi thấy rằng Việt Nam đang đi lên trong chỉ số sáng tạo toàn cầu. Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn, và bởi vậy, Ấn Độ thực sự mong muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam”, vị Thứ trưởng Ấn Độ phát biểu.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con