36 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam đã có giấy phép để kêu gọi đầu tư
Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau bao gồm 36 trạm dừng nghỉ...
Trong quyết định này, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận và Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án, dự án thành phần do bộ quản lý.
Việc lựa chọn nhà đầu tư cần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông.
KHẢO SÁT, NGHIÊN CỨU KỸ QUY MÔ TRẠM DỪNG NGHỈ
Bộ Giao thông vận tải cũng lưu ý các ban quản lý dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện khảo sát, nghiên cứu kỹ điều kiện cụ thể khu vực xây dựng trạm dừng nghỉ, để chuẩn xác quy mô trạm dừng nghỉ và các hạng mục công trình trạm dừng nghỉ bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với các trạm dừng nghỉ thuộc dự án cao tốc do địa phương quản lý, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ do địa phương tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng phê duyệt chuyển trạm dừng nghỉ tại Km12+00 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành thành điểm dừng xe.
Đối với hai trạm dừng nghỉ tại Km36+00 và Km96+100 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, trước mắt cũng điều chỉnh thành điểm dừng xe, việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ thực hiện vào thời điểm thích hợp khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng và khai thác hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cập nhật mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời lưu ý đối với diện tích đất trạm dừng nghỉ đã thực hiện giải phóng mặt bằng theo các quyết định trước đây sẽ tiếp tục được sử dụng để đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ (hoặc điểm dừng xe) theo nội dung phê duyệt tại quyết định này.
Các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ bao gồm các công trình dịch vụ công được cung cấp miễn phí như: bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, nơi cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó còn có công trình dịch vụ thương mại như khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm.
Theo TCVN 5729:2012, trên các tuyến cao tốc sẽ bố trí các trạm dừng nghỉ thông thường với khoảng cách từ 50-60km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120-200km.
CÒN 27 TRẠM CHƯA ĐẦU TƯ
Trước đó, từ tháng 5/2023, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và giao nhiệm vụ cho các ban quản lý dự án cùng tư vấn phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng hồ sơ danh mục dự án công trình để kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây.
Trong số 36 trạm dừng nghỉ được phê duyệt lần này, có 6 trạm đã đầu tư đưa vào khai thác, 3 trạm đang đầu tư và 27 trạm chưa đầu tư. Trong số này, trạm có quy mô lớn nhất lên đến hơn 13ha mỗi bên; trạm có quy mô nhỏ nhất là 2,5ha mỗi bên.
Toàn bộ các trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3-5 tháng, phụ thuộc vào số lượng nhà đầu tư đăng ký, đủ các điều kiện tham gia.
Bên cạnh đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đưa ra thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, đề cập đến đầu tư trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lưu ý phương thức đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; đồng thời, việc hoạch định mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc-Nam phía Đông phải có tầm nhìn dài hạn, cần tham khảo kinh nghiệm đầu tư trạm dừng nghỉ trong nước và quốc tế.
Khi hoàn thành cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 sẽ đảm bảo đầy đủ các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác, vận hành.