4 dự án chuyển đổi số ở Việt Nam được tài trợ gần 1,4 triệu AUD

Phan Anh
Chia sẻ

Kinh phí được tài trợ để ứng dụng các công nghệ hiện đại vào việc khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa; cải thiện năng suất trồng mía, tìm kiếm cứu nạn và quản lý môi trường sinh thái...

Chứng nhận tài trợ cho các dự án
Chứng nhận tài trợ cho các dự án

Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 9/9/2021, Chính phủ Australia đã công bố tài trợ gần 1,4 triệu đô la Úc (AUD) cho 4 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chuyển đổi số ở Việt Nam.

Đây là các dự án được lựa chọn từ gần 70 đề xuất trong đợt kêu gọi tài trợ năm thứ 3 của Chương trình Aus4Innovation với chủ đề "Tăng cường Chuyển đổi số".

 
Với các công nghệ tiên tiến được phát triển và thử nghiệm tại Australia, các dự án trên được kì vọng sẽ tạo tác động tích cực đối với hệ sinh thái đối mới sáng tạo và phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam.

Cụ thể, dự án ứng dụng thực tế tăng cường để cải thiện việc khám chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa được thực hiện bởi Đại học Tasmania và Bệnh viện Bạch Mai với ngân sách 387.245 AUD. Sáng kiến này dựa trên việc ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) để cải thiện hiệu quả việc hỗ trợ từ xa giữa các chuyên gia y tế tuyến trung ương với các nhân viên y tế ít kinh nghiệm hơn ở các vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Các ca bệnh phức tạp và khẩn cấp sẽ được hỗ trợ điều trị tốt hơn.

Dự án công nghệ Mắt thông minh cải thiện năng suất trồng mía đường sẽ phát triển hệ thống sử dụng vật thể bay không người lái và công nghệ trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT) để giúp người nông dân ở Thanh Hóa theo dõi liên tục hàm lượng dinh dưỡng và tình trạng sâu bệnh trên cánh đồng mía, từ đó nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất. Dự án được thực hiện bởi Đại học Wollongong và Công ty công nghệ VIGREEN với ngân sách 300.000 AUD.

Dự án ứng dụng AI và IoT trong tìm kiếm cứu nạn được thực hiện bởi Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Lê Quý Đôn (Học viện Kỹ thuật Quân sự) với ngân sách 440.000 AUD. Dự án hướng đến tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn trong thảm họa thiên nhiên ở Việt Nam bằng các công nghệ mới nhất, gồm các thiết bị bay không người lái (UAV), trí tuệ nhân tạo (AI) và viễn thám.

Dự án thứ 4 trong đợt tài trợ lần này ứng dụng công nghệ AI trong quản lý môi trường hệ sinh thái. Dự án sẽ tập hợp các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, học máy, Internet vạn vật (IoT), công nghệ môi trường và bảo tồn sinh học để hỗ trợ công tác quản lý môi trường tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Dự án được thực hiện bởi Đại học Wollongong và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với ngân sách 250.000 AUD.

Với các công nghệ tiên tiến được phát triển và thử nghiệm tại Australia, các dự án trên được kì vọng sẽ tạo tác động tích cực đối với hệ sinh thái đối mới sáng tạo và phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh, các sáng kiến được lựa chọn và hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế- xã hội. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ như AI hay IoT vô cùng quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, ứng phó với thiên tai, phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực này sẽ tạo ra tác động tích cực lâu dài.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, đại dịch Covid-19 với diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu càng cho thấy vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội. Các dự án được tài trợ lần này không chỉ mang tính thực tiễn cao, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, mà thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại.

 
Chương trình Aus4Innovation triển khai trong giai đoạn 2018-2022 với tổng ngân sách 13,5 triệu AUD giúp tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho tương lai công nghệ và nền kinh tế số. Chương trình đã triển khai hai đợt tài trợ trong năm 2019 và 2020 với 8 dự án công nghệ cao được lựa chọn.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con