425 hộ nghèo tại Cà Mau có nhà mới chống chịu được thiên tai
Trong thời gian từ tháng 4/2024 đến tháng 8/2024, 425 hộ dân nghèo ven biển của tỉnh Cà Mau đã được nhận những căn nhà mới khang trang và đặc biệt là an toàn trước bão lũ, lốc xoáy, ngập lụt…
Chiều 15/8/2024, tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao (tượng trưng) nhà dự án GCF.
Sự kiện thuộc hợp phần 1 của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (gọi tắt là dự án GCF).
XÂY NHÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Dự sự kiện có bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; đại diện Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng…
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thành viên Ban Chỉ đạo Dự án GCF, cho biết người dân các xã ven biển của tỉnh Cà Mau hàng năm vẫn phải chống chọi, ứng phó với mưa bão, triều cường và các điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Sự hỗ trợ từ Dự án GCF đã giúp số lượng khá lớn hộ nghèo của tỉnh có nhà ở an toàn.
Là tỉnh tham gia dự án muộn nhất (tháng 3/2024) nhưng với quyết tâm vượt khó của Ban Quản lý dự án, chính quyền tỉnh Cà Mau và các gia đình hưởng lợi, đến nay dự án đã hoàn thành xây dựng 425 căn nhà an toàn tại Cà Mau. Mục tiêu đề ra ban đầu là xây 490 căn nhà cho dân, nhưng có 65 ngôi nhà không được xây, do các hộ đó không đáp ứng được tiêu chí của Dự án GCF đưa ra.
Thay mặt nhân dân tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử gửi lời cảm ơn chân thành đến Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã hỗ trợ tỉnh Cà Mau, giúp cho 425 hộ nghèo vùng ven biển Cà Mau có nhà ở, có thể chống chọi, ứng phó với mưa bão, triều cường và các điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.
Theo ông Sử, Dự án GCF hỗ trợ xây dựng 425 ngôi nhà đã giải quyết số lượng khá lớn cho hộ nghèo có nhà ở an toàn. Song, với đặc điểm 254 km chiều dài bờ biển, có 41 xã, thị trấn ven biển và cận ven biển nên Cà mau còn nhiều hộ nghèo chưa có nhà, chưa đủ điều hiện hỗ trợ xây dựng nhà trong thời gian qua. Vì vậy, Cà Mau mong muốn các bộ, ngành trung ương, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh hỗ trợ các hộ nghèo ổn định cuộc sống, an toàn trước các tình huống thiên tai, vươn lên thoát nghèo.
Tại buổi lễ, ông Sử đề nghị các hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà, phải trân quý tình cảm, sự hỗ trợ đã qua để sử dụng có hiệu quả, phấn đấu nỗ lực vượt khó, thoát nghèo để không chỉ an toàn chỗ ở mà còn phải có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
“Đối với các hộ chưa nhận được sự hỗ trợ, cố gắng phấn đấu thực hiện đủ các điều kiện, nhất là điều kiện về chủ quyền đất ở để được hỗ trợ khi có điều kiện huy động được nguồn tài trợ trong thời gian tiếp theo", ông Sử động viên, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; nhất là quan tâm hỗ trợ người nghèo chưa đủ điều kiện nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở trong thời gian qua, sớm đảm bảo các điều kiện cần thiết, sẵn sàng nhận hỗ trợ trong thời gian tới.
GẦN 5.000 NGÔI NHÀ ĐÃ ĐƯỢC DỰ ÁN GCF HỖ TRỢ XÂY DỰNG
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, dự án được hoàn thành đã biến giấc mơ về một ngôi nhà an toàn của người nghèo vùng ven biển trở thành hiện thực. Đây chính là động lực để các hộ yên tâm phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo.
Theo bà Ramla Khalidi, căn nhà là tài sản quan trọng của cá nhân và gia đình. Vì thế, việc xây dựng những căn nhà an toàn rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng thích ứng của các hộ gia đình ở vùng ven biển của Việt Nam. UNDP cam kết tiếp tục đồng hành của chính phủ Việt Nam hỗ trợ các đối tượng yếu thế có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ điều kiện thực tế của Cà Mau, nhà an toàn được thiết kế có chiều cao công trình đỉnh là 4m, diện tích sử dụng từ 18-40m2. Công trình được tính toán chịu ảnh hưởng gió bão cấp 12 trở xuống. Nền nhà cao hơn mực nước cao nhất ít nhất 0,5m. Tuổi thọ công trình lớn hơn 20 năm. Tổng đầu tư xây dựng nhà là 105 triệu đồng; trong đó 40 triệu do dự án hỗ trợ, 40 triệu đồng được tỉnh đối ứng và 25 triệu của gia đình. Nhà an toàn được xây dựng tương đồng, phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan ở vùng ven biển, ven đầm phá.
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” gồm 3 hợp phần: Hỗ trợ xây nhà chống chịu bão lũ; Trồng rừng ngập mặn; Thông tin dữ liệu rủi ro thiên tai. Dự án triển khai tại 7 tỉnh là Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.
Dự án triển khai trong thời gian 5 năm, từ 2019 đến 2024, nhằm mục đích tăng cường các biện pháp can thiệp đã được thử nghiệm để nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ tổn thương ven biển. Nhằm tiếp tục xây dựng dự án bảo vệ xã hội liên quan đến nhà ở cho các hộ nghèo và các đối tượng bị thiệt thòi, dự án sẽ kết hợp các tính năng thiết kế chống chịu bão lũ trong các ngôi nhà mới, đem lại lợi ích cho 20.000 người nghèo và chịu rủi ro thiên tai.
"Mục tiêu của dự án là xây dựng 4.000 ngôi nhà mới với những tính năng thiết kế chống bão lụt tại các địa điểm an toàn, đem lại lợi ích cho 20.000 người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều từ thiên tai. Tuy nhiên đến nay, đã có gần 5.000 ngôi nhà được hoàn thành, vượt xa mục tiêu đề ra".
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Bên cạnh việc ứng phó với quản lý rủi ro lũ lụt, 4.000 ha rừng ngập mặn sẽ được phục hồi và/hoặc trồng mới để không chỉ làm vùng đệm chống chịu triều cường, mà còn để cung cấp các nguồn tài nguyên hệ sinh thái có thể hỗ trợ sinh kế ven biển. Hơn nữa, để hỗ trợ và duy trì tác động của dự án cũng như các điều chỉnh chính sách cần thiết của chính phủ trong tương lai nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển và các cộng đồng khác, các nguồn lực sẽ được sử dụng để hệ thống hoá các đánh giá rủi ro kinh tế và khí hậu cho khu vực tư nhân và khu vực công sử dụng trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Hết, ở ấp 6 xã Khánh Lâm, đại diện cho các hộ được nhận nhà bày tỏ: “Tôi không nghĩ rằng cuộc đời mình có được ngôi nhà kiên cố vững chãi, nên rất quý trọng ngôi nhà này. Trước đây, nhà tôi rách nát, mái lợp lá, cột bằng tre, mỗi khi mưa lớn, lốc xoáy, nhà xiêu vẹo, ướt dột tứ tung. Mỗi đêm mưa, cả nhà luôn bất an. Nay, gia đình được Dự án hỗ trợ 80 triệu đồng để xây ngôi nhà kiên cố. Giờ tôi vô cùng xúc động, không biết nói gì hơn vì quá vui mừng, xin cảm ơn Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã quan tâm hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, huyện U Minh, cho biết xã Khánh Lâm là một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 8%, đứng thứ nhì trong toàn huyện U Minh. Toàn xã còn 282 hộ nghèo, số hộ cần xây nhà còn khoảng hơn 220 căn nhà. Xã Khánh lâm đã được xây dựng 59 căn nhà trong chương trình này. Đây là xã có số nhà được hỗ trợ xây dựng nhiều nhất, đã hoàn thành trước ngày 10/6/2024, sớm nhất trong toàn tỉnh. Các ngôi nhà rất khang trang, chịu được dông bão, tạo điều kiện cho bà con nghèo vươn lên phát triển.