Ám ảnh lúc 2h chiều, lại thêm 165 mã giảm sàn
Mặc dù cả buổi sáng “cứ điểm” 1.400 được bảo vệ thành công, nhưng nhà đầu tư vẫn có lý do để “thấp thỏm”. Cứ phải sau 2h chiều “trọng pháo” mới được “giã” vào thị trường. Chiều nay cũng vậy, VN-Index đóng cửa chỉ còn 1.384 điểm...
Mặc dù cả buổi sáng “cứ điểm” 1.400 được bảo vệ thành công, nhưng nhà đầu tư vẫn có lý do để “thấp thỏm”. Cứ phải sau 2h chiều “trọng pháo” mới được “giã” vào thị trường. Chiều nay cũng vậy, VN-Index đóng cửa chỉ còn 1.384 điểm.
Đợt bán mạnh chiều nay đến sớm hơn. Chỉ trong 35 phút đầu tiên sau khi mở cửa trở lại, VN-Index đã lao về đáy phiên sáng và để mất ngưỡng 1.400. Nhịp hồi nhẹ sau đó chỉ duy trì trên mốc này độ 20 phút.
Sức ép cuối phiên là cực mạnh, ép chỉ số bốc hơi 21,73 điểm tương đương 1,55%. Bộ ba “trọng pháo” được sử dụng chiều nay là GAS, GVR và VHM. Mặc dù rổ VN30 vẫn có 10 cổ phiếu tăng giá thì cũng không thể cân bằng lại được.
GAS giảm 6,41% là mức giảm sốc nhất trong vòng 5 tháng. Từ đầu năm đến nay cổ phiếu này chỉ có 2 phiên giảm trên 6%. Loạt cổ phiếu dầu khí hôm nay cũng bị tác động mạnh từ diễn biến giá dầu giảm đêm qua, bất chấp đã có phục hồi hôm nay. Ngoài GAS, PVD giảm sàn 6,91%, PVS giảm 9%, PVC giảm sàn 10%, PCG, PVB, PSH cũng giảm sàn. Duy nhất PLX tăng nhẹ 0,59%.
Hai cổ phiếu còn lại là VHM giảm 3,05%, GVR giảm sàn 7%. Ngoài ra rổ VN30 có tổng cộng 16 mã giảm thì 8 mã giảm trên 1%. Tuy vậy chỉ số VN30-Index chỉ giảm nhẹ 0,35% do giao dịch vẫn tốt lại MSN, SAB, VCB, ACB, MBB, thậm chí cả VIC. Chỉ có điều mức tăng nhóm này hơi nhẹ nên không kéo được VN-Index.
Diễn biến ở nhóm VN30 tiếp tục cho thấy các blue-chips có sức đề kháng tốt nhất thị trường lúc này. Buổi sáng nhóm này đã tăng và hồi mạnh kéo VN-Index xanh. Đến chiều do sức ép từ số quá lớn các mã khác, cộng với một số trụ, nhóm VN30 không thể làm gì hơn mà chỉ có thể “giảm xóc” phần nào.
Thê thảm nhất là các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. HoSE ghi nhận 99 cổ phiếu giảm sàn, HNX có 46 mã và UpCOM là 20 mã. Tổng cộng toàn thị trường có 165 cổ phiếu giảm hết biên độ. Ngoài ra HoSE cũng còn 120 mã giảm trên 2% nữa. Nói chung hôm nay danh mục cổ phiếu nào giảm 1% đổ lại là vẫn còn may. Trong 99 mã sàn nói trên, 57 mã thuộc rổ Smallcap, 17 mã thuộc rổ Midcap.
Nhà đầu tư mấy ngày qua đặt dấu hỏi lớn cho diễn biến giảm sốc buổi chiều, thường là từ 2h trở đi. Quả thực bất kể trước thời gian này thị trường diễn biến thế nào, lực bán đều tăng vọt sau đó và “tàn sát” tài khoản liên tục. Ví dụ chỉ với 2 sàn niêm yết, 3 phiên từ đầu tuần đến nay ngày nào cũng có trung bình gần 150 mã giảm sàn. Rất nhiều mã giảm sàn liên tục, tức là ở HoSE thì bốc hơi 7% giá trị, ở HNX thì là 10%. Chỉ trong vòng T+3 chưa thể bán được, mức lỗ đã gia tăng khủng khiếp.
Áp lực bán buổi chiều thường là do hoạt động giải chấp và công ty chứng khoán để phiên sáng cho nhà đầu tư “tự xử”. Giá cổ phiếu các phiên sáng lại hay nhích tăng, nên nhà đầu tư có thể tham lam không muốn bán ra cắt lỗ vì hi vọng giá đã chạm đáy. Tuy nhiên giá hồi vẫn không đủ giảm tỷ lệ ký quỹ xuống dưới mức cảnh báo thì nhà đầu tư lại không nộp tiền, dẫn đến công ty phải bán giải chấp.
Đây là hoạt động kinh doanh thông thường và các nhà đầu tư khi sử dụng đòn bẩy đều được cảnh báo trước. Nếu chủ động giảm tỷ lệ ký quỹ hoặc bù đắp tài sản ký quỹ thì không bao giờ công ty chứng khoán bán tài sản đảm bảo cả. Việc các công ty bán buổi chiều là bình thường, khi cần thì sẽ bán, khi chủ tài khoản vứt lại tài sản mặc kệ công ty chứng khoán thì coi như chủ tài khoản không còn quan tâm nữa. Điều này đã từng xảy ra và lúc này còn không tệ bằng thời kỳ 2008.
Thiệt hại cho thị trường là chưa có dòng tiền lớn vào mua đỡ. Thanh khoản của đợt giải chấp này khá yếu. Hôm nay tổng mức khớp lệnh hai sàn giảm tiếp xuống còn khoảng 21,4 ngàn tỷ đồng. Lực đỡ đã xuất hiện ở các blue-chips nhưng với rất nhiều cổ phiếu đầu cơ thì không. Vì vậy tình cảnh giảm sàn liên tục trên diện rộng là một hệ quả tất yếu.