Bảng giá đất tại một số địa phương vẫn ghi nhận thấp hơn giá thị trường
Báo cáo Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết những năm qua vẫn còn hiện tượng, bảng giá đất tại một số địa phương ghi nhận thấp hơn so với giá thị trường…
Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp vừa làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến trên thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường biến động bất thường và xử lý những vấn đề “nóng” phát sinh. Do đó, công tác quản lý thị trường được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện.
Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường vẫn chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, thiếu sản phẩm là nhà ở giá phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân; giá giao dịch bất động sản có xu hướng tăng dần theo năm, cao hơn thu nhập bình quân của số đông người dân…
Riêng với phát triển nhà ở xã hội, mặc dù điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế nhưng việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua tổng hợp báo cáo từ địa phương, cả nước có 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai, tương đương 567.042 căn. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang.
Mặc dầu vậy, báo cáo của các đơn vị cho thấy nhiều quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa thống nhất nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài; ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ sức khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn kéo dài…
Báo cáo Đoàn giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ thực tế trong quá trình triển khai nhiệm vụ cụ thể, Bộ nhận thấy các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ là các dự án lớn, nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, thời gian thẩm định dự án thường dài, không đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính theo quy định.
Mặt khác, nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng đang trong quá trình xây dựng. Vì vậy, việc thẩm định sự phù hợp của dự án với quy hoạch cũng gặp vướng mắc. Bên cạnh đấy, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn vừa qua còn khó khăn, nên số vốn bố trí thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn hạn hẹp. Trong khi, hoạt động thu hút tư nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá những năm qua, Luật Đất đai năm 2013 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã hình thành nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện để đất đai tham gia vào thị trường bất động sản, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, công tác sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tiếp tục tạo sự đồng bộ với những luật liên quan sẽ giúp hành lang pháp lý đủ rõ ràng, minh bạch, nhằm khơi thông pháp lý của các dự án trên thị trường.
Tuy nhiên, việc ban hành chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản vẫn còn tình trạng chưa thống nhất, chưa đồng bộ về phạm vi điều chỉnh và nội dung. Tại một số địa phương, quy hoạch sử dụng đất còn mang tính tổng hợp diện tích theo dự án, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất; tiếp cận không gian còn hạn chế nên chưa linh hoạt khi phát sinh dự án mới. Đồng thời, bảng giá đất tại một số địa phương ghi nhận thấp hơn so với giá thị trường; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho dự án nhà ở còn vướng mắc; việc thực hiện đề án của Chính phủ về nhà ở xã hội còn hạn chế…
Tương tự, Bộ Tư pháp cho biết đã thực hiện công tác góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tổng hợp, đánh giá việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội…